Các cơ quan công quyền, an ninh, xã hội, luật pháp, truyền thông đã đồng loạt lên tiếng để yêu cầu xử lý nghiêm khắc hung thủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho "đứa trẻ vừa thoát khỏi địa ngục trần gian".
Theo tin do các báo loan tải mấy hôm nay, kèm hình ảnh minh chứng cụ thể về số phận cay đắng của em Hào Anh thì trong những tháng ngày làm lụng vất vả để kiếm cơm ở trại tôm Minh Đức của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm, cậu bé này đã mất đi hai phần ba sức khoẻ và thể lực, với cấp độ tàn phế, qua kết quả giám định thương tật là hơn 66%. Em Hào Anh từng bị chủ ấn bàn ủi nóng lên người, bị dùng cây nạy mấy cái răng cửa.
Về phần hội bảo vệ trẻ em Việt Nam thì khẳng định hành động tàn ác, diễn ra thường xuyên và kéo dài bao tháng năm của vợ chồng chủ trại nuôi tôm là cố ý hành hạ, gây thương tích trầm trọng cho Hào Anh. Hành vi bị xem là man rợ ấy đã uy hiếp tinh thần và xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể của cậu bé kém may mắn này và vi phạm pháp luật về quyền bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi cũng như công ước quốc tế về quyền trẻ em do Liên Hiệp Quốc ban hành.
Hội bảo vệ trẻ em Việt Nam đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường việc thực thi pháp luật đồng thời xử lý nghiêm khắc vụ áp bức dã man em Hào Anh.
Hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em còn khiếm khuyết
Qua câu chuyện với đài chúng tôi, giáo sư Dương Trung Quốc, thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi Đồng, Quốc hội Việt Nam, đưa ra nhận định của ông về sự việc này:
"Vụ việc vừa rồi gây xúc động cho nhiều người, nhưng cũng cảnh tỉnh, thứ nhất là vấn đề liên quan đến luật lao động, việc sử dụng trẻ em vị thành niên, thì những trường hợp như vậy không phải là ít, do từng hoàn cảnh. Rõ ràng là luật lao động không được tuân thủ đầy đủ, mặc dù Việt Nam tham gia rất sớm vào công ước quốc tế về quyền của trẻ em. Thứ hai, là nhiều người nói đến sự vô cảm, nếu chỉ ở người bình thường thì đúng là vô cảm, nhưng ở đây là có vấn đề trách nhiệm xã hội.
Tất cả những tổ chức đó đều có ý thức và trách nhiệm, nhưng vấn đề chung là bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em, mà tại sao để kéo dài tình trạng ấy, giờ mới được phát hiện, tôi nghĩ là có khiếm khuyết trong vấn đề quản lý xã hội.
GS Dương Trung Quốc
Tôi phát biểu trên báo chí là ngoài hệ thống quản lý hành chính của nhà nước, chính quyền, công an, ở Việt Nam có rất đông các tổ chức chính trị, xã hội như đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... Tất cả những tổ chức đó đều có ý thức và trách nhiệm, nhưng vấn đề chung là bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em, mà tại sao để kéo dài tình trạng ấy, giờ mới được phát hiện, tôi nghĩ là có khiếm khuyết trong vấn đề quản lý xã hội.
Vụ vừa rồi được báo chí phát hiện và đưa lên, chắc chắn cơ quan luật pháp sẽ vào việc, nhưng cũng giúp cảnh tỉnh những hiện trạng không đáng có. Tình trạng ngược đãi trẻ em, vi phạm luật lao động đối với trẻ, không phải là không phổ biến. Với tư cách là thành viên ủy ban chuyên trách thanh thiếu niên tại quốc hội, chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến khi có cơ hội, Tôi nghĩ rằng với sự thức tỉnh của báo chí thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc và sớm mong có giải pháp để những trường hợp đó không còn xảy ra."
Cần xử lý nghiêm khắc tội phạm
Kế đó, luật sư Phan Thiên Vượng, Đoàn luật sư Đồng Nai, một chuyên gia pháp luật thường quan tâm đến việc trẻ em bị bạo hành phát biểu ý kiến về vụ em Hào Anh bị hành hạ một cách khó hiểu:
"Ngay cả trong đường lối chính sách đối với trẻ em thì nhà nước Việt Nam, cũng như đảng và pháp luật, bao giờ cũng đặt ưu tiên trong việc bảo vệ các cháu, tất nhiên trong thực tiễn, nói chung là lúc này, lúc khác cũng có xảy ra những chuyện bạo hành đó, và hình phạt, xử lý bao giờ cũng nghiêm khắc.
Hiện nay báo chí trong nước cùng các tầng lớp nhân dân đều lên án chuyện đó. Việc bảo vệ trẻ em thì có nhiều mặt lắm, theo chính sách, nên khi xử lý ở mọi ngành, mọi cấp đều muốn đừng để xảy ra như thế, các chính sách, quy định được ban hành, thì luôn luôn là nghiêm khắc."
Luật sư Phan Thiên Vượng cho biết cùng một tội danh, nếu gây ra cho trẻ em thì hình phạt dành cho can phạm sẽ nặng hơn, so với khi thi hành đối với người lớn:
"Sự kiện mới xảy ra chúng tôi chưa nắm bắt được tình tiết cụ thể như thế nào, mới xem khái quát thôi. Cần xem xét hồ sơ vụ án cho rõ, lúc đó dựa vào đường lối, chính sách mà xử lý.
Đối với trẻ em mà có hành vi rất là man rợ, độc ác thì hình phạt rất là nghiêm khắc. So với trường hợp người bị hại là người lớn thì đối với trẻ em, can phạm phải bị xử nặng hơn.
LS Phan Thiên Vượng
Đối với trẻ em mà có hành vi rất là man rợ, độc ác thì hình phạt rất là nghiêm khắc. So với trường hợp người bị hại là người lớn thì đối với trẻ em, can phạm phải bị xử nặng hơn, nhưng chưa có thể nói cụ thể mức án được."
Theo báo chí thì dự kiến sẽ kết thúc cuộc điều tra về vụ hành hạ dã man này, toàn bộ hồ sơ sẽ được viện kiểm sát nhân dân xem xét để truy tố hai vợ chồng Giang và Thơm cùng 2 tòng phạm là Khánh và Quỳnh. Một số viên chức bị đề nghị thi hành kỹ luật vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc này, trong số đó có chủ tịch ủy ban nhân dân xã, trưởng công an xã Ngọc Chánh, trưởng ấp và trưởng công an ấp Phú Hiệp, là địa phương có trách nhiệm đối với trại nuôi tôm giống Minh Đức.
Theo các luật sư thì với tỷ lệ thương tật trên 66%, mà em Hào Anh phải gánh chịu, qua những trận đòn chí tử hàng ngày, các hung thủ sẽ bị tuyên án từ 5 năm đến 15 năm tù.
Hiện em Hào Anh được điều trị tại bệnh xá công an tỉnh Cà Mau. Số người hảo tâm tiếp tục thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà, tặng tiền cho Hào Anh, tính đến nay em đã nhận được gần 60 triệu đồng. Gia đình em cũng nhận được sự trợ giúp pháp lý miễn phí của nhiều tờ báo và luật sư.
Em Nguyễn Hào Anh cũng sẽ được các cơ quan từ thiện cho học văn hóa, dạy nghề để ổn định cuộc sống và vĩnh viễn thoát khỏi cảnh cơ cực, tủi nhục mà em gánh chịu bao năm qua.