Làm thế nào kêu gọi trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài trở về

Trường Văn, phóng viên đài RFA

66 trí thức Việt kiều ở khắp mọi nơi trên thế giới đã về Hà Nội tham dự khóa hội thảo được khai mạc vào ngày 16 tháng 8/2005 về đề tài “Trí thức người Việt ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng đất nước.” Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Trường Văn với một số trí thức tại Hoa Kỳ về vấn đề này.

computerIT200.jpg

Sau nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cuộc hội thảo tại Hà Nội ngày 16 tháng 8 vừa qua nhằm mục đích tìm kế sách hữu hiệu để thu hút kiều bào về Việt Nam đóng góp tài lực của mình xây dựng lại đất nước.

Theo ước tính của nhà nước Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 200 trí thức, chuyên gia Việt kiều về nước trong tổng số 300 ngàn người có kiến thức chuyên môn cao trong các lãnh vực, ngành nghề. Chưa đến một phần ngàn chất xám Việt Nam trở về nguồn hàng năm. Đó chưa kể con số những người trở về rồi lại ra đi.

Nhiều nguyên nhân

Có nhiều lý do để lý giải điều này. Nhà cầm quyền Việt Nam qua sự giải thích của ông Nguyễn Phú Bình, Thứ Trưởng Ngoại Giao kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng:

“Các cơ quan chức năng trong nước chưa đưa ra những kế hoạch dài hơi, yêu cầu cụ thể cũng như những biện pháp, chính sách thoả đáng để tranh thủ sự đóng góp chất xám của trí thức, kiều bào”

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Được hỏi ý kiến về việc này, ông Đỗ Hải Minh, Thạc sĩ về Hành Chánh công quyền cho biết là theo kinh nghiệm của ông và những bạn bè khác thì Việt Nam chỉ chấp nhận những đóng góp về khoa học kỹ thuật. Sự đón nhận chất xám của Việt Nam còn được nhìn dưới nhãn quan chính trị.

Ông phát biểu: "Việt Nam làm theo lối chính trị. Các dự án đưa ra không được chấp nhận. Phải theo ngả Liên Hiệp Quốc, qua Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc thì họ mới miễn cưởng hợp tác. Cá nhân đơn lẻ khó được chấp thuận." Ông nói thêm rằng nếu đem về một mối lợi sẽ được chấp thuận dễ dàng, nếu đem lý thuyết không thì không được.

Phải tạo được lòng tin

Thực ra vấn đề chính yếu trong việc thu hút chất xám là làm sao tạo được lòng tin choViệt Kiều trí thức ở nước ngoài. Họ về nước để giúp nước hay là chỉ làm đầy túi cho một số có đặc quyền đặc lợi. Tổ chức Thương Mại Thế Giới cũng như các tổ chức quốc tế khác của Liên Hiệp Quốc cũng đòi hỏi các quốc gia hội viên cũng như các nước nhận viện trợ phải cải tổ nền hành chánh trong nước, loại trừ tham nhũng để các số tiền viện trợ được sử dụng có hiệu quả.

Giáo sư Cao thi Lễ, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, phụ trách giảng dạy bộ môn kế tóan trường Đại Học George Mason, miền Bắc bang Virginia phát biểu:

"Vấn đề thu hút chất xám bất cứ chính quyền nào cũng phải nghĩ đến. Trở ngại lớn là các chuyên viên ở nước ngoài thường có địa vị cao, việc làm tốt, lương bổng khá, do đó đòi hỏi họ phải hy sinh nếu trở về Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phải làm thế nào chứng tỏ là một chính quyền vì nước vì dân. Phải trong sạch, không kỳ thị, không bè phái, sẵn sàng đón nhận kỹ thuật tân tiến, đổi mới quản trị …"

Trước mắt để giải quyết cấp thời và nhanh chóng việc thu hút chất xám về Việt Nam, giáo sư Cao thị Lễ đề nghị: "Mời các trí thức đã về hưu vì họ không còn bận rộn về công việc, có nhiều kinh nghiệm."