Human Rights Watch báo động tình trạng nhiều người chết khi bị công an bắt giữ

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi Việt Nam lập tức mở những cuộc điều tra minh bạch về một loạt những vụ tử vong do công an gây ra khi sử dụng vũ lực chết người.

Thông cáo phổ biến trên mạng ngày thứ tư 22 tháng 9 cũng yêu cầu Việt Nam buộc trách nhiệm cho những nhân viên công an có liên can.

Tổ chức Human Rights Watch đã thu thập tài liệu về 19 vụ bạo hành của công an, gây thiệt mạng 15 người. Tất cả những vụ này đều được loan báo trên các cơ quan truyền thông Nhà nước trong 12 tháng qua.

Việt Nam nên công khai nhìn nhận

Thông cáo viết: chính phủ Việt Nam nên công khai nhìn nhận vấn đề này, ban hành pháp lệnh đặt ra ngoài vòng pháp luật những sự đối xử có tính cách hành hạ của nhân viên công an, cảnh sát mọi cấp. Human Rights Watch cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam tuyên cáo rõ ràng rằng bất kỳ nhân viên công an cảnh sát nào có trách nhiệm về những hành vi như vậy sẽ phải chịu hình thức kỷ luật và nếu cần thì phải bị truy tố về tội hình sự.

Phó giám đốc về châu Á của HRW, ông Phil Robertson, nói rằng sự hung ác của cảnh sát Việt Nam được báo cáo ở một mức báo động trên mọi vùng miền của xứ này, gây quan ngại nghiêm trọng về tính chất lan rộng và có hệ thống của những sự hành hạ như vậy.

Thông cáo của HRW cho biết có nhiều trường hợp tử vong của những người bị tạm giam hay đang trong quyền quản lý của cảnh sát đã được báo cáo xảy ra tại nhiều tỉnh ở miền cực bắc như Bắc Giang và Thái nguyên, hay ở những thành phố chính như Hà Nội và Đà Nẵng, cũng như tại Quảng Nam ở miền duyên hải, và ở tỉnh cao nguyên xa xôi như Gia Lai, cả ở những tỉnh miền Nam như Hậu Giang, Bình Phước.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc về châu Á của HRW. Photo courtesy of HRW.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc về châu Á của HRW. Photo courtesy of HRW.

Nhiều trường hợp bị giết trong lúc nạn nhân bị giam cầm chỉ vì những vi phạm nhỏ, như Vũ Văn Hiền tại Thái Nguyên, vì tội cãi vã với mẹ, hay Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang vì vi phạm luật giao thông.

Báo chí trong nước tường trình không đồng đều, gây quan ngại về sự kiểm soát báo chí của Nhà nước.

Có khi báo chí đưa đến việc điều tra những vụ việc bị che dấu trước đó; nhưng ngược lại nhiều vụ quan trọng khác không hề được truyền thông địa phương loan tin, như cái chết của Nguyễn Thành Năm tại giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng.

HRW kể sơ lược trường hợp thiệt mạng của ông Nguyễn Thành Năm, và cho biết những người dân trả lời sự hỏi han của đài Á Châu Tự Do nói là họ sợ hãi không dám nói về vụ này, nhất là về nguyên do cái chết của ông Năm. Trong khi đó chính phủ chối bỏ mọi tội lỗi của cảnh sát, nói rằng nạn nhân chết vì tai biến mạch máu não.

Trong cả 19 trường hợp bạo hành tàn nhẫn được ghi nhận, không có tin tức nào thông báo việc một nhân viên cảnh sát nào bị tòa án kết tội vì hành động của họ. Trong những vụ nghiêm trọng, cấp trên chỉ trừng phạt qua loa như đòi hỏi người vi phạm phải xin lỗi gia đình nạn nhân, thuyên chuyển đơn vị, hay viết báo cáo để cấp trên xem xét. Những trường hợp người cảnh sát vi phạm bị tạm nghỉ việc hay tạm giam để điều tra, như vụ ở Bắc Giang, có vẻ như phải diễn ra vì áp lực của cuộc biểu tình công khai và vụ việc bị phơi bày bằng nhiều hình thức trên các trang mạng không do chính phủ kiểm soát.

Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW Robertson kết luận: chỉ đến khi nào tất cả mọi cấp của chính phủ nói rõ cho cảnh sát biết là họ sẽ bị trừng phạt thì mới có thể có phương cách ngăn chặn cung cách hành động lạm dụng này, trong đó có việc đánh người đến chết.

Theo dòng thời sự: