Nhân quyền tại Việt Nam theo nhận định của Human Rights Watch

Human Rights Watch tức Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền vừa phổ biến phúc trình thường niên lần thứ 20, dày 612 trang để đúc kết về tình hình nhân quyền tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong năm 2009 vừa qua.

0:00 / 0:00

Gia tăng đàn áp

Xét một cách tổng quát, Human Rights Watch cho rằng dưới nhiều chiêu bài khác nhau, các chánh quyền độc đoán luôn tìm cách giới hạn những quyền căn bản của con người, hầu cũng cố và kéo dài sự thống trị của họ.

Phúc trình của Human Rights Watch nhấn mạnh, nhà nước Việt Nam gia tăng đàn áp bất cứ ai có suy nghĩ hay hành động trái với chủ trương, chính sách của chánh quyền, trong suốt năm vừa qua, hầu cũng cố uy thế của đảng cộng sản và nhà nước.

Hàng chục nhà đấu tranh ôn hòa cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo đều bị bắt bớ, kết án bằng những luận điệu mơ hồ như “ tuyên truyền chống phá nhà nước”, “âm mưu lật đổ chế độ” hay “lạm dụng quyền tự do, dân chủ”. Tính đến nay số người công khai đòi hỏi tự do, dân chủ tại Việt Nam đang ngồi tù lên tới hơn 400. Vẫn theo Human Rights Watch thì nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng sự kiểm soát việc truy cập Internet và blog, ngăn cấm mọi tài liệu, bài viết, tin tức, hình ảnh phê phán, chỉ trích chế độ.

Tất cả những người sống trên thế giới này cần phải có nhân quyền, đó là quyền tự do đi lại, tự do thông tin, tự do phát biểu, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam liên tục bị xâm phạm và bị chà đạp.

Mục sư Nguyễn Công Chính

Quyền tự do tôn giáo bị vi phạm có hệ thống và ngày càng khó khăn hơn qua hành động bắt bớ, hành hung, bỏ tù lãnh đạo tinh thần các tôn giáo chân chính, cùng các tín hữu, khi họ cùng lên tiếng đòi hỏi những quyền chính đáng được tự do hành đạo, tự do tín ngưỡng.

Từ miền Tây Nguyên, mục sư Nguyễn Công Chính, Chủ tịch Hiệp hội thông công Tin Lành các dân tộc Việt nam , Hội Trưởng Hội thánh liên hữu Tin Lành Đấng Christ Việt Nam nói với RFA về tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam hiện nay:

“Việt Nam không có tự do tôn giáo, tổ chức liên hữu Tin Lành Đấng Christ Việt Nam của chúng tôi trong 2 năm qua bị bắt bớ, cản trở trong việc thờ phượng Chúa. Hiệp hội thông công Tin Lành các dân tộc Việt nam của chúng tôi cũng bị ngăn cấm ở các tỉnh, miền trên toàn quốc.

Trong năm 2009, có các vụ như tòa Khâm sứ, Thái Hà, rồi Tam Tòa, vụ Đồng Chiêm, Bát Nhã liên tục bị các vấn đề về quyền tự do tôn giáo, trong đó có nhân quyền.

Tất cả những người sống trên thế giới này cần phải có nhân quyền, đó là quyền tự do đi lại, tự do thông tin, tự do phát biểu, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo tại Việt Nam luôn bị bách hại, như Thập Tự Giá là một biểu tượng rất thiêng liêng, không để bị đập phá như vậy. Bản thân tôi là mục sư nhiều năm cũng bị đàn áp. Tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam liên tục bị xâm phạm và bị chà đạp.”

Tính độc quyền

Mặt khác, để dập tắt những phong trào vận động cho dân chủ, đòi hỏi nhân quyền có thể gây xáo trộn xã hội, dưới cái nhìn của đảng cộng sản, năm rồi Hà Nội đã đưa nhiều nhà dân chủ ra xét xử và kêu án họ nặng nề. Năm ngoái, các nhân vật bất đồng chính kiến bị đưa ra toà gồm các ông Phạm Văn Trội, Vũ Hùng,Trần Đức Thạch, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Nhàn, cô Phạm Thanh Nghiên, sinh viên Ngô Quỳnh.

Chánh quyền Hà Nội là độc tài, đảng trị, họ tìm đủ mọi cách để hình sự hóa những tiếng nói yêu cầu đổi mới chính trị. Họ muốn độc quyền một cách tuyệt đối, không thể có một sự phê bình, ý kiến nào đi ngược lại, hoặc làm hại cho chế độ vì người dân thấy cái sai của họ

BS. Nguyễn Đan Quế

Mới đây, các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiếng Trung bị xử phạt từ 5 năm đến 16 năm tù. Qua câu chuyện với ban Việt Ngữ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người chủ trương Cao Trào Nhân Bản, từng ngồi tù hơn 20 năm vì đã vận động cho dân chủ, phân tích vì sao Hà Nội không chấp nhận những tư tưởng hay hành động đi ngược lại chủ trương, đường lối chính trị của họ:

“Chánh quyền Hà Nội là độc tài, đảng trị, họ tìm đủ mọi cách để hình sự hóa những tiếng nói yêu cầu đổi mới chính trị. Tất cả những người Việt Nam, giới trẻ khi thấy vấn đề thời sự đất nước, hoặc sự điều hành không chính đáng của Hà Nội thì họ lên tiếng một cách ôn hòa, không dùng bạo lực để lật đổ, nhưng chánh quyền Hà Nội cho rằng nếu có ý định tập trung một số người thành tổ chức, kết hợp nhiều người thì họ không chấp nhận.

human-right-305
Tổ chức giám sát nhân quyền / AFP Photo (AFP Photo)

Họ muốn độc quyền một cách tuyệt đối, không thể có một sự phê bình, ý kiến nào đi ngược lại, hoặc làm hại cho chế độ vì người dân thấy cái sai của họ. Để răn đe, và vì muốn độc quyền tuyệt đối về chính trị nên Hà Nội không muốn có bất cứ thế lực nào ảnh hưởng tai hại đến quyền lãnh đạo của họ. Lối tuyên truyền một chiều dùng để bịt mắt người dân.”

Tuy nhiên, theo ông Quế thì mọi sự bưng bít đã bị phá vỡ, sự thật được phơi bày ra ánh sáng nhờ các phương tiện thông tin hiện đại: “Việt Nam bắt buộc phải mở cửa ra với thế giới bên ngoài, phải đi theo kinh tế thị trường. Một bộ phận người dân đã có thể thoát khỏi sự kềm kẹp, nắm bao tử của cộng sản Việt Nam.

Với sự xuất hiện của mạng lưới thông tin toàn cầu Internet đã giúp cho những thành phần trung lưu thoát dần khỏi sự kềm kẹp và họ đã nhận ra được chủ trương, đường lối của cộng sản là có hại cho đất nước Việt Nam. Những trí thức cùng giới trẻ thấy được sự thật, với thẩm quyền kinh tế và văn hóa trong tay họ, họ đã nói lên những suy tư đối với tổ quốc. Với thông tin đa chiều, họ có thể chống lại luận điệu tuyên truyền đi ngược lại nguyện vọng, quyền lợi của dân tộc Việt Nam.”

Trên lãnh vực lao động, nhà nước Việt Nam cấm đoán tất cả các công đoàn độc lập, công nhân không được đình công, lãng công. Các đại diện công nhân một khi lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của tập thể này thì sẽ tức khắc bị hăm doạ, tấn công, giam cầm hay bỏ tù.

Nguyện vọng của người dân

Một công nhân từ trong nước sang Kuala Lumpur, Malaysia dự Đại Hội Uỷ ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, cuối tháng 12 năm 2009 nói lên nguyện vọng tha thiết của giới lao động nơi quê nhà: “Tôi vui và lấy làm vinh dự được đại diện cho phong trào trong nước đến đây dự đại hội. Thông qua việc này tôi muốn gởi gấm những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong nước, trước sự bóc lột, bạo hành, sự bất công, trong môi trường lao động tại Việt Nam. Họ khao khát có được những quyền lợi mà lao động trên thế giới có được.

Tôi mong chánh quyền Việt Nam lưu tâm đến quyền lợi và hạnh phúc của người lao động Việt Nam, đảm bảo một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ cũng như dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Một công nhân VN

Tôi xin chúc cho tất cả anh chị em lao động trong và ngoài nước thoát khỏi sự đàn áp, bóc lột. Nhân đây, tôi mong chánh quyền Việt Nam lưu tâm đến quyền lợi và hạnh phúc của người lao động Việt Nam, đảm bảo một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ cũng như dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.”

Ngoài những hành động đàn áp tôn giáo, hạn chế tự do ngôn luận, giam cầm bất đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam cũng đối xử khắc nghiệt với những người có đất đai, tài sản bị chiếm đoạt, tịch thu trái phép. Thành phần đó được dư luận gọi là dân oan, thường mang đơn khiếu kiện đi từ cấp địa phương đến trung ương , từ năm này sang năm khác, để mong nhà nước bồi hoàn những gì quý báu của họ bị lấy đi .

Chị Lê Thị Kim Thu, một dân oan bị cầm tù 15 tháng tại trại K3, Hoa Lư, Ninh Bình, vì đã đi khiếu kiện với hàng trăm người khác ở Hà Nội, kể lại: “Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng chụp mũ và quy kết tội để họ tống vào nhà tù, để bịt miệng, không cho tiếng nói ra bên ngoài.

Trường hợp của Kim Thu, từng là nạn nhân của chế độ cộng sản độc tài. Những ngày gọi là “hoà bình, giải phóng” đến nay là 35 năm rồi, đại gia đình Kim Thu bỏ thành phố lên rừng, đi vùng “kinh tế mới” năm 1976, nghe theo lời kêu gọi của đảng và nhà nước. Cho đến nay, một tấc đất cắm dùi không có. Hai mươi mấy năm trời đi khiếu kiện, từ năm 1988 đến nay, từ địa phương đến trung ương đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Lên trung ương còn dã man, tàn nhẫn hơn nửa.

Ngày 14 tháng 8 năm 2008, họ tống Kim Thu vào tù. Đến bây giờ cái nhà sắp tan nát, sụp đổ rồi, xây lên cho mẹ căn nhà, mà ngày nào địa phương cũng tới, thường phục có, mặc sắc phục công an cũng có, ngay trong lúc Kim Thu trả lời phỏng vấn của đài Á Châu cũng vậy. Chiều nay họ làm áp lực, đem cái nghị định 80, nói là xây dựng nhà không phép.

Những luận điệu đó, tôi đều bác bỏ hết, có chứng cứ hẳn hoi trong tay, áp dụng với gia đình tôi là sai hoàn toàn. Một tấc đất cắm dùi cũng không có dưới chế độ đảng trị này, không ai sống nổi.”

Báo cáo thường niên của Human Rights Watch cũng cho biết là hình thức tra tấn can phạm, ép cung là chuyện khá phổ biến đối với công an Việt Nam, nhất là trong các cuộc thẩm vấn, tra hỏi thành phần tù nhân tôn giáo hay chính trị. Các đối tượng này thường bị giam nhốt tại một địa điểm bí mật, không được tiếp xúc với luật sư hay được thân nhân thăm nuôi.

Khi mang ra tòa xét xử, các bị cáo thuộc diện vừa kể cũng không được có luật sư biện hộ, và phiên tòa xử kín trong một thời gian kỷ lục. Human Rights Watch nói , điều kiện sinh hoạt trong các nhà tù ở Việt Nam rất tồi tệ, có khi nguy hại đến tính mạng của phạm nhân. Trong thời gian đầu bị giam nhốt, trước khi bị đưa ra xét xử, thông thường kéo dài một năm, tù nhân bị giam riêng trong phòng tối, chật chội, thiếu mọi phương tiện vệ sinh tối thiểu, nằm trên sàn nhà.

Sau khi có án lệnh thì phạm nhân phải đi lao động nặng nhọc, với bao nhiêu hiểm nguy bất ngờ có thể xảy ra. Đối với gái mại dâm, người nghiện ngập, mua bán ma tuý, trẻ bụi đời, người ăn xin, vô gia cư, công an đi săn bắt họ thường xuyên, mang về tập trung ở các trại “phục hồi nhân phẩm”. Nơi đây, các thành phần kém may mắn này bị đánh đập, sách nhiễu tình dục, ăn uống thiếu thốn, không được chăm sóc sức khoẻ, cấp thuốc khi ốm đau .