Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Bạo hành trẻ em lâu nay được xã hội được đề cập đến qua những trường hợp thiếu nhi là nạn nhân của các hành vi bạo lực hoặc ngược đãi như bị đánh đập tàn tệ hoặc giam giữ, bị lấy cung đến mất trí, bị cưỡng ép lao động...
Xem video clip em Nguyễn Thị Bình trên YouTube
Mới đây vụ cô Nguyễn Thị Bình được giải cứu sau khi đã bị hành hạ dã man trong gần mười năm trời làm thuê không công, thêm một lần nữa nhắc nhở công luận về tệ nạn.
Được biết bạo hành trẻ em là một trong các quan tâm hàng đầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Nhã Trân trao đổi với bà Jo Becker, đặc trách về bảo vệ quyền lợi thiếu nhi của Children’s Rights Division, tạm dịch là Phân bộ về Quyền Thiếu Nhi của tổ chức này, để tìm hiểu suy nghĩ và ý kiến của Human Rights Watch về vấn đề này.
Nhã Trân: Xin chào bà Jo Becker và trước hết xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này. Thưa bà, ngoài việc quan sát tình trạng nhân quyền tại các quốc gia, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xưa nay cũng quan tâm đến vấn đề bạo hành trẻ em trên thế giới. Xin bà cho biết lý do vì sao?
Bà Jo Becker: Chúng tôi quan tâm đến vấn đề bạo hành đối với trẻ em vì hành vi này vi phạm quyền con người của trẻ. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chủ trương bảo vệ nhân quyền của mọi công dân thế giới, chủ trương đứng về phía các nạn nhân để bảo vệ họ trước những hành vi ngược đãi, điều tra và báo cáo các trường hợp vi phạm nhân quyền, đó là lý do chúng tôi không làm ngơ trước những trường hợp trẻ em bị bạo hành, và đã lập ra Phân bộ Quyền Thiếu Nhi vào năm 1994 nhằm giám sát, điều tra và vận động để giúp tiêu trừ tệ nạn bạo hành trẻ em trên thế giới.
Nhã Trân: Bà có thể giải thích rõ hơn tại sao bạo hành thiếu nhi là hành động vi phạm nhân quyền?
Bà Jo Becker: Bạo hành trẻ em xảy ra dưới nhiều hình thức, từ đánh đập gây các thương tật có thể thấy được trên cơ thể cho đến ngược đãi dẫn đến các tổn thương về tinh thần như buộc làm những điều ngoài ý, nhốt giam, bỏ đói hoặc cho ăn rất ít, cưỡng ép tình dục...
Các hành động này, các cách đối xử này vi phạm quyền con người của trẻ em, tước đoạt những quyền mà trẻ em lẽ ra được hưởng như mọi lứa tuổi khác; đó là quyền được bảo vệ trước những hành vi bạo lực dưới hình thức này hay hình thức kia, thay vì bị ngược đãi, bóc lột hoặc lạm dụng về nhiều phương diện.
Nhã Trân: Các tổ chức bảo vệ trẻ em như Quỹ Nhi đồng Quốc tế UNICEF, Tổ chức Cứu giúp Trẻ em Save The Children, Tổ chức Lao động Thế giới ILO, Hội Hoàn cầu Khải tượng World Vision…ra phúc trình hàng năm về vấn đề bạo hành trẻ em tại các quốc gia.
Xin bà cho biết theo các quan sát từ trước đến giờ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định ra sao về tình trạng trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, lạm dụng trên thế giới hiện nay nói chung? Bà Jo Becker: Thật không may, lâu nay có rất nhiều trường hợp bạo hành trẻ em trên thế giới. Trẻ có thể bị đối xử bất công trong mọi môi trường: gia đình, trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội.
Chúng tôi có thể một số nước mà nạn bạo hành trẻ em xảy ra trên bình diện rộng, liên can đến hàng chục, hàng trăm ngàn trẻ hay nhiều hơn. Những nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, những nước Châu Mỹ La Tinh như Mexico, Costa Rica, Brazil …đã và đang diễn ra nạn lao động trẻ em. Nói riêng về mặt lao động thì trẻ bị đối xử tàn tệ như đánh đập, hành hạ, bỏ đói, lợi dụng hoặc bóc lột sức lao động như bắt làm việc không công hay trả lương không tương xứng, lạm dụng tình dục như cưỡng dâm….
Ngoài ra tại nhiều nước còn có trường hợp trẻ em bị bạo hành bằng nhiều hình thức khác như bị sung vào quân đội bất đắc dĩ; bị đánh đập, tra tấn bởi công an, cảnh sát; bị ngược đãi bởi giới quản trị viện mồ côi hay nhà trường; bị hành hạ bởi bọn buôn người v.v..
Nhã Trân: Riêng về Việt Nam , lâu nay Tổ chức Quan sát Nhân quyền có những phúc trình nào về vấn đề bạo hành trẻ em thưa bà?
Bà Jo Becker: Việt Nam đã có tên trong báo cáo của chúng tôi vì chính quyền đã cho bắt các thiếu nhi vô gia cư trên đường phố Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC 2006 vào tháng 11. Các em bị đánh đập dã man và bị đưa vào các trại tập trung, nói là để được giáo dục, giúp đỡ nhưng thật ra lại bị hành hạ bởi nhiều hình thức, từ đánh đập đến bỏ đói thường xuyên.
Đó là một hình thức bạo hành đối với trẻ em, và trên diện rộng, mà chúng tôi đã lên tiếng.
Nhã Trân: Xin bà cho biết kể từ khi nạn bạo hành trẻ em được quan tâm và đưa ra trước công luận quốc tế, thế giới nói chung đã đối phó ra sao đối với tệ nạn này, đã có những chương trình, điều luật nào được thi hành?
Bà Jo Becker: Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ Em đã được hầu hết các quốc gia ký kết tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Quyền Thiếu Nhi [hồi năm 1989]. Cộng đồng thế giới đồng ý rằng trẻ em được hưởng mọi quyền căn bản như người lớn, vì trẻ em cũng là con người, thêm vào đó còn cần được bảo vệ, và cũng đồng ý rằng các chính quyền có trách nhiệm trong việc bảo vệ thiếu nhi.
Nhã Trân: Việt Nam là một trong những nước đã phê chuẩn công ước này thưa bà?
Bà Jo Becker: Có. Việt Nam đã thông qua công ước này, cũng như hầu hết chính quyền mọi quốc gia khác, 193 cả thảy. Vấn đề là, không phải mọi chính quyền đều thực hiện tốt các cam kết, là cho trẻ các quyền như được tiếp cận các chăm sóc về sức khỏe, được hưởng nền giáo dục và không bị bạo hành hoặc bóc lột trong cuộc sống.
Nhã Trân: Thưa bà Jo Becker, lâu nay những biện pháp nào được đưa ra đối với những chính quyền không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ, giúp đỡ trẻ em như đã cam kết trong Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ Em 1989?
Bà Jo Becker: Uỷ ban về Quyền Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ trông chừng xem các chính quyền có tuân hành những điều trong công ước hay không. Cứ mỗi 5 năm mọi chính quyền phải trình báo cáo lên ủy ban này, cho biết đã làm những gì để thực thi các quyền của trẻ em. Ủy ban này sẽ đọc các phúc trình này đồng thời cũng xét các bằng chứng do những tổ chức ngoài chính phủ và những nguồn quan sát khác thu thập.
Các chính quyền sẽ được cho biết những điều họ làm đúng và những điều còn cần cải thiện, để bảo đảm thiếu nhi được hưởng các quyền của mình.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng ra các báo cáo tương tự. Chúng tôi thu thập các dữ kiện tại những quốc gia nơi nạn bạo hành trẻ em xảy ra trên diện rộng, như ngược đãi trẻ lao động, lạm dụng tình dục trẻ… và chúng tôi cũng cung cấp rất nhiều thông tin cho các nghiên cứu của Uỷ ban Quyền Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo hành trẻ em.
Lâu nay chúng tôi vẫn sát cánh làm việc với Uỷ ban này và với các chính quyền, hầu ban hành các luật lệ, lập ra các chương trình nhằm bảo vệ thiếu nhi.
Nhã Trân: Thế thì Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng giải pháp nào có thể giúp bảo vệ thiếu nhi, có thể giúp ngăn ngừa, đối phó với nạn bạo hành trẻ em?
Bà Jo Becker: Trước đến giờ vấn đề bạo hành trẻ em không được quan tâm đúng mức. Các trường hợp trẻ bị bạo hành không được báo cáo đầy đủ. Các chính quyền đã không có hành động thích đáng đối với những ngừơi cư xử sai trái đối với thiếu nhi.
Điều rất quan trọng là giới thẩm quyền phải đưa những người sai trái ra xét xử đúng đắn, công bằng, để họ nhận lãnh trách nhiệm về hành động của họ, để họ hiểu rằng không thể hành hạ trẻ em như vậy. Chúng tôi kêu gọi các chính quyền, đề nghị những người hữu trách có biện pháp để chấm dứt các đối xử tàn tệ đối với trẻ em.
Nhã Trân: Thưa bà Joe Becker, nếu nói giới hữu trách có nhiệm vụ khám phá và nghiêm trị những hành vi ngược đãi, bạo lực đối với trẻ thì người dân có trách nhiệm gì không, trong nỗ lực tiêu trừ nạn bạo hành trẻ em, theo ý kiến của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền?
Bà Jo Becker: Chúng tôi kêu gọi cộng đồng xã hội và mong mỏi rằng mọi người tôn trọng quyền con người của kẻ khác, kể cả trẻ em, vì thiếu nhi cũng là người và hơn nữa còn cần được bảo vệ.
Nhã Trân: Thay mặt quí thính giả đài Á Châu Tự Do xin cảm ơn bà Jo Becker, đặc trách Phân bộ Quyền Thiếu Nhi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, về cuộc phỏng vấn này.