Đại học Tại chức: Nên giữ hay bỏ ? (phần 1)

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Hàng chục năm qua vấn đề đại học tại chức đã làm dư luận nhức nhối và nổi lên nhiều tranh cãi khi nhiều khi ít nhưng chưa bao giờ ngưng hẳn.

RmitSchoolEducation200.jpg
Thư viện trường RMIT International University Vietnam ở Sài Gòn hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Mới đây, Giáo Sư Nguyễn Đình Cống có gửi trực tiếp đến bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân một bức thư đề nghị bỏ hẳn đại học tại chức vì cho rằng chương trình này không phù hợp với thực tế, việc dạy và học có tính cách gian lận và làm cho ngân sách thâm thủng mà không có kết quả gì.

Mặc Lâm có bài phỏng vấn Giáo Sư Phạm Phụ của đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm vấn đề, mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, có dư luận cho rằng đại học tại chức là nơi mà người ta dạy và học một cách chiếu lệ để moi tiền và bằng cấp của nhà nước một cách hợp pháp. Mới đây Giáo Sư Nguyễn Đình Cống đề nghị là bỏ hẳn chương trình này. Xin ông cho biết kinh nghiệm của ông về chương trình đại học tại chức của Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Giáo Sư Phạm Phụ: Về vấn đề đào tạo tại chức mà chất lượng quá thấp thì ở Việt Nam nói cũng đã khá lâu rồi và thậm chí có người cho rằng bỏ cái đại học tại chức đi nhưng cách nhìn của tôi thì khác, tôi nghĩ rằng trong cái xã hội ngày nay, ngay ở Mỹ số người trên 25 tuổi theo học đại học rất nhiều vì vậy tại Việt Nam nếu chất lượng không tốt thì củng cố, chứ không phải bỏ nó đi và phải tiếp tục duy trì dạng đại học.

Đúng là phải chú ý đến nó. Hiện nay đối tượng được gọi là tại chức nó không đúng vì cái cung trong giáo dục đại học còn thấp xa so với cầu, nghĩa là hiện nay khoảng 100 em muốn vào đại học thì chỉ đậu được từ 30 đến 35 em, có nghĩa là trong giáo dục đại học hiện nay thì cung chỉ thỏa mãn 1/3 của cầu.

Từ thực tế trên người ta mở tại chức chủ yếu không phải những người đã ra làm việc hay đang làm việc mà một tỷ lệ khá lớn là những em thi vào đại học bị rớt. Thực chất đại học tại chức có một tỷ lệ rất cao của các em này.

Mặc Lâm:Nhìn dưới khía cạnh xã hội thì rõ ràng khó chối cãi vai trò quan trọng của đại học tại chức, tuy nhiên mục đích tốt đẹp và chính đáng này đã bị lạm dụng vì hệ thống thực hiện cũng như chính sách giảng dạy có sai lầm và bất cập. Theo Giáo Sư thì nguyên nhân phát sinh từ đâu và ai là người trực tiếp chịu trách nhiệm?

Giáo Sư Phạm Phụ: Nguyên nhân của chất lượng thấp rất nhiều, thứ nhất đứng về góc độ xã hội mà nói, ví dụ có một số người đang có một chức tước nào đấy nhưng trong bối cảnh ngày nay thì anh phải có cái bằng đại học chẳng hạn thì họ lại vào đó với mục tiêu chính không phải là thu thập kiến thức hay thậm chí không phải để nâng cao trình độ mà trong đó có một mục tiêu rất lớn là để có một cái bằng để giữ được chức hay có cơ hội lên chức, đó là vấn đề tâm lý xã hội như vậy. Nguyên nhân thứ hai là tình trạng quá tải trong giáo dục đại học.

Mặc Lâm: Xin Giáo sư cho biết cụ thể hơn về tình trạng mà ông cho là quá tải trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, ý Giáo sư muốn nói đến hạ tầng cơ sở hay vấn đề con người?

Giáo Sư Phạm Phụ: Ví dụ rõ nét nhất là tỷ lệ sinh viên trên thầy giáo. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu sinh viên nhưng chưa đến 50 ngàn thầy cô giáo, vì vậy tỷ lệ sinh viên trên thầy giáo là 1/28. Tỷ lệ này không thể đòi hỏi cao hơn trong tình hình hiện nay tuy nhiên nó nói lên được tình trạng quá tải cần phải giải quyết.

Do quá tải như vậy và quan niệm tại chức không phải là chính quy do đó san sẻ cái lực lượng cho việc giảng dạy ở các đại học tại chức không đúng mức điều này làm cho chất lượng giảm thấp.

Còn một nguyên nhân nữa không nổi bật lắm vì quan niệm xã hội có những ngôn từ không đẹp khi nói đến người đi học đại học tại chức gây một tâm lý thành kiến. Đây vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả với những nguyên nhân vừa nói.

Quý vị vừa nghe qua phần phân tích của giáo sư Phạm Phụ về tình hình đen tối của chương trình đại học tại chức của Việt Nam hiện nay, trong chương trình kỳ tới, giáo sư Phạm Phụ sẽ trình bày tiếp những nguyên nhân sâu xa hơn trong câu phát biểu nổi tiếng của Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân trước Quốc Hội khóa 11 khi ông nói rằng nếu bỏ chương trình đại học tại chức là đập nồi cơm của đại học. Sự thật như thế nào qua câu nói này mời quý vị đón theo dõi.