Tại phiên chất vấn ở Quốc Hội mới đây, nhiều đại biểu đã đặt nghi vấn với Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, liên quan không những năng lực, mà còn trách nhiệm, đạo đức của thẩm phán, cùng những biểu hiện tiêu cực trong ngành tòa án VN. Dựa theo thông tin và ghi nhận ý kiến liên hệ, Thanh Quang trình bày vấn đề nầy như sau:
Trình độ và trách nhiệm
Trả lời nhiều câu hỏi chất vấn gay go trước Thường Vụ Quốc Hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nhìn nhận rằng chất lượng xét xử hiện chưa cao, trình độ, năng lực của thẩm phán trong nước tiếp tục là vấn đề đáng ngại.
Chất lượng xét xử hiện chưa cao, trình độ, năng lực của thẩm phán trong nước tiếp tục là vấn đề đáng ngại.
Chánh án Tòa án ND tối cao Trương Hòa Bình
Vẫn theo viên chức tư pháp nầy, thì tình trạng xét xử oan sai còn nhiều, khiến trong năm qua, tổng số tiền chi trả bồi thường cho những trường hợp như vậy đã lên hơn 9 tỷ 500 triệu đồng. Và ông nêu lên câu hỏi về sự chủ quan của thẩm phán, việc nâng cao trách nhiệm, nhận thức của thẩm phán để có thể xử án hiệu quả. Theo Chánh Án Trương Hòa Bình, những thẩm phán nào có án bị chỉnh, sửa nhiều sẽ không được tái bổ nhiệm.
Đề cập tới năng lực của thẩm phán trong nước, một chuyên gia luật học tại Miền Tây nhận xét:
"Thật ra trong tất cả những cuộc nghiên cứu có liên quan tới thẩm phán thì người ta luôn luôn có nhận xét về thực trạng, thí dụ như, đội ngũ cán bộ về năng lực cần phải xem xét để nâng cao. Công trình nghiên cứu nào cũng thấy câu đó cả. Chứ không bao giờ người ta nói rằng tình hình thẩm phán bây giờ là hòan hảo hết, không cần gì phải bồi dưỡng hay nâng cao thêm nữa.
Tình trạng xét xử oan sai còn nhiều, khiến trong năm qua, tổng số tiền chi trả bồi thường cho những trường hợp như vậy đã lên hơn 9 tỷ 500 triệu đồng.
Chánh án Tòa án ND tối cao Trương Hòa Bình
Cho nên chuyện không có gì ngạc nhiên khi nói năng lực thẩm phán còn chưa ngang tầm, hay nhiệm vụ đòi hỏi phải phát huy, trình độ cần nâng cao...Điểm đặc biệt nữa, VN là nước đang phát triển cho nên việc năng lực cần phải nâng cao so với các quốc gia khác là chuyện bình thường thôi.
Nếu nhìn đúng sự thật thì công trình nghiên cứu phải đánh giá như thế, chứ không thể bỏ qua chuyện cần phải nâng cao trình độ của thẩm phán, nếu nói riêng trong ngành tòa án. Do đó, theo tôi, một

quan chức tư pháp cao cấp hay một nhà nghiên cứu thì bao giờ người ta cũng nhìn nhận sự thật, dựa trên thực tế nên họ phải công nhận như vậy”.
Từ Hà Nội, LS Trần Đình Triển nhận xét về thẩm phán nói riêng, và ngành tòa án VN nói chung:
"Trong hoạt động thực tiễn thì nước nào cũng vậy, ngành nào cũng vậy, có tình trạng không tiến kịp yêu cầu thời đại, yêu cầu đất nước hoặc yêu cầu thực tiễn đổi mới khiến dẫn tới sự tiêu cực, chưa tốt. Theo đánh giá chung của tôi thì có lẽ lực lượng ngành tòa án, về thành tích thì đã được ghi nhận rồi, và nhược điểm cũng đã được Quốc Hội đánh giá, tức là hệ thống tòa án VN, năng lực, trình độ của thẩm phán cũng như hội thẩm nhân dân không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thứ hai là thực sự nhiều khi những vụ xử có oan sai. Thứ ba là có những hội đồng xét xử, hay thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hay hội thẩm nhân dân không được bình đẳng với nhau, hay không độc lập tại phiên tòa, mà dân gian thường nói là "án bỏ túi", hay là án là một sự quyết định trước nào đó. Vấn đề là chúng ta phải tìm nguyên nhân nào chưa đảm bảo được yêu cầu mong muốn của nhân dân, của thực tiễn.
Tòa án thì chưa có trường đào tạo mà lấy học sinh ở trường luật về, thông qua một lớp đào tạo nghiệp vụ gì đó, rồi họ làm thư ký 5 năm, 8 năm gì đó thì họ bắt đầu trở thành một thẩm phán. Rồi khi ngồi vào ghế thẩm phán thì họ bất biết là ai, kể cả thầy làm luật sư mà trước đó đã từng dạy họ làm luật sư
LS Trần Đình Triển
Tôi cho rằng nguyên nhân thứ nhất là do cách đào tạo thẩm phán. Tòa án thì chưa có trường đào tạo mà lấy học sinh ở trường luật về, thông qua một lớp đào tạo nghiệp vụ gì đó, rồi họ làm thư ký 5 năm, 8 năm gì đó thì họ bắt đầu trở thành một thẩm phán. Rồi khi ngồi vào ghế thẩm phán thì họ bất biết là ai, kể cả thầy làm luật sư mà trước đó đã từng dạy họ làm luật sư, nói đúng, mà họ cũng bất cần. Đây là một thực tiễn dẫn đến sự oan sai."
LS Trần Đình Triển lưu ý về mặt hạn chế của các quan tòa địa phương, nhất là liên quan cơ chế thị trường: "Thật ra, các thẩm phán ngồi xử ở các cấp quận huyện, cấp tỉnh, họ chỉ đi vào một chuyên môn nào đó. Rồi khi gặp phải cơ chế thị trường, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ thì không phải thẩm phán nào cũng biết cả."
Giáo dục đào tạo chưa đạt yêu cầu
LS Trần Đình Triển nhân tiện cũng đề cập tới vấn đề xét xử tại VN có thực sự độc lập hay không: "Trong luật pháp VN nói là hội đồng xét xử và thẩm phán độc lập, xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và mọi chứng cứ chỉ đánh giá tại phiên tòa, tôi cho là trong thực tiễn, xét xử ở VN có tính cách lý luận mà thôi".
Sau khi lưu ý rằng "Chất lượng xét xử chưa cao, trình độ, năng lực của thẩm phán VN tiếp tục là vấn đề đáng ngại", Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng chất lượng thẩm phán có liên quan đến quá trình đào tạo đại học, nghiệp vụ xét xử và việc tự đào tạo của cá nhân thẩm phán". Và ông nêu lên câu hỏi "giáo dục đại học đã đạt yêu cầu chưa?"
Chúng ta cũng phải tự đánh giá đội ngũ luật sư của mình. Cách đào tạo luật sư tại VN không thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề một cách tốt đẹp được nếu được đào tạo theo cách của VN
LS Trần Đình Triển

Theo LS Trương Thanh Đức, Trưởng văn phòng Luật Basico, thì "hầu hết cử nhân luật khi mới ra trường đều thiếu mọi kỹ năng...thậm chí đến hợp đồng và quyền lợi của mình cũng không nắm được". LS Trần Đình Triển cho biết thêm:
"Chúng ta cũng phải tự đánh giá đội ngũ luật sư của mình. Cách đào tạo luật sư tại VN không thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề một cách tốt đẹp được nếu được đào tạo theo cách của VN. Trước hết là chương trình đào tạo ở trong các trường đại học không phù hợp. Thứ hai là sự đào tạo rất ồ ạt, nhất là chương trình đào tạo tại chức, tức đào tạo ra mang một tấm bằng nhưng năng lực không có.
Thứ hai là cách của VN đưa một người được hành nghề luật sư thì quá đơn giản, thí dụ như học 4 năm ở đại học, sau đó học 6 tháng chứng chỉ luật sư, rồi được một đòan luật sư cho vào thực tập khỏang một năm hay một năm rưỡi thì được cấp bằng luật sư, và họ có thể mở văn phòng luật sư độc lập theo quy định của pháp luật. Cách đào tạo như vậy thì không thể đảm bảo được chất lượng.
Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi đánh giá là VN hiện nay có một đội ngũ luật sư cũng tương đối, nhưng trình độ của họ để đáp ứng yêu cầu chung của cơ chế luật pháp, và đặc biệt là trong cơ chế hội nhập thì không tương xứng, không thể đáp ứng được. Chính vì thế, có những luật sư làm một văn bản, viết một di chúc, hay tư vấn cho một doanh nghiệp, hoặc ra tòa tranh tụng một vụ việc thì nhiều khi thân chủ kêu lên là “Nếu biết như thế nầy thì tôi khỏi phải nhờ, thậm chí tôi còn biết nhiều hơn”. Tôi từng nghe nhiều thân chủ nói với tôi như vậy. Rõ ràng vấn đề là chúng ta phải xem xét lại đội ngũ luật sư”.
Theo dòng thời sự:
- Họp báo tại Paris tố cáo Việt Nam vi phạm quyền luật sư
- Rút lại quy định cấm trường tư dạy sư phạm, luật, báo chí
- Tại sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục
- Trường Tư không phải "trường Ta"
- Gần 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong năm 2009
- Luật pháp Việt Nam bảo vệ người dân như thế nào?