Cuộc thi khoa học quốc tế
Rất nhiều chủ đề đã được gởi đến tham dự Hội thi Khoa Học và Kỹ thuật Quốc Tế của Intel (ISEF) năm nay, những đề tài thuộc các lĩnh vực như khoa học, môi trường, hóa sinh học, toán học, và những môn ngành khác.
Hội thi Khoa Học và Kỹ thuật Quốc tế của Intel (ISEF) là cuộc thi khoa học quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 1600 thí sinh tham dự từ 59 quốc gia và có tổng giải thưởng trị giá 4 triệu đô la Mỹ do công ty Intel tổ chức hàng năm.
Intel ISEF là một cuộc thi khoa học hàng đầu trên thế giới chỉ dành riêng cho các học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Hàng triệu học sinh trên khắp hành tinh sẽ tranh tài tại các hội thi khoa học do trường hay địa phương tổ chức và tài trợ. Thí sinh thắng cuộc sẽ tiếp tục tham gia các hội thi quốc gia và khu vực có liên kết với hội thi Intel ISEF từ đó chọn ra những đại diện xuất sắc nhất tham dự Intel ISEF.
Đối với cá nhân tôi, cuộc thi này tái khẳng định tương lai khi có rất nhiều phát minh sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống, không chỉ là những ý tưởng từ cuộc thi mà là những người dự thi.
Ông Paul Otellini, CEO của Intel
Thí sinh lọt vào vòng chung kết được lựa chọn hàng năm từ hơn 550 hội thi thành viên của Hội thi Intel ISEF trên toàn thế giới. Những dự án của các em sau đó được đánh giá tại chỗ bởi hơn 1,200 giám khảo thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học, mỗi giám khảo đều có học vị Tiến sỹ hoặc tương đương với 6 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan.
Ông Paul Otellini, CEO của Intel cho biết tại sao công ty ông tiếp tục cuộc thi này trên hơn 60 năm qua.
“Đối với cá nhân tôi, cuộc thi này tái khẳng định tương lai khi có rất nhiều phát minh sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống, không chỉ là những ý tưởng từ cuộc thi mà là những người dự thi.
Các em học sinh cho chúng ta thấy, tương lai rất sáng lạn. Nền kinh tế Hoa Kỳ là nền kinh tế dựa trên sự đổi mới, những ý tưởng mới. 40% các thí sinh là từ Hoa Kỳ, đó là một sự khẳng định cho họ về những điều họ có thể làm được, đồng thời cho họ một cái nhìn lớn hơn về thế giới và những điều tốt đẹp về thế giới đó.
Chúng tôi đã tài trợ cho những quỹ học bổng hơn 1 tỷ đồng trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục đào tạo thêm những thế hệ mới, bằng chứng là chúng tôi đã đào tạo hơn 7 triệu thầy cô giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi bắt đầu ý tưởng về giáo dục với những câu hỏi như làm thế nào để đem computer vào lớp học, làm sao để giới thiệu và biến internet thành một công cụ phổ cập cho các trường lớp, làm sao để dùng những công nghệ tiên tiến trong việc giúp đỡ các giáo viên và còn nhiều điều khác nữa.
Chúng tôi gặt hái được rất nhiều thành công nhưng vẫn còn phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.”
Người đoạt giải đặc biệt
Cuộc thi năm nay được tổ chức tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ và sau 5 ngày thi đấu, giải thưởng đăc biệt mang tên Gordon E. Moore, người đồng sáng lập công ty Intel trị giá 75,000 đô la đã thuộc về tay cô nữ sinh trung học, cô Amy Chyao, 15 tuổi, tại thành phố Richardson, bang Texas.
Sinh ra tại Trung Quốc là lớn lên tại Hoa Kỳ, Amy dành nhiều thời gian cho đam mê khoa học và sở thích âm nhạc của mình. Cô có thành tích học tập đáng nể với những giải thưởng cao tại cuộc thi đánh vần quốc gia hay còn gọi là National Spelling Bee năm 13 tuổi. Chỉ vài tháng trước, cô dành giải giải nhất tại hội chợ Exxon Mobil Texas Science and Engineering Fair.
Amy mang đến cuộc thi công trình phát triển chất cảm quang (photosensitizer) dùng trong liệu pháp quang động (photodynamic), một phương pháp điều trị ung thư mới được phát triển sử dụng năng lượng ánh sáng để kích hoạt một loại dược chất có tác dụng loại bỏ các tế bào ung thư mà cô là người nghiên cứu.
| |
|
Khi có cơ hội nói thêm về nghiên cứu của mình, Amy cho biết.
“Nếu nói là phát minh này sẽ chữa khỏi bệnh ung thư thí hơi quá một tí. Tôi phát minh ra một loại thuốc có thể tiếp cận những tế bào bên trong cơ thể và điều đó sẽ giúp rất nhiều cho cách chữa ung thư vì hiện tại chúng ta bị giới hạn vì chỉ có thể chữa trị những tế bào ngoài da.
Vì phát minh này chỉ nhắm vào những tế bào ung thư nên nó có thể tiêu diệt những khối u và chỉ những khối u bệnh. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi ngành hóa và hy vọng là được học tại Harvard. Sau đó thì tôi muốn làm việc có liên quan đến nghiên cứu hay dạy học tại các trường đại học. Trước hết tôi phải để dành số tiên thưởng này cho đại học.”
Hai người đoạt giải nhất của cuộc thi là Keven Ellis và Yale Fan. Kevin phát triển một phương pháp tự động tăng tốc các chương trình máy tính bằng cách phân tích các chương trình này trong khi chúng vẫn đang chạy và Yale Fan đã trình bày được những lợi ích của điện toán lượng tử đối với những chương trình điện toán khó.
Việt Nam có bốn học sinh tham dự với các đề tài thuộc lĩnh vực môi trường, hóa sinh học, và toán học. Tuy không nằm trong danh sách đọat giải nhưng những đề tài này đã được ban giám khảo đánh giá là có tính thực tiễn cao.
Học sinh Việt Nam bước vào đấu trường quốc tế với những đề tài mới lạ là chìa khóa để có hy vọng mở cánh cửa vinh quang.
Thế nhưng đề tài mới lạ mà thiếu đầu tư từ các cấp trách nhiệm từ trường học đến chính phủ thì trong thời gian còn phôi thai này, học sinh Việt Nam khó có cơ hội dành những vị trí cao tại các cuộc tranh tài đầy khó khăn của quốc tế.
Theo dòng thời sự:
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Tại sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Số lượng hồ sơ dự thi đại học ở phía Bắc giảm mạnh
- Các bạn trẻ sẽ làm gì để đất nước phát triển?
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết
- Việt Nam tăng học phí mỗi năm từ giờ đến 2015