Trách nhiệm dân sự?
Khánh An phỏng vấn ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường về việc xử lý công ty Vedan và những vấn đề liên quan đến tình trạng vi phạm gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trước hết, Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết về trường hợp của công ty Vedan:
Cho tới bây giờ thì việc này có liên quan đến trách nhiệm dân sự, một bên là Vedan, bên kia là nông dân.
Ô. Bùi Cách Tuyến
Ông Bùi Cách Tuyến: Ở Vũng Tàu, chính quyền địa phương đã gửi một con số cho Vedan để yêu cầu bồi thường cho nông dân, khoảng 53 tỉ. Còn ở TPHCM đã gút lại khoảng 45 tỉ, văn bản có lẽ đang trên đường đến. Còn ở Đồng Nai thì chưa chốt lại con số chính thức.
Khánh An: Như vậy, mình có một khoảng thời gian chính thức để cho họ thực hiện việc này không?
Ông Bùi Cách Tuyến:Về phía Bà Rịa – Vũng Tàu, bên phía Vedan họ có đề nghị để cho họ một tuần lễ để họ tìm hiểu thêm về thực trạng và tiếp xúc với những người nông dân bị thiệt hại. Họ tìm hiểu kỹ rồi sẽ có trả lời với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh khác thì TPHCM chưa gửi, chốt con số thôi nhưng công văn chưa đến Vedan, còn Đồng Nai thì đang tiếp tục làm.
Khánh An: Vâng, thưa ông, khi xử lý bồi thường thì sẽ xử phạt về tài chính không thôi hay còn có những xử phạt khác nữa?
Ông Bùi Cách Tuyến:Cho tới bây giờ thì việc này có liên quan đến trách nhiệm dân sự, một bên là Vedan, bên kia là nông dân. Cái này thì mỗi phía, ví dụ như chính quyền địa phương, theo luật, thì có trách nhiệm chính đứng ra để giúp người dân địa phương giải quyết việc này. Còn cơ quan trung ương, vì vụ việc diễn ra trên địa bàn liên tỉnh, nên các cơ quan trung ương sẽ đứng ra để chỉ đạo các địa phương thực hiện việc này. Còn việc phạt thì Vedan họ đã làm rồi, trước đây phạt việc họ xả thải vô trong nguồn nước mà không xử lý, họ cũng đã làm lại hệ thống xử lý chất thải trong nhà máy rồi.
Khánh An: Những xử phạt đó chỉ là những giải quyết ở phần ngọn, còn để giải quyết phần gốc, mình có những chính sách hay có hướng giải quyết thế nào về lâu về dài không, thưa ông?
Ông Bùi Cách Tuyến:Tại vì Việt Nam mình là đất nước đang phát triển, những việc như thế này cũng đã diễn ra ở Nhật Bản vào thời kỳ 50, 60. Những vụ như là Minamata, sông Sinju (???), thì bây giờ mình là đất nước đang phát triển thì nó cũng diễn ra theo kiểu các nước tiên tiến bây giờ mà hồi xưa người ta đang phát triển cũng vậy. Cho nên vấn đề quan trọng bây giờ là phải có chiến dịch truyền thông môi trường, nâng cao nhận thức xã hội, từ trong dân đến giới doanh nghiệp, đến tất cả những người làm quản lý ở địa phương, ráng làm sao để nâng cao đạo đức về môi trường để người ta tự tìm cách giảm bớt những hành vi không phù hợp. Đó là một. Mặt khác, cũng phải có sự tăng cường thanh tra, kiểm tra vì đôi khi con người cũng có tính lạ, nếu mà không có sự thanh tra kiểm tra thì sẽ dễ dãi quá.
Đó là luật rồi, không những ở Việt Nam, mà ở các nước khác cũng vậy thôi, tức là khi mình thanh tra một đơn vị nào đó, thì phải có văn bản báo trước.
Ô. Bùi Cách Tuyến
Thứ ba là cải tiến về mặt luật lệ bởi vì xã hội nào cũng phát triển dựa trên 3 mặt: phát triển kinh tế, duy trì công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng sống. Ba mặt đó phải cân bằng với nhau. Trước giờ, Việt Nam chỉ lo chú trọng đầu tư về kinh tế, thì bây giờ dần dần phải lo chú trọng về môi trường không thôi thì nó sẽ suy thóai và ảnh hưởng ngược trở lại đời sống của cộng đồng. Phải kết hợp nhiều mặt, nâng cao ý thức, luật lệ, thanh tra kiểm tra và một số biện phát phụ nữa để làm sao cuối cùng tăng được hiệu quả tối ưu về bảo vệ môi trường và xa hơn nữa, để nâng cao chất lượng sống của con người, nâng cao tuổi thọ của người Việt Nam.
Điều tra có báo trước
Khánh An: Vâng, thưa ông, nhân nói đến chuyện thanh tra, vừa rồi vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng, cá chết rất nhiều ở khu vực sông Cầu Trắng, có ý kiến cho rằng một trong những vấn đề làm cho các khu công nghiệp ở đó xả thải rất bừa bãi, làm ảnh hưởng đến môi trường là do quy chế khi chính phủ thanh tra về môi trường, thường phải báo trước khoảng 7 ngày phải không?
Ông Bùi Cách Tuyến:Cái đó là luật rồi, không những ở Việt Nam, mà ở các nước khác cũng vậy thôi, tức là khi mình thanh tra một đơn vị nào đó, thì phải có văn bản báo trước cho người ta là mình sẽ đến vào thời điểm nào. Đúng như vậy.
Khánh An: Ông có nghĩ đó là một kẽ hở để cho các doanh nghiệp lấp liếm những vấn đề về môi trường không?
Ông Bùi Cách Tuyến:Cái đó trên thực tế cũng có vì nhiều khi, nếu họ không đàng hòang thì khi mình tới, họ cũng tìm cách giấu. Cái đó có chứ.
Khánh An: Như vậy, mình có hướng nào để giải quyết vấn đề này không, thưa ông?
Ông Bùi Cách Tuyến:Hiện nay, cảnh sát chống tội phạm môi trường là cơ quan có quyền thanh tra đột xuất. Họ đã giúp ích rất nhiều. Quyền hạn của họ là quyền hạn của một cơ quan đặc biệt, thành ra vừa rồi có những vụ việc mà họ, với những nghiệp vụ riêng, đã khám phá ra những chuyện vi phạm lụât môi trường nhiều lắm. Họ cũng đã đóng một vai trò tích cực lắm.
Khánh An: Vâng, trong việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp bây giờ, có chú trọng nhiều hơn về vấn đề môi trường so với trước đây không, thưa ông?
Ông Bùi Cách Tuyến: Việc bảo vệ môi trường là một việc rất quan trọng hiện nay và yếu tố "chặt chẽ" càng ngày càng tăng để làm giảm bớt ô nhiễm môi trường. Việt nhấn mạnh vào yếu tố bảo vệ môi trường là việc cực kỳ quan trọng mà hiện nay tất cả các cấp, các cơ quan đều chú ý thực hiện.
Khánh An: Vâng, cám ơn ông Tuyến rất nhiều đã dành cho RFA thời gian vừa rồi. Cảm ơn ông.
Theo dòng thời sự:
- Tung Kuang là Vedan thứ hai?
- Cty Vedan đề nghị bồi thường 15 tỷ đồng
- Vedan thừa nhận gây ra 65% mức độ ô nhiễm
- Vụ Vedan: khi sự coi thường dư luận bị đáp trả
- Khuyến khích phát triển những dự án "sinh thái"
- Thịt hư thối bán công khai tại Hà Nội
- 13 doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai gây ô nhiễm nghiêm trọng
- Sông Saigòn đang kêu cứu
- Kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng
- Nạn đổ rác lén trên đường phố Hà Nội