Nhận định về “Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung”

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận định về những phát biểu của ông Lê Công Phụng về "Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung”, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc.

0:00 / 0:00

Phân định biên giới Việt -Trung ngày càng được dư luận người Việt trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Mới đây, Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là ông Lê Công Phụng, nguyên thứ trưởng ngoại giao và từng là trưởng đoàn đàm phán về biên giới với Trung Quốc, đã có cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề nhạy cảm này với nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ Nhiệm tạp chí Văn Hoá phát hành tại Miền Nam California (Hoa Kỳ).

Những phát biểu của ông Phụng giúp làm sáng tỏ một số vấn đề nhưng lại gây nên nhiều thắc mắc mới.

Để góp phần tìm hiểu thêm, biên tập viên Nguyễn An của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn hiện cư ngụ tại Pháp. Ông Tuấn là tác giả của cuốn “Biên giới Việt-Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp” dày 860 trang, do nhà xuất bản Dũng Châu ấn hành Năm 2005, mà cho đến nay vẫn được đánh giá là nghiên cứu công phu nhất về vấn đề này.

Bản thân của nó là các hiệp ước bất bình đẳng vì nó được ký trong tình trạng hoàn toàn không minh bạch. Hai hiệp ước đó là những bằng chứng cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam không bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là ông Phụng có phần trách nhiệm ở trong đó.

Trương Nhân Tuấn

Cuộc phỏng vấn gồm 4 phần; sau đây là phần thứ nhất: Nhận định chung về “Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung” qua những phát biểu của ông Lê Công Phụng.

Nguyễn An: Kính chào nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Thưa ông, ông nhận định thế nào về tiến trình đàm phán, ký kết và thực hiện "Hiệp định biên giới Việt-Trung" mà ông Lê Công Phụng mô tả như một thành tích lần đầu tiên đạt được giữa hai nước về vấn đề biên giới?

Vẫn chưa hoàn tất

Ông Trương Nhân Tuấn: Thứ nhứt là về quá trình đàm phán và việc ký kết hai hiệp ước trên bộ và trên biển, thì về Vịnh Bắc Việt hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán tại Bắc Kinh vào Tháng Tám 1974 về việc phân định lại lãnh hải và Vịnh Bắc Việt. Sự đàm phán kéo dài và trải qua nhiều giai đoạn. Tính tổng cộng thời gian từ lúc đàm phán cho đến lúc hiệp định có hiệu lực là 30 năm. Về hiệp định phân định trên bộ, cho đến Ngày 7-10-1977 hai bên mới bắt đầu đàm phán cụ thể. Và tính từ 1977 bắt đầu đàm phán cho đến năm nay là 31 năm thì hiệp định phân định biên giới vẫn chưa hoàn tất.

Ông Phụng có cho biết là việc phân định biên giới Việt Nam và Trung Quốc là dựa trên bộ bản đồ của Công Ước Pháp-Thanh 1887. Hai bên Việt Nam và Trung Quốc thiết lập bản đồ của mình trên căn bản của bộ bản đồ theo Công Ước Pháp-Thanh đó, sau đó hai bên so sánh với nhau, thì ông Phụng nói rằng kết quả chênh lệch 227 kilômét vuông tại 64 điểm.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng (ảnh trái), trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc (ảnh phải).
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng (ảnh trái), trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc (ảnh phải). (Hình do nhà báo Lý Kiến Trúc cung cấp.)

Chúng ta thấy là Năm 1887 người Pháp mất 12 năm để xác định lại đường biên giới, và tôi muốn mở một dấu ngoặc là đường biên giới này đã hiện hữu từ trước, và ngày hôm nay Việt Nam và Trung Quốc đã mất 31 năm mà chưa xong dù chỉ để xác định và phân chia lại 227 kilômét vuông ở 64 điểm trên đường biên giới mà chúng ta thấy đã được xác định một cách rõ rệt theo Công Ước Pháp-Thanh 1887. Thì tôi nghĩ là ở bất kỳ một cuộc đàm phán nào về biên giới của bất kỳ một nước nào cũng rất là khó khăn, nhưng mà chúng ta thấy đặc biệt với phía Trung Quốc thì mình phải nói là cái khó khăn rất là lớn.

Không công bằng hợp lý

Nguyễn An: Thưa, ông Phụng cho rằng là hiệp định biên giới Việt-Trung đã được ký kết là một hiệp định công bằng, hợp lý. Ông có đồng ý như vậy không?

Ông Trương Nhân Tuấn: Xét lại một cách sơ lược về cái hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt thì tôi cho rằng đây là một sự thất bại của Việt Nam vì nó gây thiệt hại cho Việt Nam đến 11.000 kilômét vuông biển, đặc biệt nó đã nhượng cho Trung Quốc những vùng biển có giá trị về kinh tế và chiến lược. Như ông Phụng có nói trong buổi phỏng vấn vào Tháng Mười vừa qua đó thì tôi thấy không có thuyết phục là tại vì bản đồ cũng như là các chi tiết, tọa độ của các giới điểm trong Vịnh Bắc Việt đã được công bố và cũng như là cái luật quốc tế về biển Năm 1982, cũng như là những tập quán của quốc tế về cách phân chia hải phận, các đảo, thì mọi người có thể tìm hiểu một cách dễ dàng (xem bản đồ tại http://www.ykien.net/bnbandovbb.html) và dựa vào đó thì chúng ta thấy việc phân định đã không công bằng.

Về hiệp định phân định trên đất liền cũng tương tự như vậy. Với những dữ kiện mà tôi hiện có thì Việt Nam đã nhượng đất cho Trung Quốc ở những nơi mà tôi nghĩ là giá trị cao về kinh tế và chiến lược, và nhất là về tinh thần và về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Bản thân của nó là các hiệp ước bất bình đẳng vì nó được ký trong tình trạng hoàn toàn không minh bạch. Hai hiệp ước đó là những bằng chứng cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam không bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là ông Phụng có phần trách nhiệm ở trong đó.

Nguyễn An: Trở lại với cuộc phỏng vấn ông Lê Công Phụng do nhà báo Lý Kiến Trúc thực hiện thì ông có nghĩ rằng ông Phụng đã trình bày đầy đủ và trung thực những diễn tiến và nội dung của hiệp định biên giới Việt-Trung?

Không rõ ràng, cụ thể

Với những dữ kiện mà tôi hiện có thì Việt Nam đã nhượng đất cho Trung Quốc ở những nơi mà tôi nghĩ là giá trị cao về kinh tế và chiến lược, và nhất là về tinh thần và về lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn

Trương Nhân Tuấn: Trước khi đi vào những chi tiết về các hiệp định về biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tôi có một ý kiến cá nhân của tôi về ông Phụng. Tôi nhận thấy là khác với thái độ cường điệu, hống hách thường thấy ở các cán bộ cao cấp của Đảng CSVN khi họ trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài thì ông Phụng là một ngoại lệ, đã tỏ ra là một người ôn hoà, cởi mở. Ông ta có một lối nói chuyện mạch lạc, giọng điệu nhẹ nhàng. Theo tôi, ông Phụng đã gây một sự ngạc nhiên thích thú ở những người nghe. Tôi nghĩ ông Phụng đã chinh phục được tình cảm ở nhiều người. Nhưng mà về nội dung của buổi nói chuyện đó thì tôi nghĩ là có nhiều điều cần phải bàn lại.

Ông Phụng đã nói sai một số chi tiết về lịch sử nhưng mà ông Phụng đã nói sai nhiều, tức là nói không đúng sự thật về các chi tiết ở hai hiệp định biên giới.

Nguyễn An: Thưa ông, đó là những điểm nào?

Trương Nhân Tuấn: Tôi muốn nói là các chi tiết về lịch sử, chẳng hạn như ông Phụng có nói là Công Ước Pháp-Thanh về phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký Năm 1888 và Nghị Định Thư vào Năm 1892. Thực sự ra thì hai chi tiết của ông Phụng đưa ra đều sai. Thực sự Pháp và Nhà Thanh ký hai công ước về biên giới với Việt Nam, đó là công ước phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ.

Tên gọi nguyên thuỷ của nó là “Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”; Công ước này do ông Constans ký tại Bắc Kinh Ngày 26-6-1887. Và sau đó là công ước bổ túc có tên nguyên thuỷ là “Convention additionnelle à la Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin” ký vào Ngày 20-6-1895, do ông Gérard ký tại Bắc Kinh, chứ không phải ký Năm 1888 như ông Phụng đã nói.

Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được chính thức công nhận về phía Pháp qua một giác thư (mémorandum) của Phủ Toàn Quyền gởi cho Tổng Lý Nha Môn (tương đương Bộ Ngoại Giao hiện nay) vào Ngày 23-9-1897. Và sau đó phía Trung Quốc cũng gửi một văn thư công nhận giá trị của đường biên giới này vào Ngày 2-10-1897. Như vậy không có nghị định thư nào vào Năm 1892 như ông Phụng nói hết. Nhưng mà những cái sai của ông Phụng ở các điểm về lịch sử này tôi nghĩ là không có nặng bởi vì ai cũng có thể mắc phải hết.

Nguyễn An: Như vậy ông muốn nhấn mạnh đến điểm nào? Và muốn ông Phụng làm sáng tỏ những điểm nào?

Trương Nhân Tuấn: Tôi muốn nói ở đây là những cái điểm cao. Ông Phụng nói là việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là dựa trên bộ bản đồ của Công Ước Pháp-Thanh 1887, hai bên thiết lập bản đồ rồi so sánh bản đồ đó rồi mới thấy kết quả chênh lệch là 227 kilômét vuông tại 64 điểm. Việc phân định biên giới ông Phụng nói một cách rất là rõ và ổng cũng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại một hai lần là phân định lại biên giới là để xác định lại 64 điểm đó. Ở điểm này tôi nghĩ là ông Phụng đã nói đúng, rất mất thời gian. Mình thấy việc thương lượng với Trung Quốc là một việc không đơn giản một chút nào hết.

Như ông Phụng có nói trong buổi phỏng vấn vào Tháng Mười vừa qua đó thì tôi thấy không có thuyết phục là tại vì bản đồ cũng như là các chi tiết, tọa độ của các giới điểm trong Vịnh Bắc Việt đã được công bố và cũng như là cái luật quốc tế về biển Năm 1982, cũng như là những tập quán của quốc tế về cách phân chia hải phận, các đảo, thì mọi người có thể tìm hiểu một cách dễ dàng, và dựa vào đó thì chúng ta thấy việc phân định đã không công bằng.

Trương Nhân Tuấn

Về số phận của các cao điểm trong cuộc chiến 1979 thì ông Phụng cũng cho biết là Trung Quốc rút về nhưng giữ lại 27 điểm cao. Sau đàm phán thứ nhứt thì Trung Quốc trả lại 15 điểm, nhưng giữ lại 12 điểm. Lần thứ hai Trung Quốc trả lại 6 điểm, giữ lại 6 điểm và đó là quyết định chung cuộc. Lý do mà ông Phụng đưa ra là tại vì Trung Quốc đã xây những công sự trên đó cho nên phải nhượng cho Trung Quốc thôi.

Ông Phụng cũng có nói là nhờ thương lượng thì đường biên giới đã đi qua các đỉnh và không phe nào được xây công sự ở cách đường biên giới 100 mét, nhưng mà ở điểm này tôi thấy có một điều gì không rõ ràng.

Nếu mình nói rằng phía Trung Quốc giữ lại 6 điểm cao đó là tại vì họ đã xây các công sự trên đó, Việt Nam bắt buộc phải nhượng thôi. Nhưng mà nếu như vậy thì làm sao mà tôn trọng được điều ước của hiệp định phân định, đó là đường biên giới phải đi qua các đỉnh đó và không bên nào được xây các công sự cách đường biên giới là 100 mét được?

Tôi thấy ở điểm này có cái gì không rõ ràng và mình phải hỏi một cách cụ thể là các điểm cao này cách đường biên giới cũ là bao nhiêu? Các điểm của đường biên giới mới này đã làm cho Việt Nam mất ở tại các đỉnh cao đó là bao nhiêu kilômét vuông? Vậy nhờ ông Phụng xác định lại là đường biên giới có đi qua các đỉnh, tức là 6 đỉnh đó, hay không? Đó là điều tôi muốn chuyển đến cho ông Phụng. Mong ông Phụng trả lời một cách cụ thể.
-------------------------------

Trên đây là phần thứ nhất cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn do Nguyễn An thực hiện liên quan đến những phát biểu của Đại Sứ Lê Công Phụng về vấn đề biên giới và hiệp định phân định biên giới Việt-Trung. Chủ đề của cuộc phỏng vấn sẽ phát trong buổi phát thanh tới là "Sự phân định tại Vịnh Bắc Bộ". Mong quý thính giả đón nghe. Cũng xin được nhắc lại là ý kiến của ông Trương Nhân Tuấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.