Quỳnh Như có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ Nhiệm Văn Phòng Tư Vấn và Giải Quyết Khiếu Nại Người Tiêu Dùng, về những vấn đề này.
Tâm lý “Tiền nào của nấy”
Quỳnh Như: Gần đây báo chí có đưa tin nhiều về giá sữa ở Việt Nam hiện nay được xếp vào danh sách những nước có giá sữa cao nhất thế giới. Theo ông Chủ Nhiệm, vì sao có tình trạng đó?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tôi nghĩ rằng giá sữa ở Việt Nam là giá sữa cao nhất thế giới mà báo chí Việt Nam và ngay cả bên hội chúng tôi cũng nói nó có rất nhiều lý do mà trong những lý do ấy có một phần lý do từ người tiêu dùng Việt Nam.
Quỳnh Như: Thưa ông, theo ông nói là một phần của lý do đó là do người tiêu dùng, xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tại vì hiện nay người tiêu dùng Việt Nam có một quan niệm cho rằng "tiền nào của ấy", tức tiền càng nhiều thì chất lượng càng cao, mà đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, cho nên người ta sẵn sàng đầu tư. Không phải chỉ có người giàu mua sữa đắt tiền đâu, mà ngay cả những người có đồng lương rất là hạn hẹp vẫn cứ lao vào, tại vì người ta muốn dành tất cả những cái quý nhất là cho trẻ nhỏ, nên đấy cũng là lý do làm cho giá sữa ở Việt Nam cao lên.
Không phải chỉ có người giàu mua sữa đắt tiền đâu, mà ngay cả những người có đồng lương rất là hạn hẹp vẫn cứ lao vào, … , nên đấy cũng là lý do làm cho giá sữa ở Việt Nam cao lên.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Quỳnh Như: Thưa ông, người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay phải mua sữa với giá đắt gấp mấy lần so với người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực, trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như vậy, vai trò của Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng trong việc tham gia cùng với các cơ quan chức năng để bảo đảm giá sữa và chất lượng tương thích với số tiền mà người tiêu dùng phải bỏ ra để mua sản phẩm đó như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tôi nghĩ là thế này. Hiện nay giá sữa ở Việt Nam cao từ 20 tới 60% thì nói chung là tất cả mọi người đều xắn tay vào để làm sao cho giá sữa hạ xuống. Đối với Hội chúng tôi thì chúng tôi kết hợp cùng với các tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước để nói cho người dân biết, giúp cho người ta chọn loại sữa nào cho đúng với điều kiện của mình, cho đúng với tỷ lệ phát triển của trẻ con để nó có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng trong sữa mà người ta dùng cho trẻ em. Chứ đừng thấy cứ sữa đắt tiền là mua mà chưa chắc đấy là tốt, tại vì mỗi đứa trẻ có loại sữa ở độ tuổi khác nhau. Còn nói rằng sữa mà cho thêm các chất vi lượng vào để tạo ra sự thông minh đột biến thì chưa thấy có một tài liệu nào nói như thế. Nhưng mà trong các quá trình quảng cáo thì người ta nói sữa mà cho thêm vào một phần vi lượng nào đấy là mang lại hiệu quả cao cho trẻ nhỏ làm cho người ta lao vào mua sữa, mặc dù sữa ấy chưa xác định là nó có đúng như thế không.
Hàng giả, hàng nhái
Quỳnh Như: Thưa ông, sang một vấn đề khác, khi có những phát hiện về sản phẩm hay cơ sở sản xuất hàng hóa kém chất lượng, và ngay cả hàng nhái - hàng giả thì Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng tham gia thế nào cùng các cơ quan thẩm quyền trong vấn đề xử lý?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Đối với hàng nhái và những tổ chức sản xuất hàng không đúng theo các quy định của pháp luật thì Hội chúng tôi đề nghị là phải cương quyết đối với các tổ chức ấy. Và đối với hàng nhái thì phải tịch thu và có biện pháp để nghiêm cấm các sản phẩm ấy lưu hành trên thị trường. Với những tổ chức mà sản xuất như thế thì cần thiết phải đóng cửa.
Hiệu quả của Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng
Quỳnh Như: Hiệu quả của công tác mà Hội thực hiện lâu nay theo ông thì nó đã được đến đâu? Và lý do của những khó khăn hay những trở ngại trong việc thực hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tôi nghĩ rằng việc bảo vệ người tiêu dùng là công việc rất là khó tại vì hàng tiêu dùng thì muôn màu và đời sống thì rất là khó. Trong một bài báo mới đây nhất có công bố cái thông báo của bên Cục Vệ Sinh và An Toàn Thực Phẩm có công bố là đã phát hiện những loại sữa mà lượng đạm thấp hơn so với công bố trên nhãn hiệu bao bì của hộp sữa, nhưng mà so với tháng trước thì có giảm đi. Và tôi nghĩ rằng trong sự giảm ấy có sự đóng góp của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam, có sự đóng góp của tất cả mọi người, và Văn Phòng chúng tôi cũng có góp phần trong ấy. Chúng tôi nghĩ rằng khi chúng tôi đại diện người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng sữa chẳng hạn, về giá sữa chẳng hạn, thì chúng tôi cũng kiến nghị với các tổ chức, các nhà sản xuất, chúng tôi đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét một cách cương quyết để làm sao giá sữa giảm. Ngay cả vừa rồi các nhà sản xuất đề nghị là chuẩn bị nâng giá sữa nhập khẩu lên thì Hội chúng tôi cũng đề nghị là nếu nhà nước quản lý được giá sữa thì hãy tăng giá nhập khẩu, đấy là một biện pháp mà chúng tôi nghĩ là luôn luôn đứng về phía người tiêu dùng mà đảm bảo làm sao trong điều kiện khó khăn của khủng hoảng kinh tế này thì người tiêu dùng Việt Nam với đồng lương còn hạn chế vẫn có thể đảm bảo cuộc sống bình thường của mình được.
<strong>… </strong>và nên quay về với những sản phẩm của Việt Nam, bởi vì những sản phẩm của Việt Nam vừa đảm bảo chất lượng và kiểm soát được chất lượng sản phẩm và giá cả.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Quỳnh Như: Thưa ông Chủ Nhiệm, theo ông thì Hội có cần phải có những cải tiến gì thêm để công tác được hiệu quả hơn nữa không?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tôi nghĩ là Hội chúng tôi thì có nhu cầu rất nhiều về vấn đề cải tiến. Vừa rồi chúng tôi nghĩ rằng trong những năm vừa rồi chúng tôi hoàn thiện hệ thống tư vấn bảo vệ người tiêu dùng. Cho nên việc ấy chúng tôi nghĩ là rất quan trọng. Rồi việc xây dựng các mạng lưới về bảo vệ người tiêu dùng trên toàn quốc, thì chúng tôi nghĩ là sự liên kết của Văn Phòng với các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng của 33 tỉnh thành trên toàn quốc cùng là tạo ra một cái mạng lưới để chống lại sự gian lận của người kinh doanh. Chúng tôi hy vọng rằng nếu chúng tôi có đầy đủ chi phí thì chúng tôi sẽ làm được nhiều việc, nhưng rất tiếc hiện nay chúng tôi còn hạn chế.
Hàng nhập Trung Quốc
Quỳnh Như: Thưa ông, hiện nay hàng hóa từ Trung Quốc đang lan tràn trên thị trường không ai kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng, có thể gây ngộ độc. Như vậy, VINASTAS có thể tham gia với mức độ như thế nào để giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tôi nghĩ đây là một vấn đề có lẽ không riêng gì VINATAS đâu mà tất cả mọi người đều xắn tay vào để cũng ngăn chận và cùng thông báo cho người tiêu dùng biết, tại vì như thế này: Hàng Trung Quốc mà nhập vào Việt Nam thì thật ra mà nói là sự xuất hiện hàng Trung Quốc nhiễm các chất độc là do quá trình sử dụng một số hóa chất do họ đưa vào thì cái này tại Trung Quốc họ phát hiện ra và chúng tôi nhờ qua các thông tin ấy mà chúng tôi biết được và chúng tôi cảnh báo cho người tiêu dùng biết rằng là hãy thận trọng khi mua những sản phẩm ấy, và nên quay về với những sản phẩm của Việt Nam, bởi vì những sản phẩm của Việt Nam vừa đảm bảo chất lượng và kiểm soát được chất lượng sản phẩm và giá cả.
Quỳnh Như: Xin cảm ơn ông Chủ Nhiệm đã dành thời gian quý báu cho thính giả của Đài chúng tôi.