Các vấn nạn tham nhũng và cửa quyền ngày nay tại Việt Nam (phần 1)

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Vấn đề “tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa thành tích, bệnh quan liêu” của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền ở cấp cao ở trung ương cũng như các địa phương, mà cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới đây đã gọi là “bọn bốn tên” đã trở thành ung nhọt, chạy vào lục phủ ngũ tạng rồi, chạy vào tới đầu não rồi.

AuDuongThe150.jpg
Tiến sĩ Âu Dương Thệ.

Nó gây bất mãn rất mạnh trong nhân dân và bất bình, thất vọng với nhiều đảng viên, nó làm ô nhục quốc thể và lãnh đạo ngày càng mất uy tín. Nhiều chính phủ nước ngoài, Ngân hàng Thế giới… đã cảnh cáo là họ sẽ xét lại các chương trình viện trợ cho VN nếu tệ tham nhũng không được giải quyết.

Cụ thể như trong vụ PMU 18 các ngừơi có chức có quyền đã bòn rút hàng ngàn tỉ đồng trong các công trình xây dựng đường xá, cầu cống. Không những thế, họ đã chia chác quyền lợi, chức vụ và còn đề bạt nhau cả vào Trung ương đảng . Vụ này liên lụy tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát, thậm chí chui cả vào Bộ chính trị.

Vì báo chí trong và ngoài nước cho biết con rể của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng có dính lúi và chính ông Mạnh trước đó cũng đã đề cử một vài ngừơi bị tai tiếng trong vụ này vào TUĐ trong Đại hội 10.

Vì thế ông Phan Văn Khải đã phải tuyên bố lúc đó: “Qua vụ việc ở PMU18 cho thấy, cả một hệ thống chính trị hùng hậu ở đây như: tổ chức Đảng, chính quyền, công đoàn và đoàn thanh niên đã bị tê liệt. Không ai dám đấu tranh nhắc nhở thì làm sao phát hiện được tham nhũng”.

Tướng Võ Nguyên Giáp đã trên 90 tuổi cũng phải nhập cuộc đòi đưa vụ này ra thảo luận ngay trong Đại hội 10. Nhưng như mọi ngừơi đã biết, mọi chuyện đã bị xếp lại sau khi có lệnh của một vài Uỷ viên Ban chính trị có quyền lực! Nói chung, dân chúng các giới đang than về sự tha hóa đạo đức và tác phong của giới lãnh đạo chế độ như thế này: Trong chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng; sau 1975 cho tới cuối thập niên 80 dưới chủ trương kinh tế tập thể và kinh tế quốc doanh nạn đói đã hoành hành cả nước, ra đường thấy ăn mày, đại tá vá vỏ xe trên hè đường…

Nhưng từ khi đổi mới theo Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa mà cái đuôi là Xã hội chủ nghĩa và cái đầu là ĐCS vẫn còn đó, cho nên bệnh tham nhũng, cửa quyền nổ bùng ra và trở thành căn bệnh bất trị!

Đỗ Hiếu: Giới lãnh đạo mới đã đưa ra các quyết định và giải pháp như thế nào để chống tham nhũng?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: trạng tham nhũng và lộng quyền đã trở thành giặc nội xâm và ở mức độ chẳng đặng đừng, nên Hội nghị Trung ương 3 vừa qua (7-06) đã phải ra Nghị quyết để thi hành Luật phòng và chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 7. Cho thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban.

Một trong những công việc đầu tiên khi nhậm chức Thủ tướng, ông Dũng đã đưa ra là tìm cách giải quyết một số vụ nổi cộm. Ông đã ra lệnh cho Bộ Công an điều tra rõ vụ PMU 18 và phải công bố kết quả sớm.

Ông cũng ra lệnh cách chức, ngưng chức một số cán bộ trung cấp trong Bộ Công an và Ban Thanh tra chính phủ đã có những hành vi tham nhũng hoặc tiêu cực. Đấy là một số quyết định và biện pháp mà giới lãnh đạo mới vừa đưa ra để chống tham nhũng.

Đỗ Hiếu: Trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng trong việc chống tham nhũng như thế nào? Ngừơi dân có tin những giải pháp mới không?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Dĩ nhiên đối với một tân Thủ tướng, một ngừơi đứng đầu chính phủ, ông Dũng có cái quyền và cũng có trách nhiệm phải tìm cách giải quyết tệ trạng xã hội tham nhũng đến nơi đến chốn.

Quyền của ông là phải sử dụng mọi phương tiện của chính phủ và uy tín của mình, phải chứng tỏ là ngừơi đứng đầu chính phủ mới có đủ bản lĩnh và cương quyết làm đến nơi đến chốn trong việc chống tham nhũng.

Nhưng đây cũng là trách nhiệm rất lớn cho ông Dũng, nếu lần này không làm đến nơi đến chốn, vẫn đánh trống bỏ dùi, hoặc chỉ làm hình thức, chữa ghẻ ngoài da như thời trước thì uy tín của ông Dũng sẽ bị chôn vùi rất mau chóng.

Đối với phía nhân dân, người dân có quyền đòi hỏi ở những ngừơi lãnh đạo mới xem có làm đúng lời hứa không, hay vẫn chỉ cho dân ăn bánh vẽ! Theo dõi dư luận trong nước thì thấy có nhiều thái độ khác nhau, từ hi vọng, chông chờ, nghi ngờ cho tới cả chống đối.

Qua một số tuyên bố kèm theo với các biện pháp chống tham nhũng mới đây nhiều ngừơi nghĩ và kì vọng là lần này tân Thủ tướng sẽ làm thực sự. Nhưng nhiều ngừơi lại cho rằng, những tuyên bố và nhất là những biện pháp ngưng chức, cách chức một vài cán bộ cấp trung của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là những hành động ngoạn mục, như một ngừơi bán dầu cù là ở chợ trời mà thôi!

Trong khi ấy, nhiều chuyên viên thì thận trọng hơn, cho rằng phải chờ xem các bước cụ thể chống tham nhũng của đảng và chính phủ lần này ra sao, nhất là phải chờ xem kết quả thực sự trong việc này thời gian tới như thế nào! Những ngừơi quan tâm thì lưu ý ông Dũng không nên làm trò bán dầu cù là như những ngừơi tiền nhiệm! Bởi vì trong suốt hai chục năm nay ngừơi dân đã nghe quá nhiều lời ba hoa của giới lãnh đạo rồi!

Chia sẻ quan điểm thận trọng và rất có cơ sở này phải kể tới những nhận xét gần đây của TS Lê Đang Doanh và GS toán học Hoàng Tụy, doanh nhân Lê Kiên Thành… là những ngừơi có uy tín trong nhiều giới ở trong nước.

TS Lê Đăng Doanh đã nhận xét về những biện pháp giải quyết một vài vụ nổi cộm của TT Nguyễn Tấn Dũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm mới là quan trọng. Thực chất là liệu Thủ tướng Dũng có dám đụng tới phần chìm hay không?

Đỗ Hiếu: Muốn tiến hành việc phòng và chống tham nhũng, cửa quyền có hiệu lực và đến nơi đến chốn thì phải làm sao? Cần có những điều kiện gì?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Đây là vấn đề vô cùng lớn, hệ trọng và nó đang trở thành sinh tồn với chế độ hiện nay. Nó liên hệ tới nhiều lãnh vực và nhiều ngành từ Ban chính trị, TUĐ, CP, QH, Tòa án, các cơ quan kiểm sát, điều tra, thanh tra…nghĩa là toàn cả hệ thống chính trị và hệ tư tưởng của chế độ. Nhưng tựu trung, muốn chống tham nhũng có hiệu quả và đến nơi đến chốn thì nó phải hội đủ một số điều kiện tối thiểu sau:

1.Trước hết là trong nội bộ trung ương, đầu não của chế độ, tức TUĐ và Ban chính trị phải thống nhất, không đựơc trống đánh xuôi kèn thổi ngựợc, ông nói gà bà nói vịt.

2. Luật pháp phải nghiêm minh, công bằng, có giá trị với bất cứ ai, dân cũng như ngừơi có quyền lực. Phải chấm dứt ngay tệ trạng tắm không chịu gội đầu, bắt con tép riu thả con cá sộp!

3. Phải có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, báo chí phải được tự do trong việc săn tin và đưa tin . Phải chấm dứt ngay các biện pháp kiểm duyệt, đe dọa các nhà báo dám khui các vụ bê bối của các quan lớn. Phải có chính sách khen thưởng những ngừơi tố cáo tham nhũng. Chấm dứt ngay những thói chụp mũ và đàn áp những ai tố cáo các quan tham!

Đỗ Hiếu: Có thống nhất quan điểm và đừơng lối trong Ban chính trị không?

Tiến sĩ Aư Dương Thệ: Về câu hỏi quan trọng này chúng tôi xin đơn cử một vài sự kiện mới nhất để mọi ngừơi tự thẩm định: Trong khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đòi hỏi phải nghiêm trị bất cứ ai thì ông Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Lí thuyết gia của đảng và đại biểu của phe bảo thủ, mới đây vào đầu tháng 8 đã cho báo chí phỏng vấn một loạt. Trong đó ông đã nói như dằn mặt ông TT Dũng:

“Việc nào của Thủ tướng với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì lại theo nguyên tắc tập trung dân chủ.”

“Cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có thể trực tiếp tạm đình chỉ. Còn cấp cao hơn thì phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng.” Nghĩa là, Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ, trong tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo chống tham nhũng Thủ tướng Dũng chỉ được phép đề nghị các biện pháp kỉ luật tới cấp thứ trưởng mà thôi, còn từ cấp bộ trưởng, Ủy viên TUĐ, Uỷ viên BCT thì phải làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nghĩa là phải xin phép ý kiến Ban chính trị, trong đó phải có sự chấp thuận của vài ba ngừơi có quyền lực lớn nhất….!

Tức là Nguyễn Phú Trọng chủ trương tiếp tục chủ nghĩa tắm từ vai trở xuống mà thôi, tắm nhưng không chịu gội đầu! Như vậy là các vùng cấm mà các ổ tham nhũng đang tung hoành sẽ tiếp tục được duy trì như trước đây. Ở đó là chỗ của các quan lớn không ai được phép đụng vào! Ở đây rõ ràng lại tiếp diễn cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở ngay cấp lãnh đạo!

Ông Trọng không chỉ tìm cách kiềm chế Chính phủ, từ khi bất lực trong chức Bí thư Thành ủy Hà nội chuyển sang làm Chủ tịch QH ông cũng còn đang tìm cách kìm cặp, uốn nắm cả Quốc hội nữa. Vì thời gian qua một số đại biểu đã phê bình thẳn thừng và nêu đích danh những tham quan. Ông Lê Hồng Hà, một ngừơi dân chủ ở trong nước, đã nói là QH đang “nổi loạn”!

Mặt khác, sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng đòi Bộ Công an phải điều tra nhanh các vụ tham nhũng thì Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Công an, đã than phiền là gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra đối với “những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lí”. Nghĩa là đối với các Bộ trưởng, Ủy viên TUĐ, Ủy viên Ban chính trị thì các cơ quan điều tra không được đụng tới!

Đỗ Hiếu: Ổ chính của tham nhũng và lộng quyền vẫn là vùng cấm địa, không ai được phép đụng tới. Vậy thì ngừơi ta có thể chờ đợi gì được ở giới lãnh đạo này?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Một sự kiện quan trọng khác về sự tranh chấp nội bộ giữa những ngừơi bảo thủ và cấp tiến vẫn tiếp diễn trong Ban chính trị sau Đại hội 10. Trong HNTU 3 dưới quyền chủ trì của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh bàn về vấn đề chống tham nhũng.

Nhưng tin cho biết là Văn phòng Trung ương đảng đã cho phổ biến một bài viết rất dài của ông Trần Thanh Đạm, một bút hiệu của một nhân vật quan trọng. Ông Đạm đã dùng những ngôn ngữ vô cùng thậm tệ để bôi nhọ và chụp mũ nhiều tác giả trong tập sách vừa xuất bản "Thời cơ vàng của chúng ta". Trong đó nhiều tác giả là những chuyên viên và đảng viên có uy tín đã tố cáo và đòi hỏi phải chống tham nhũng và các bệnh cửa quyền.

Mặc dầu thóa mạ và bôi đen những đảng viên có lòng nhưng bài của Trần Thanh Đạm vẫn được phổ biến trong HNTU 3. Không những thế, tờ điện tử của Chính phủ dưới quyền của TT Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải đăng nguyên văn bài của ông Đạm. Điều này cho thấy uy tín và sức mạnh của ông Dũng trong giới lãnh đạo hiện nay rất giới hạn.

Đỗ Hiếu: Trong khi Nông Đức Mạnh chủ trương giải quyết tham nhũng theo thuyết nhân trị thì Nguyễn Tấn Dũng lại đòi phải theo pháp trị. Chế độ hiện nay ở VN đã có pháp trị và nhân trị chưa?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chủ đề chính trong HNTU 3 vừa qua là bàn về chống tham nhũng. Trong diễn văn bế mạc ông Mạnh đã nhắc đi nhắc lại hai ý quan trọng là "Nói thì phải làm" và đòi hỏi các ngừơi lãnh đạo phải làm gương mẫu cho cấp dưới.

Tức là ông chủ trương theo thuyết nhân trị! “Muốn cho các cấp "nói thì phải làm", trước hết từng đồng chí Ủy viên Trung ương chúng ta phải gương mẫu. Mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng và gia đình của mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch, liêm khiết.” Ông Mạnh đòi ngừơi đứng đầu các cơ quan phải làm gương, phải có tư cách đạo đức.

Nhưng dư luận trong nước đang yêu cầu là chính ông hãy tự xét chính mình xem có giữ được hai nguyên tắc đó không từ khi làm Tổng bí thư? Trong vụ PMU 18 báo chí trong nước và quốc tế nêu đích danh là con rể của ông Mạnh có dính dấp trong những vụ ăn bẩn và tham nhũng động trời, nhưng ông Mạnh đã dùng quyền lực để dìm vụ này trước Đại hội 10.

Ngoài ra, HNTU 14 khóa 9 qui định mọi Uỷ viênTU trên 65 tuổi phải về hưu. Nhiều ngừơi đã tuân thủ, nhưng ông Mạnh tuy đã 66 tuổi vẫn tìm mọi cách ở lại! Như vậy thì ai còn có thể tin ông Mạnh! Trước đây 5 năm khi lần đầu nhậm chức Tổng bí thư, ông Mạnh cũng từng cổ súy cho nhân trị để chống tham nhũng. Đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2001 Nông Đức Mạnh cũng đã từng nói:

“ Tôi cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là từ bản thân người cán bộ, đảng viên. Đối với ngừơi lãnh đạo thì sự gương mẫu và trong sạch của bản thân và gia đình cùng với sự quyết tâm và dũng cảm đấu tranh là những yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh này.”

Nhưng nay sau 5 năm làm Tổng bí thư thì tham nhũng lại càng bùng nổ ra và đã chui cả vào gia đình ông! Mặt khác, vẫn có một số ngừơi lãnh đạo chủ trương dùng pháp trị thì mới chống tham nhũng được. Nhưng dư luận trong nước rất nghi ngờ luật pháp cao su của chế độ và thái độ ngồi xổm trên pháp luật của các ngừơi có chức có quyền.

Mới đây tân Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền vẫn chủ trương tiếp tục dùng phương pháp tự phê bình và phê bình đối với những cán bộ Thanh tra sai phạm. Trong thực tế áp dụng phương pháp này có nghĩa là tiếp tục chính sách chỉ “xử lí nội bộ” đối với các đảng viên đã phạm pháp. TS Lê Đăng Doanh đã lập lại nhận định của nhiều nhà dân chủ ở trong nước, trong đó có cả cố Trung tướng Trần Độ, là thực tế hiện nay là có hai thứ luật ở VN: Đối với dân thừơng thì trừng trị thẳng tay, còn đối với cán bộ cấp cao thì xử theo lễ :

“Người ta cho rằng trong thực tế đã hình thành hai hệ thống luật pháp, một luật pháp cho dân và một luật pháp cho một số quan chức Đảng từ cấp nào đấy. Bởi những vụ việc tương tự hoặc nhỏ hơn đối với dân đều bị nghiêm trị theo luật định, trong khi đối với một số quan chức thì Quốc hội cũng chưa tác động đến được.

Thưa Quí thính giả, xuyên qua những sự kiện trên đã cho thấy, xã hội VN hiện nay dưới chế độ độc đảng vẫn thiếu vắng nền “nhân trị”, nhiều ngừơi lãnh đạo đã đánh mất nhân cách và chế độ toàn trị đã không thể xây dựng được một chế độ pháp trị theo những nguyên tắc dân chủ, công khai và minh bạch!

Từ đó mỗi ngừơi chúng ta có thể dự đoán được là các chủ trương và biện pháp chống “bọn 4 tên”là “ tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa thành tích, bệnh quan liêu” sẽ diễn ra như thế nào và kết quả sẽ ra sao trong thời gian tới!

Vừa rồi là câu chuyện với Tiến sĩ Âu Dương Thệ, chủ bút tạp chí Dân Chủ và Phát Triển xuất bản tại Đức Quốc. Ông trình bày về các vấn nạn tham nhũng, lãng phí, cửa quyền còn tồn tại hiện giờ ở Việt Nam.

Trong phần kế tiếp được gởi đến qúy vị trong buổi phát thanh sau, tiến sĩ Âu Dương Thệ sẽ phân tích về các biện pháp và điều kiện tạo nên sự hữu hiệu trong chiến dịch tận diệt tham nhũng, mong quý vị đón nghe.

Theo dòng câu chuyện:

- Các vấn nạn tham nhũng và cửa quyền ngày nay tại Việt Nam (phần 2)