Tính khả thi của việc tiến hành trưng cầu ý dân tại Việt Nam

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Trong bài vừa qua với cùng tiêu đề trưng cầu ý dân tại Việt Nam, Nhã Trân đã hỏi ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Tiến Sĩ ngành Công Pháp, để hỏi về khía cạnh pháp lý của việc tiến hành trưng cầu ý dân.

PhamNgocHop200.jpg
Cụ Phạm ngọc Hợp và ông Nguyễn Thìn trong một cuộc biểu tình tại California hôm Chủ Nhật 26-3. Photo courtesy VietBao Online.

Nhằm có ý kiến của một chính trị gia về tính khả thi của vấn đề, Nhã Trân trao đổi với cựu Dân Biểu Phạm Ngọc Hợp, người từng dự phần soạn thảo hiến pháp thời Đệ Nhị Cộng Hoà từ năm 1967. Mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn.

Sau nhiều năm bị giam giữ trong các trại học tập cải tạo kể từ năm 1975, ông Phạm Ngọc Hợp đến định cư tại Hoa Kỳ, và tham gia các hoạt động trong cộng đồng người Việt tại bang California.

Nhã Trân: Thưa ông, Hội Luật Gia ở Việt Nam đang soạn thảo dự luật trưng cầu ý dân, và dự kiến trình Quốc Hội để xin ý kiến. Lấy thí dụ Luật trưng cầu ý dân được thành hình, theo ông việc tổ chức một cuộc trưng cầu trong nước có thể thực hiện được hay không?

Ông Phạm Ngọc Hợp: Tôi xin có ý kiến thế này. Những người được đứng ra tổ chức phải là những người hoàn toàn độc lập, thì mới có kết quả. Còn những tổ chức hiện tại trong nước thì dù sao đi nữa bây giờ cộng sản họ lèo lái, và họ nắm ở phía bên trong. Nên mọi hình thức bên ngoài chỉ là hình thức dối gạt đối với dư luận mà thôi.

Nhã Trân: Thưa, một trong những điều kiện để dự luật được trình quốc hội là phải có được chữ ký của 1 triệu cử tri thuộc hai phần ba tổng số tỉnh, thành của cả nước. Theo ông đây có là một đòi hỏi quá cao hay không?

> Mình phải hiểu cái chế độ cộng sản. Ngay bây giờ trong nước có những người họ mới chỉ chuẩn bị ra một tờ báo gọi là đấu tranh cho dân chủ tự do, xây dựng dân chủ trong đất nước mà đã bị công an đến nhà khám xét rồi tìm mọi cách tịch thu, ngăn cản, làm khó dễ, thì vấn đề người dân được phát biểu ý kiến thì tôi thấy rất là khó khăn, không thể thực hiện được trong nước, mà có thể chỉ là cái hình thức, ý kiến giả tạo do đảng họ dựng ra mà thôi.

Ông Phạm Ngọc Hợp: Thực ra việc nêu ra 1 triệu chữ ký là rất hợp lý. Nhưng nếu hình thức làm đó mà do một cơ quan độc lập chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc họ đứng ra tổ chức thì có thể đạt được.

Chứ còn để một tổ chức trong nước làm thì, hiện tại bây giờ đảng cộng sản họ có 2 triệu đảng viên, vậy cho nên họ có thể ký với danh xưng đó để cho một tổ chức giả tạo của họ đứng ra mà làm, để đánh lừa dư luận thế giới.

Nhã Trân: Đặt trường hợp dự luật trưng cầu ý dân được biểu quyết và thi hành thì người dân trước hết sẽ ký tên yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu. Theo ông, có cần đề ra những biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho người dân không, trong trường hợp các viên chức địa phương hay trung ương làm khó dễ, đe doạ người ký?

Ông Phạm Ngọc Hợp: Mình phải hiểu cái chế độ cộng sản. Ngay bây giờ trong nước có những người họ mới chỉ chuẩn bị ra một tờ báo gọi là đấu tranh cho dân chủ tự do, xây dựng dân chủ trong đất nước mà đã bị công an đến nhà khám xét rồi tìm mọi cách tịch thu, ngăn cản, làm khó dễ, thì vấn đề người dân được phát biểu ý kiến thì tôi thấy rất là khó khăn, không thể thực hiện được trong nước, mà có thể chỉ là cái hình thức, ý kiến giả tạo do đảng họ dựng ra mà thôi.

Nhã Trân: Thưa, trong trường hợp chính quyền một nước cương quyết không tổ chức trưng cầu dân ý thì đã có một số quốc gia nhờ quốc tế can thiệp, điển hình như Campuchia và Đông Timor hồi gần đây. Nếu tình huống này xảy ra ở Việt Nam thì quần chúng cần theo những phương cách nào?

Ông Phạm Ngọc Hợp: Về vấn đề những cơ quan quốc tế thì trên danh dự mà nói, đồng bào trong nước cũng như các tổ chức nào của mình cũng rất tin tưởng vào họ. Nhưng mà phải chọn các đại diện của những tổ chức độc lập, không thiên vị bên này bên kia, để mà gom góp những ý kiến chân chính của người dân, thì đó mới là điều mà chúng ta quan tâm.

Chứ còn nếu một tổ chức mang danh nghĩa quốc tế đứng ra làm, mà những người hỏi ý kiến toàn là những người do đảng đưa ra, tương tự như thời gian hồi chúng tôi bị tù, khi quốc tế đến thăm thì chính quyền cho đại diện quốc tế vào, nhưng đẩy những người tù chính trị thật sự đi nơi khác, chỉ để lại những người do họ đưa ra, thì khi được đại diện quốc tế hỏi điều gì, những người này trả lời theo ý muốn của đảng mà thôi.

Thành ra, việc tổ chức nếu làm được thì tốt, nhưng phải làm sao mà đại diện thật sự là của quốc tế, và những người được hỏi thật sự là người dân Việt Nam chân chính, thì cuộc trưng cầu mới có hiệu quả.

Điều thứ hai là không chỉ nên hỏi ý kiến của người trong nước mà nên hỏi tất cả những người dân Việt sống ở nước ngoài, vì những người này không bị ràng buộc bởi một điều gì, thì ý kiến của họ mới vô tư, mới đúng như là cơ quan quốc tế mong muốn.

Nhã Trân: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng câu chuyện:

- Thể thức và phương cách để thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân

- Người Việt trong và ngoài nước nghĩ gì về trưng cầu ý dân?