Trẻ em Việt Nam được bảo vệ như thế nào?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trẻ em Việt Nam được bảo vệ như thế nào là câu hỏi mà nhiều người liên tiếp đặt ra trong thời gian mới đây sau khi phát hiện một em bé bị đối xử như một nô lệ lao động suốt 13 năm ngay tại thủ đô Hà Nội. Dư luận cho là nhiều cơ quan chính quyền trên danh nghĩa là đảm nhận vai trò bảo vệ trẻ em nhưng không thực hiện rốt ráo đúng chức năng của mình.

ChildrenLottery150.jpg
AFP PHOTO

Mặc Lâm phỏng vấn bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Hà Nội, để biết thêm những hoạt động của tổ chức này trong công tác hỗ trợ cũng như huấn luyện Việt Nam trong mục tiêu đối phó nạn bạo hành trẻ em, mời quý vị theo dõi

Mặc Lâm : Xin cảm ơn Bà đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa Bà, xin Bà cho biết những hoạt động hiện nay của tổ chức UNICEF, tức Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế, đang được thực hiện tại Việt Nam, mà Bà là một giám đốc trong Uỷ Ban Bảo Vệ Trẻ Em, thì công tác đó đang được thực hiện như thế nào ạ?

Bà Lê Hồng Loan : UNICEF đang hỗ trợ chính phủ và các đối tác của Việt Nam trong việc phòng ngừa và xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em để có thể đáp ứng và giúp cho chính phủ có thể có những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn vấn đề xâm hại trẻ em và đáp ứng có hiệu quả hơn đối với những trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Mặc Lâm : Xin Bà có thể cho biết cụ thể hơn những hoạt động nào của tổ chức Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế trong phạm vi mà Bà vừa nói không ạ?

Bà Lê Hồng Loan : Các hoạt động của UNICEF thì có nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động cứu giúp trẻ em. Đó là hoạt động giúp chính phủ nghiên cứu để nắm bắt được cái thực trạng của vấn đề xâm hại trẻ em Việt Nam ở mức độ như thế nào, các hình thức xâm hại đó ra sao.

UNICEF đang hỗ trợ chính phủ và các đối tác của Việt Nam trong việc phòng ngừa và xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em để có thể đáp ứng và giúp cho chính phủ có thể có những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn vấn đề xâm hại trẻ em và đáp ứng có hiệu quả hơn đối với những trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Nhìn chung thì các vấn đề xâm hại ở Việt Nam, đặc biệt như vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thì có xu hướng gia tăng trong quá trình Việt Nam phát triển kinh tế. Đấy là một trong những yếu tố tiêu cực. UNICEF cũng giúp chính phủ để xây dựng những chính sách, những hệ thống luật pháp có liên quan. Đặc biệt là trong những năm gần đây thì UNICEF đang trong quá trình giúp chình phủ Việt Nam xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em.

Mặc Lâm : Thưa, theo như chúng tôi hiểu, muốn đạt được hiệu quả của việc theo dõi và bảo vệ trẻ em thì cần có cán bộ chuyên sâu, mà Việt Nam thì hầu như không có nhân sự trong lĩnh vực này, xin bà có thể cho biết UNICEF đã có chương trình huấn luyện hay tu nghiệp cho phần nhân lực này ra sao?

Bà Lê Hồng Loan : Ở Việt Nam không có hệ thống cán bộ xã hội. Những người cần có trong hệ thống bảo vệ trẻ em như ở các nước thì Việt Nam hiện là chưa có được hệ thống cán bộ xã hội được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Việt Nam có nhiều cơ quan đoàn thể, các tổ chức nhà nước, rồi cộng đồng cũng tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, vấn đề phòng ngừa xâm hại cũng như đáp ứng và hỗ trợ các cháu bị xâm hại thì cần phải có một sự can thiệp của những cán bộ xã hội chuyên nghiệp, cũng như phải có các dịch vụ xã hội. Nói về dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp cho trẻ thì hiên tại ở Việt Nam những dịch vụ này còn rất hạn chế.

Với cái hy vọng là có hệ thống bảo vệ trẻ em, chiến lược bảo vệ trẻ em thì UNICEF cũng mong muốn là giúp đỡ để Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa cả hệ thống cũng như là các hệ thống dịch vụ. Phải đầu tư vào lãnh vực bảo vệ trẻ em để có thể phòng ngừa tốt hơn cũng như là đáp ứng lại được những nhu cầu về chăm sóc, phục hồi cho những trẻ em bị xâm hại.

Mặc Lâm : Việt Nam từ bấy lâu nay không cho rằng công tác xã hội phải được nhìn nhận là một nghề nghiệp để có khả năng mưu sinh, mà đơn thuần chỉ à từ thiện như nhiều người vẫn nghĩ, UNICEF có những cố vấn như thế nào về vấn đề này, thưa Bà? Bà Lê Hồng Loan : UNICEF đang trong quá trình giúp chính phủ Việt Nam xây dựng một dự án quốc gia để đưa công tác xã hội trở thành một nghề. Những năm trước đây thì công tác xã hội không được dạy ở các trường đại học và chưa được dạy ở các trường đại học. Bắt đầu từ năm 2004 công tác xã hội đã được coi là một chuyên ngành ở các trường đại học, tuy nhiên công tác xã hội chưa được coi là một nghề.

Cho nên chức danh cán bộ xã hội trong xã hội Việt Nam là chưa được chính thức hoá. Việt Nam đang trong quá trình xem xét để đưa vấn đề xã hội trở thành một cái nghề. Nếu như vấn đề công tác xã hội được trở thành một nghề thì sẽ có các công tác về hỗ trợ cho con người, vấn đề xoá đói giảm nghèo, vấn đề bảo vệ trẻ em và các vấn đề về con người khác sẽ được tăng cường hơn về mặt chất lượng.

UNICEF cũng hy vọng là trong một vài năm tớí thì công tác xã hội sẽ được coi là một nghề ở Việt Nam.

Mặc Lâm : Qua vụ em Nguyễn Thị Bình vừa được phát hiện là làm việc như một nô lệ trong suốt 13 năm, UNICEF đã có chương trình huấn luyện nào cho Việt Nam để các giới chức thẩm quyền thấy được những tội phạm tiềm ẩn trong những vụ việc tương tự như vậy, thưa Bà?

Bà Lê Hồng Loan : UNICEF cũng hỗ trợ chính phủ trong những năm gần đây để đào tạo cái hệ thống công an anh ạ, để họ có thể có được kiến thức cơ bản về vấn đề xâm hại trẻ em; đào tạo cho họ những kỹ năng điều tra cơ bản như các kỹ năng phỏng vấn thân thiện đối với trẻ.

UNICEF cũng hỗ trợ chính phủ trong những năm gần đây để đào tạo cái hệ thống công an anh ạ, để họ có thể có được kiến thức cơ bản về vấn đề xâm hại trẻ em; đào tạo cho họ những kỹ năng điều tra cơ bản như các kỹ năng phỏng vấn thân thiện đối với trẻ.

UNICEF đã xây dựng được, hỗ trợ được Bộ Công An xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho công an, cũng đã đào tạo được một lực lượng, một số cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, trong sở cảnh sát, thì họ có thể là những người đào tạo lại cho những đội ngũ cảnh sát của Việt Nam ở cấp cơ sở.

Mặc Lâm : Một trong những hình thức hiệu quả nhất để dân chúng hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em là truyền thông trực tiếp đến với quần chúng, như vậy thì UNICEF đã vận dụng chức năng này như thế nào, thưa Bà?

Bà Lê Hồng Loan : UNICEF không tiến hành các hoạt động trực tiếp. Tại Việt Nam thì UNICEF đã hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam và các đối tác Việt Nam trong việc tiến hành những chương trình có liên quan đến vấn đề phòng ngừa xâm hại đối với trẻ.

Nói về vấn đề mà anh đề cập đến thì UNICEF Việt Nam cũng đã hỗ trợ Việt Nam và đặc biệt trước đây Uỷ Ban Dân Số - Gia Đình - Trẻ Em và bây giờ là Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội để tiến hành một chiến dịch trưyền thông trong cộng đồng, trưyền thông đến các bậc cha mẹ, các em học sinh, rồi đến các thầy cô giáo để cho họ có thể nắm được những cái thực trạng, những cái nguy cơ, cũng như những hành vi mà các em và gia đình cần phải làm trong trường hợp xâm hại xảy ra.

Tuy nhiên, vấn đề xâm hại trẻ em ở Việt Nam là vấn đề đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam đang thay đổi, cho nên cũng chưa nhiều các gia đình và các bậc cha mẹ và gia đình có được các kiến thức này.

Mặc Lâm : Một lần nữa xin cám ơn bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Hà Nội đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.