Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Hè về” nhạc phẩm của Hùng Lân, Hoàng Oanh ca …
“Ai xui con cuốc gọi vào hè Cái nóng nung người, nóng nóng ghê”

Lồng trong cái nóng hừng hực đó, tiếng ve cất lên ngày càng nhiều, rộn ràng như tâm trạng người học trò ôn tập bài vở, chuẩn bị thi cử. Từ cuối tháng Năm, các trường lần lượt kết thúc niên học, học sinh cấp 1 và cấp 2 thi xong. Giữa tháng Sáu, học sinh cấp 3 thi tốt nghiệp phổ thông, tương đương với tú tài thời trước.
Sang tháng 7 thì thi vào các trường đại học, cao đẳng. Học sinh nào mà chẳng “đau khổ” vì thi cử. Chong đèn, học lấy một bụng kinh sử, chặng đường này, hầu hết chúng ta đều từng trải qua. Quang cảnh khi nghe xướng danh đã được nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng ghi lại một cách tài tình, trong ca khúc “Mùa thi”
“Mùa thi” qua tiếng hát Như Quỳnh và Hoàng Oanh …
Bài “Mùa thi” có từ lâu lắm rồi nhưng vẫn luôn đúng với tâm trạng thí sinh, các bạn nhỉ. Tác giả nhạc bản ấy là Đỗ Kim Bảng hiện định cư ở Quận Cam, Nam California, Hoa Kỳ. Thy Nga điện sang, hỏi chuyện ông về hoàn cảnh viết nên bản đó.
Đỗ Kim Bảng: Thưa Chị, nếu tôi nhớ không lầm thì khoảng năm 1950. Năm đó, Bộ Giáo dục bãi bỏ kỳ thi Trung học Đệ nhất phổ thông. Tôi học lớp 9 cho nên khỏi phải thi, đó là điều rất vui mừng cho tôi vì thú thật với Chị, tôi rất dốt Toán.
Không phải người trong cuộc nên tôi cũng có được cái thời giờ để nhìn các anh em đi thi, và cũng đã cho tôi thấy được cái hoạt cảnh của mùa thi như thế nào. Có những người cười, người khóc, tôi ghi nhận lại những sự việc đó trong bản nhạc.
Khi bài “Mùa thi” ra thì có nhiều người tưởng lầm rằng tôi thi trượt nên làm bài đó, nhưng thưa Chị, không phải như vậy đâu.
“Mùa thi” cont’ …
Đỗ Kim Bảng: Những hình ảnh có người đắc ý cười, khoe khoang rằng mình mà không đậu thì ai đậu cho. Có người khóc than cái câu "Học tài thi phận" mà cách đó mấy chục năm, Cụ Tú Xương đã nói đến câu đó rồi.
Thy Nga: Vâng, bài này anh viết theo thể cách nào mà nghe như câu chuyện kể.
Đỗ Kim Bảng: Có thể nói đó là ảnh hưởng của nhạc sĩ Lê Thương. Bài "Người độc huyền" đã cho tôi cảm hứng. Đoạn giữa, anh đã từ Majeur sang Mineur, thì tôi cũng bắt chước theo cách thức đó, và tôi đã viết trong bài "Mùa thi" khúc đầu là Majeur, đoạn giữa là Mineur để diễn tả tâm trạng của người thi trượt, rồi chuyển sang Majeur để diễn tả cái tâm trạng đắc ý, khoe khoang một chút của những người thi đậu, có thể là thi đậu vì thực tài, hay là thi đậu vì nhờ có sự may mắn nào đó.
Khi ấy 18 tuổi, học ở Huế, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng kể tiếp:
Đỗ Kim Bảng: Ở Huế, thí sinh cũng ít thành ra khi tuyên bố, ông Chánh Chủ khảo ra đọc danh sách (theo mẫu tự) vì thế, những người nào mà tên vần dưới thì hồi hộp nhất. Chính mắt tôi cũng đã thấy có nhiều cô nghe đọc bảng xong thì xỉu. Có thể vì thi trượt mà xỉu, cũng có thể đậu mừng quá thì xỉu.
Thy Nga: Sau đó, bài "Mùa thi" được nhiều người biết đến, xin anh cho biết nhạc bản đó được phổ biến như thế nào?
Đỗ Kim Bảng: Đó cũng là điều may mắn cho tôi. Lúc đó, tôi ở Huế thì sinh hoạt văn nghệ không thể nào bằng Hà Nội hay Saigon nhưng cũng may có nhà xuất bản Tinh Hoa rất nổi tiếng thì tôi mon men đem cái bài "Mùa thi" ra đưa cho ông Giám đốc. May thay, ông ấy lại chấp nhận bài đó.
Được xuất bản đã mừng rồi, đó là niềm hãnh diện, và nhất là tiền bản quyền ông ấy trả cho tôi cũng không còm đâu.
Qua năm 1952 thì tôi nghe đâu là bài ấy được làm thành nhạc cảnh diễn xuất tại Saigon. Nhạc cảnh “Mùa thi” đó gồm có bài “Học sinh hành khúc” của Lê Thương, “Hè về” của Hùng Lân, và “Mùa thi” của tôi. Nghe đâu ở Saigon rất được hoan nghênh vì diễn xuất của anh Hoài Trung mếu máo hát câu “Học tài thi phận”. Thì bài đó được biết đến nhiều.
Mùa Thu 1953, bài đó lại theo Đoàn Gió Nam gồm có ban hợp ca Thăng Long, có cả anh Trần Văn Trạch đi ra ngoài Hà Nội trình diễn. Cũng nhờ đó mà bài “Mùa thi” được học sinh ở Hà Nội biết đến.
Thy Nga: Anh có lâm vào cái cảnh thi rớt bao giờ không?
Đỗ Kim Bảng: Thưa Chị có chứ, học theo cái kiểu xưa thì thế nào, không rớt vài ba kỳ, cũng phải rớt một kỳ. Tôi cũng có một lần, mang cái câu "Học tài thi phận".
Thy Nga: Thế… khi đó, anh có tự hát bài "Mùa thi" không?
Đỗ Kim Bảng: Khi đó thì buồn quá, hát cũng không được. Hát có lẽ nó buồn thêm. Mới đây thì Thy Nga đọc thấy bài "Hoa Trạng Nguyên" của Nguyễn Lan Phương viết về loài hoa phượng và mùa thi, xin trích để chia sẻ cùng các bạn
“Ai đặt tên cho loài hoa ấy, chắc muốn nó vĩnh viễn gắn liền với tuổi học trò. Hoa “Trạng Nguyên” cháy lên từ những ngày ôn thi cǎng thẳng nhất, rực trang vở học trò, thắp lên trong mắt người sắp sửa đi thi niềm tin nơi tương lai ...
Một tối nào chong đèn học khuya, dõi mắt qua cửa sổ, bạn sẽ thấy màu đỏ rực lao xao giữa vườn đêm: hoa Trạng nguyên cùng bạn thức suốt mùa thi đấy! “Hoa Trạng nguyên” cái tên nghe như đã có tiếng pháo đón mừng, đã thấp thoáng võng lọng, đã náo nức tiếng nói cười đón người thành danh.
Thế rồi cũng qua mùa thi! Người hớn hở nhập trường mới, kẻ ngậm ngùi quay về tiếp tục dùi mài kinh sử tuy nhiên, đừng bao giờ để tắt ngọn lửa đó trong tim, bạn nhé.”
Mùa thi kết thúc, bạn bè lưu luyến chia tay nhau, mang theo thật nhiều kỷ niệm, từ biệt mái trường thân yêu giữa lúc những cánh phượng vỹ rơi rụng khắp lối.
Quang Linh với “Nỗi buồn hoa phượng” ...
Tác giả bản này, nhạc sĩ Thanh Sơn hay viết về chủ đề chia tay mùa hè qua các ca khúc như “Lưu bút ngày xanh”, “Ba tháng tạ từ”, “Hạ buồn, “Dư âm mùa hạ”, …
“Hạ ơi” ...
Và trong âm thanh ca khúc “Hạ ơi” qua giọng hát Thùy Dung, Thy Nga xin kết thúc chương trình chủ đề mùa Hè … chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.