Đề xuất thành lập Viện Đạo đức huấn luyện cán bộ: ‘Lời thú nhận đắng cay’

Vì sao phải dạy đạo đức?

Đạo đức, từ rất lâu đã được định nghĩa là một khái niệm về hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người hiểu, biết và tự điều chỉnh cũng như chịu trách nhiệm hành vi của mình. Hành vi đó phải phù hợp và tương xứng với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

Đạo đức cũng có thể được hiểu là truyền thống văn hoá. Mỗi một quốc gia, dân tộc sẽ có một chuẩn mực về đạo đức riêng phù hợp với quá trình hình thành và phát triển văn hoá, xã hội và cả chính trị của quốc gia đó.

Do đó, nếu hiểu theo đúng logic của câu nói là “thiếu cái gì, bù cái đó”, thì Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng “phải chăng những cán bộ ấy không có đạo đức nên mới phải có đề xuất để được huấn luyện?”.

Ông xác nhận mình rất ngạc nhiên với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc từng đưa ra.

“Khi ông đưa ra ý kiến về cái viện dạy đạo đức học cho các cán bộ thành viên trong Đảng thì tôi rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng, vì như vậy là ổng mặc nhiên công nhận là các vị quan chức, cán bộ cao cấp không có đạo đức. Bởi vì nếu họ có đạo đức thì lập ra cái viện để làm gì?

Ổng công nhận 1 thực tế ‘nó là như vậy đó.’ Và ổng cũng công nhận 1 chuyện nữa bấy lâu nay qua 2 nhiệm kỳ Tổng bí thư, cái công thức đưa ra học tập đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy mươi năm trời không có kết quả sao? Tại sao phải đầu tư 1 cái viện như vậy để dạy đạo đức? Đạo đức mới là đạo đức gì?

Cho nên, đây là 1 lời thú nhận đắng cay, 1 sự bất lực về vấn đề hành xử đạo đức của cấp chính quyền ở Việt Nam.”

<i> <i>Khi ông đưa ra ý kiến về cái viện dạy đạo đức học cho các cán bộ thành viên trong Đảng thì tôi rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng, vì như vậy là ổng mặc nhiên công nhận là các vị quan chức, cán bộ cao cấp không có đạo đức. Bởi vì nếu họ có đạo đức thì lập ra cái viện để làm gì? - Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng</i> </i>

Đề xuất của vị Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Trọng Phúc được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 18/10/2018, nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947 – 10/2017) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Đạo đức” vốn là một từ Hán Việt, được ghép nối bởi từ Đạo là con đường, đức là đức tin, đức tính tốt. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn. Mà lối sống chân, thiện, mỹ vốn là kết quả của sự rèn luyện đức tâm. Tôn giáo đóng vai trò không nhỏ, nếu không nói là rất quan trọng.

Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì
Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì (Courtesy photo)

Hoà thượng Thích Không Tánh, vị sư trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Sài Gòn (đã bị cưỡng chế đập bỏ) chia sẻ với chúng tôi:

"Bất cứ trong 1 xã hội nào, 1 đất nước nào mà nếu thiếu vấn đề đạo đức là coi như xã hội đó bị thoái hoá hoặc sa đoạ. Nếu thiếu đạo đức thì nó không còn là con người mà là những con vật thôi."

Và chính hoà thượng Thích Không Tánh cũng đặt câu hỏi về lý do vì sao phải thành lập Viện Đạo đức huấn luyện cán bộ.

"Khi 1 tổ chức, 1 đất nước hay 1 chủng tộc nói là phải cổ suý đạo đức, cần phải giáo dục đạo đức hay cần phải hướng dẫn đạo đức thì tôi nghĩ xã hội đó đã bị tha hoá, bị thiếu đạo đức rất trầm trọng rồi. Và chính vì vậy người ta mới cần cái giáo dục."

<i> <i>Khi 1 tổ chức, 1 đất nước hay 1 chủng tộc nói là phải cổ suý đạo đức, cần phải giáo dục đạo đức hay cần phải hướng dẫn đạo đức thì tôi nghĩ xã hội đó đã bị tha hoá, bị thiếu đạo đức rất trầm trọng rồi. Và chính vì vậy người ta mới cần cái giáo dục. - Hoà thượng Thích Không Tánh</i> </i>

Đạo đức được giáo dục từ đâu?

Quan niệm của việc giáo dục đạo đức đối với Thầy Thích Không Tánh là nền tảng căn bản phải có từ ban sơ, vì vốn dĩ “nhân chi sơ, tính bổn thiện.” Ông khẳng định nhân loại chúng ta cần tôn giáo, nhờ những đạo đức, luân lý, truyền thống của tôn giáo làm cho chúng ta quay về với nhân bản, đạo đức. Như thế mới thiết lập nên 1 xã hội tiến bộ.

Với một quốc gia mà tất cả hệ thống lãnh đạo, quyền lực và quyết định đều do Đảng Cộng sản nắm giữ, thì chắc chắn đạo đức của người Đảng viên chính là yếu tố quan trọng trong sự phát triển. Cũng ý kiến này, nhưng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng có cách gọi khác, ông nói rằng đạo đức của xã hội, con người Việt Nam phụ thuộc vào hệ giá trị của chính quyền.

Ông phê phán cách giáo dục xưa nay là lấy học đường làm cơ sở để tuyên truyền chính trị, tuyên truyền những vấn đề đấu tranh giai cấp, những lý thuyết sáo rỗng đi ngược với thực tế, chối bỏ tư tưởng tôn giáo là nền tảng của những đạo đức.

“Những chính sách phá hoại tôn giáo, lũng đoạn tôn giáo, cho tôn giáo là thuốc phiện, những cuộc phá hoại những giá trị tôn giáo của ngàn năm lịch sử ở Việt Nam phải chấm dứt. Bỏ đi chuyện quốc doanh hoá đội ngũ sư sãi. Đó là tác hại vô cùng to lớn cho tôn giáo. Giá trị của tôn giáo là giá trị của tâm hồn.”

Là nhà khoa học giáo dục, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhìn thấy tôn giáo là vị thầy của đạo đức. Giá trị của tôn giáo làm nên nền tảng của đạo đức. Điều này cũng lý giải vì sao Hoà thượng Thích Không Tánh tự hỏi ai là người đứng ra huấn luyện giá trị đạo đức cho tầng lớp cán bộ đó? Giáo dục theo hướng thế nào? Nhằm mục đích gì?

“Nếu sự giáo dục đó bị nô lệ vào 1 hệ ý thức không đặt căn bản trên nhân tính, đạo đức tiến hoá, mà hướng về vật chất, đấu tranh, hay theo những chủ nghĩa không nhân bản thì đó là 1 vấn đề khác.”

Khi Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đề cập với chúng tôi về câu chuyện đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay, ông nhìn thấy môi trường xã hội Việt Nam bị lũng đoạn 1 cách rất sâu đậm. Những đạo lý truyền thống của người Việt, những tập tục thói quen về đạo đức của dân tộc nó bị xói mòn 1 cách thảm hại sau 1 thời gian mà chính quyền mới ngự trị 70 năm nay. Theo như ông nói, những cái mất mát đắng cay này này cũng phát xuất từ hệ thống giáo dục có nhiều khiếm khuyết, sai lầm và có thể nói là đi lạc đường.

<i>Nếu sự giáo dục đó bị nô lệ vào 1 hệ ý thức không đặt căn bản trên nhân tính, đạo đức tiến hoá, mà hướng về vật chất, đấu tranh, hay theo những chủ nghĩa không nhân bản thì đó là 1 vấn đề khác. - Hoà thượng Thích Không Tánh</i>

Con đường giáo dục sai lạc theo lời ông là sự thiếu vắng dạy dỗ về tình thương yêu từ những nơi chốn cơ bản nhất

“Đó là cha mẹ, là anh em, là họ hàng, là gia đình, thương yêu con đường làng, dòng sông bến cũ, đồng lúa bờ đê . Sau đó mới là tình yêu lớn hơn, tình yêu Tổ quốc.”

Ông khẳng định, cán bộ, hay bất cứ cá nhân nào trong xã hội cũng cần được huấn luyện những giá trị đạo đức căn bản của người Việt. Giá trị đó xuất xứ từ nguồn đạo lý Việt Nam. Ông mong mỏi tất cả hệ giá trị truyền thống dân tộc của Việt Nam phải trở lại và phải được đề cao. Như thế, mới gọi là huấn luyện đạo đức.