Liệu có triệt tiêu được đồ chơi độc hại?

Kể từ hôm thứ 5, 15 tháng tư vừa qua, bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi dành cho trẻ con; quy định đó chính thức có hiệu lực và đồng thời được áp dụng tức khắc.

0:00 / 0:00

Từ nay, đồ chơi trẻ em chỉ được phép bày bán trên thị trường sau khi đã được cơ quan chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy vào sản phẩm. Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết cùng với góp ý của một viên chức hữu trách và một nữ giáo viên có các con còn nhỏ.

Báo An Ninh Thủ Đô mới có bài viết đặt vấn đề “Liệu có triệt tiêu được các thứ đồ chơi độc hại hay không?” và cho biết hiện nay các loại đồ chơi trẻ em được bày bán khắp nơi, từ Hà Nội đến Saigon, trong cửa hiệu, trung tâm thương mại hay ngoài vĩa hè, ngõ ngách đều là hàng trôi nổi, khó kiểm tra, không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Theo dư luận , nhất là các bậc cha mẹ có con trẻ thì các loại đồ chơi đó rất độc hại, mà lại được con trẻ ưa thích, đòi mua cho bằng được như súng bắn chì, đạn nhựa, dao kiếm cứng, thú vật phun lửa, đồ chơi sử dụng ánh sáng laser, kẹo phát sáng, chứa hóa chất độc hại.

Trước tình trạng gây âu lo, hoang mang cho dân chúng nhất là các gia đình có con nhỏ, và để bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe trẻ em khi vô tình sử dụng đồ chơi độc hại, bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi dành cho trẻ con và có hiệu lực ngay tức khắc.

Giảm thiểu chứ không thể triệt tiêu

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hưng, viên chức thuộc cơ quan Giám định Khoa học và Công nghệ thì việc triệt tiêu hoàn toàn các loại đồ chơi trẻ con bị cho là độc hại rất khó thực hiện một cách triệt để:

Nhà nước mình đang cố gắng hết sức để giảm thiểu, chứ còn triệt tiêu hẳn thì khó làm được điều đó.

Ông Nguyễn Hưng

“Bộ Khoa học, Công nghệ có một cơ quan gọi là cục Kiểm định Chất lượng, có trách nhiệm phải làm việc đấy, tức là phải kiểm tra chất lượng hàng hóa, hàng tiêu dùng cung cấp cho người dân.

Về mục tiêu thì nếu dùng từ “triệt tiêu” thì không chuẩn. Triệt tiêu có nghĩa là không còn một dấu vết gì của loại hàng hóa ấy nữa, nhưng sẽ giảm thiểu được, bởi vì đất nước mình nằm ngay cạnh Trung Quốc là thị trường gia công hàng hóa giá rẻ rất là lớn. Đối với các đồ chơi trẻ em do họ sản xuất thì được làm ra với giá thành rẻ nhất, vì thế không thể nào đạt được chất lượng đồ chơi bên Châu Âu.

Riêng đối với đồ chơi Trung Quốc thì nay cả thế giới đã biết rồi, nó có tính độc hại rất lớn, nhưng vì nước mình nằm ngay bên cạnh nên họ chuyển đồ chơi sang rất tiện, cấm chuyện này rất khó. Tuy nhiên, nhà nước mình đã đưa ra những chính sách rất là ngặt nghèo trong việc nhập những thứ hàng hóa ấy, ví dụ là đồ chơi mang tính độc hại về sức khỏe thì phân ra nhiều loại, đồ chơi mang tính gây bạo lực, rồi đồ chơi ảnh hưởng đến sinh lý con người, đến sức khỏe như kẹo phát sáng. Nhà nước mình đang cố gắng hết sức để giảm thiểu, chứ còn triệt tiêu hẳn thì khó làm được điều đó.”

Trách nhiệm bậc cha mẹ

Trung Quốc được coi là nước xuất khẩu lớn của thế giới
Trung Quốc được coi là nước xuất khẩu lớn của thế giới. Hàng Trung Quốc xuất đi nhiều nước từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. AFP photo (AFP photo)

Về phần bà Mỹ Phương, giáo viên tiểu học ở Gia Định có con còn nhỏ, ở vào lứa tuổi thích được cha mẹ mua cho đồ chơi, thì tin rằng, bậc cha mẹ luôn cảnh giác trước khi sắm đồ chơi cho con trẻ, thứ nào bị nghi là độc hại thì cần tránh:

“Mấy loại đồ chơi đó là có nguồn gốc từ Trung Quốc đưa qua, chứ nước mình thì không có. Hàng độc hại từ Trung Quốc qua thì bị thu hồi, rồi bị tiêu hủy.

Một khi tin đã lên báo rồi, phụ huynh thấy nguy hiểm thì cấm con em sử dụng. Bản thân đồ chơi độc hại không được ai mua thì nó sẽ không còn, chứ không có vấn đề gì to lớn. Bên phía công an quản lý kinh tế thị trường, một khi phát hiện đồ chơi độc hại thì tịch thu, tiêu hủy, những đơn vị bán hàng độc hại cũng bị xử lý, nên chẳng ai dám bán hay dám tiêu thụ.

Nếu phụ huynh cảnh giác, đề phòng thì cấm con em không cho chơi, không cho mua, nên mọi việc cũng ổn thôi, không có gì ảnh hưởng lắm.”

Nếu phụ huynh cảnh giác, đề phòng thì cấm con em không cho chơi, không cho mua, nên mọi việc cũng ổn thôi, không có gì ảnh hưởng lắm.

Bà Mỹ Phương

Theo báo chí và giới hữu trách thì để quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được áp dụng có hiệu quả, cần có sự kiểm tra thường xuyên, liên tục, giám sát gắt gao từ phía các cơ quan chức năng và đó cũng là trách nhiệm, ý thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung cấp trước khi đến tay người tiêu thụ.
Bản thân người mua sắm đồ chơi cũng cần tìm hiểu cặn kẻ về sản phẩm mình chọn hầu bảo đảm an toàn và sức khỏe của con em mình.
Báo chí vẫn tiếp tục đưa tin về việc kẹo mút phát sáng có chất gây bệnh ung thư, dù bị cấm đoán nhưng vẫn được bày bán tràn lan, nhất là các điểm gần trường tiểu học.

Theo dòng thời sự: