Cựu Tổng thống Kennedy đã từng bí mật liên lạc với Liên Xô nhằm giải quyết cuộc chiến Việt Nam

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Mặc dù cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc hơn 30 năm, nhưng mỗi khi có một tài liệu nào liên quan đến cuộc chiến ấy được giải mật, thì nó lại được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là những người Việt ở khắp nơi.

0:00 / 0:00
JFKVietnamWar200.jpg
Ngày 24-9-1963, cựu Tổng thống Kennedy (phải) bàn thảo với Bộ trưởng Quốc Phòng Mc Namara (giữa) và Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Maxwell Taylor trước khi hai người này đi Sài Gòn xem xét tình hình quân đội. AFP PHOTO>> View larger image >> See slideshow

Dựa theo bài báo của Bryan Bender trên International Herald Tribune, chúng tôi xin trình bày một tài liệu loại đó.

Những tài liệu vừa được giải mật tại Hoa Kỳ cũng như Ba Lan cho thấy là của Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống John F. Kennedy và Liên Xô đã bí mật tìm kiếm phương cách ngoại giao để giải quyết cuộc chiến Việt Nam ngay từ năm 1962, ba năm trước khi Hoa Kỳ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, và hơn một năm trước ngày ông Kennedy bị ám sát.

Qua trung gian chính phủ Ba Lan

Tài liệu mới giải mật từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy là ngay từ tháng tư năm 1962, Tổng thống Kennedy đã uỷ nhiệm cho đại sứ tại Ấn Độ là ông John Kenneth Galbraith tìm cách tiếp xúc với Bắc Việt, thông qua trung gian là một nhà ngoại giao Ân độ. Trong khi đó, tài liệu của Ba Lan cho biết đầu năm 1963, Hoa Kỳ cố gắng liên lạc với Liên Xô, qua trung gian của chính phủ Ba Lan.

Những cố gắng này sau cùng đều không thành, có thể vì Bắc Vịêt lúc bấy giờ chống lại việc ấy, mà cũng có thể là vì Washington lúc đó phải giải quyết đòi hỏi phải được tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến của các cố vấn đang làm việc tại Việt Nam.

Bạn có nhận xét gì về tài liệu mới này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đối với những người từng làm việc với Tổng thống Kennedy, thì các tài liệu vừa giải mật cho thấy chủ trương của ông Kenney đối với cuộc chiến. Điều này khá quan trọng vì từ lâu, các sử gia và học giả đã nhiều lần tranh luận về chủ trương của Tổng thống Kennedy: Ông muốn giải quyết cuộc chiến thông qua ngoại giao hay bằng cách leo thang quân sự?

Khi Tổng thống Kennedy bị ám sát vào tháng 11 năm 1963, Hoa Kỳ chỉ có 16,000 cố vấn quân sự phục vụ bên cạnh quân đội Việt Nam cộng hòa, nhưng hai năm sau, quân số Hoa Kỳ tham chiến đã lên đến hơn nửa triệu, và cuộc chiến kéo dài cả chục năm sau mới chấm dứt.

Đề tài tranh luận

Ông Robert Dallek, một tác giả từng viết tiểu sử hai Tổng thống Kennedy và Johnson nhận xét rằng trong số các sử gia, có những người thiên Johnson và có những người thiên Kennedy. Họ lý giải mọi chuyện khác nhau, khiến Việt Nam trở thành một đề tài tranh luận dựa trên đó người ta biện hộ hay chỉ trích ông Kenney. Ông Dallek nói ông đã tưởng vấn đề ấy không bao giờ giải quyết được.

Một số sử gia ủng hộ Tổng thống Kennedy còn nói là ông ta muốn hoặc thương thuyết về một giải pháp cho cuộc chiến, hoặc rút khỏi Việt Nam, mặc dù sự chống đối của những phụ tá thân tín của ông, chẳng hạn như Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara.

Ông Arthur Schlesinger Jr., nguyên là phụ tá của Tổng thống Kennedy nhận xét rằng tài liệu mới giải mật là chính xác. Nó cho thấy nỗi băn khoăn của ông ta, rằng Hoa Kỳ đã làm quá mức được yêu cầu tại Việt Nam, và có thể ông sẽ cho rút quân Mỹ vào năm 1965 chứ không Mỹ hoá cuộc chiến.

Một người khác cũng từng là phụ tá thân cận của Tổng thống Kennedy là ông Carl Kaysen lại tỏ ra phân vân, không thể nói được là Tổng thống sẽ hành động ra sao nếu ông tiếp tục nắm quyền. Ông cho rằng tài liệu vừa được giải mật là đúng, nhưng ông vẫn cho rằng Tổng thống Kenney cũng như các vị kế nhiệm ông đều đánh giá sai tình hình. Ông cũng cho rằng Bắc Việt chưa chắc đã muốn thương lượng vào lúc đó, vì rõ ràng là họ quyết tâm xâm chiếm miền Nam.

Ấn Độ, sứ thần thương thuyết

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ lúc bấy giờ là ông John Kenneth Galbraith năm nay đã 97 tuổi tuần rồi kể lại với tạp chí Globe ở Boston rằng, ông đã gặp Tổng thống Kennedy vào tháng tư năm 1962 ở một trang trại ở Virginia. Lúc đó ông đệ trình lên Tổng thống một bản kế hoạch dài hai trang giấy, sử dụng Ấn Độ như một sứ thần thương thuyết.

Đề nghị được biết là bị giới quân sự mạnh mẽ phản đối. Tuy nhiên, sau này, chính Tổng thống Kennedy chỉ thị thứ trưởng ngoại giao Harriman nói với ông Galbraith bàn thảo vấn đề với ngoại trưởng Ấn là ông M. J. Desai.

Trong một bản ghi nhớ gửi các nhân viên dưới quyền vào ngày 17 tháng tư năm ấy, ông Harriman viết là, theo lệnh Tổng thống, đại sứ Galbraith đã nói với ngoại trưởng Desai rằng, nếu Hà Nội giảm bớt hoạt động du kích, thì Hoa Kỳ sẽ có đáp ứng tương xứng liền. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, chính ông Harriman đã thuyết phục Tổng thống Kenney hoãn lại chương trình ấy, và rồi thì không ai nói đến nữa.

Giải quyết bằng đường ngoại giao

Theo tài liệu giải mật trước kia của Bộ Ngoại giao Ba Lan, thì đại sứ Galbraith đã gặp ngoại trưởng Ba Lan lúc bấy giờ là ông Adam Rapachi ở New Delhi vào ngày 21 tháng giêng năm 1963.

Ông Galbraith nói với ông Rapachi rằng Tổng thống Kennedy quan tâm đến một đề nghị của Ba Lan về việc ngưng bắn và tổ chức bầu cử tại miền Nam Việt Nam. Ông Galbraith sau này viết trong hồi ký của ông rằng cuộc trao đổi với phía Ba Lan ngừng lại ở đó chứ không tiến xa hơn.

Tuy nhiên, tài liệu mới giải mật của Ba lan lại cho biết rằng đề nghị của ông Galbraith đã được chuyển đến Moscow. Qua tháng sau, tức tháng hai năm 1963, bộ chính trị đảng Cộng sản Liên Xô đưa ra nhận định rằng Tổng thống Kennedy và một số quan chức khác không muốn Việt Nam trở thành một Triều tiên thứ nhì và họ có vẻ như quan tâm đến chuyện giải quyết cuộc chiến qua đường ngoại giao.

Cuối cùng, với những tài liệu đã được giải mật cho đến nay, thì vẫn chưa biết lý do tại sao cả hai con đường ngoại giao thông qua Ấn Độ và Ba Lan lại không được đẩy xa hơn, và tình hình ấy có liên quan gì đến cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng như của chính Tổng thống Kennedy vào tháng 11 năm 1963 hay không?