Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Vấn đề khiếu kiện đất đai lâu nay được biết đến nhiều và người dân thường phản ánh là tiền đền bù không thoả đáng. Một trong những hệ quả khác của việc thu mua ruộng đất cho chương trình công nghiệp hoá là đời sống nhiều hộ nông dân trở nên khó khăn vì mất kế sinh nhai. Tình trạng này hiện ra sao, Nhã Trân có thêm chi tiết và trình bày.
Hơn 2 triệu nông dân mất đất
Thống kê của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho hay chỉ riêng số dân bị ảnh hưởng vì có đất đai bị trưng dụng trong giai đoạn 2001-2005 là khoảng 2.5 triệu người.
Báo cáo cho biết rất nhiều hộ nông dân sau khi mất đất canh tác không biết làm gì để mưu sinh về lâu về dài. Quen thuộc với việc đồng áng nhiều khi cha truyền con nối nhiều đời, có những gia đình chưa được huấn luyện một nghề nào khác ngoài việc cày sâu cuốc bẫm.
Không có lựa chọn nào khác, nhiều người lao vào làm những công việc thu nhập thấp hoặc bấp bênh như buôn thúng bán bưng hoặc đôi khi những việc tệ hại hơn. Nhiều gia đình thì trắng tay sau khi tiêu hết số tiền đền bù đất.
Một người từng có đất bị thu mua, rơi vào trường hợp này, bức xúc: "Nếu chỉ bồi thường tiền không thôi thì sau khi tiêu hết tiền, dân biết làm gì để sống? Người ta chỉ nghĩ đến chuyện lấy đất của dân để xây dựng công trình này nọ mà không quan tâm đến thân phận và đời sống của họ".
Nhu cầu chuyển đổi ngành nghề
Nỗi lo này phản ánh tình trạng lâu nay, là hầu như chương trình dạy nghề mới cho nông dân không được triển khai hoặc chỉ đề ra lấy lệ.
Theo quy định trước nay, những người trong độ tuổi lao động trong số hộ có đất bị trưng thu được hưởng một suất đào tạo học nghề. Thế nhưng, trên thực tế đến nay số người được dạy nghề còn rất thấp.
Theo các báo cáo của nhà nước thì chương trình dạy nghề hiện chưa đạt kết quả. Lấy trường hợp điển hình là Hà Nội, Sở LĐ-TB-XH cho hay đến giờ trong số khoảng 7 ngàn người cần được dạy nghề chỉ có hơn 2 ngàn được đào tạo.
Những người này sau đó tìm được việc làm ở các khu công nghiệp ở địa phương. 2 ngàn người khác tiếp tục gặp khó khăn về việc làm do không có tay nghề về bất cứ loại nào.
Hồi tháng 7 năm nay Bộ NN-PTNT mới đưa ra một số giải pháp, trong đó vấn đề đào tạo nghề cho nông dân được đánh giá là một trong các biện pháp hàng đầu.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu, phụ trách các vấn đề xã hội, phát biểu: "Theo tôi trong chính sách đào tạo nghề là phải buộc những người bị thu hồi đất đi học nghề. Ở đây có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải hướng dẫn cách sử dụng cho dân: hướng dẫn học nghề".
Một nông dân Sóc Trăng cũng đồng ý rằng đây là điều cần thiết: "Cần phải có các trường dạy nghề, các trường trung học, cao đẳng tại các tỉnh. Bây giờ con em phải lên thành phố học…"
Bên cạnh việc kế hoạch đào tạo tay nghề cho nông dân không được quan tâm và số tiền đền bù quá thấp so với giá thực tế thì có phản ánh từ phía chính quyền rằng các khoản đền bù trước giờ không được sử dụng hợp lý.
Nói về hiệu quả việc sử dụng số tiền đền bù thu hồi đất cho các dự án đầu tư xây dựng khu vực Hà Thành thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đưa ra nhận định rằng trong nhiều trường hợp khoản tiền này đã được dùng không đúng chỗ, và nhiều khi được chi tiêu cho các tệ nạn xã hội như ma túy.
Mục tiêu chuyển đổi nông dân sang lãnh vực công nghiệp được đánh giá có thể thành tựu nếu việc dạy nghề cho những nông dân có đất bị trưng dụng được thực hiện rốt ráo.
Chương trình đào tạo nếu được thúc đẩy mạnh mẽ có lẽ sẽ giảm thiểu tình trạng người nông dân bơ vơ không kế sinh nhai sau khi đã tiêu hết tiền đền bù đất.