Hội thảo về ngoại giao của Việt Nam tại đại học Johns Hopkins

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vào những ngày dẫn đến kỷ niệm 30 năm ngày tàn cuộc chiến Việt Nam, nhiều sinh hoạt đã diễn ra rầm rộ. Một trong các sinh hoạt đó là buổi hội thảo hôm thứ Sáu tuần qua tại Washington do viện đại học Johns Hopkins tổ chức, bàn về chính sách ngoại giao của Việt Nam hiện tại và tương lai.

0:00 / 0:00
JohnsHopskin200.jpg
Screenshot của trang web trường Đại học Johns Hopskin.

Hội thảo diễn ra vào một thời điểm đặc biệt là kỷ niệm 30 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc và 10 năm bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt.

Diễn viên Việt Nam...

Đây cũng là thời điểm mà tại Việt Nam đang có tranh luận là làm sao để các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam được phát triển sâu và rộng hơn. Có lẽ do đó mà danh xưng buổi hội thảo do Chuơng trình Nghiên cứu Đông Nam Á của viện đại học Johns Hopkins tổ chức được đặt là "Vietnam as an actor on the international stage", xin tạm dịch là "Diễn viên Việt Nam trên sân khấu Quốc tế".

Tham luận có nhiều nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam trong và ngoài nước và quốc tế. Điển hình như các ông Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Wu Baocai của Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Hiện đại ở Bắc Kinh, Udai Bhanu Singh của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, Ấn Độ, Matthew Daley của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN....

Phía Việt Nam có giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của viện đại học George Mason, bang Virginia, Phó Hồng Phong của bộ Thương mại, Alexander Vuving của viện đại học Cornell, Bùi Huy Khoát của viện đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, Đặng Đình Quý của tòa đại sứ Việt Nam ở Washington ....

Tổ chức tại trụ sở của Viện Carnegie Cung hiến cho Hòa bình Quốc tế tại thủ đô Washington, ngày hội thảo hôm 29 tháng Tư gồm có 5 phần tham luận gồm có "Quan hệ Việt Nam với Nhật Bản và Liên minh Châu Âu", "Quan hệ Việt Nam với Nga và Ấn Độ", "Việt Nam và Trung Quốc", "Việt Nam và ASEAN" và "Sự liên can với Hoa Kỳ cùng quan hệ song phương với Việt Nam".

Thời kỳ đổi mới

Với tính cách hội thảo, các phần tham luận không đưa ra bất kỳ một kết luận nào, chủ yếu chỉ là để mọi người trình bày quan điểm của mình về các chủ đề mà thôi.

Năm nay, 2005, có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam vì theo giáo sư Bùi Huy Khoát của viện đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, đánh dấu 10 năm Việt Nam ký thỏa hiệp khung với Cộng đồng Châu Âu, tái lập quan hệ với Hoa Kỳ và tham gia vào Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN.

Điểm được nhiều người chú ý là trong bài tham luận, giáo sư Bùi Huy Khoát thừa nhận là Việt Nam tuy đã bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, nhưng xúc tiến công cuộc này không có gì là dễ dàng. Lý do là mở cửa, tự do hóa thị trường.....có nghĩa là phân chia lại tài sản, lợi nhuận xã hội. Điều đó khiến một vài thành phần có quyền, có lợi lo lắng, và từ đó họ ra sức làm trì chậm.

Ông nói tự do hóa, tự do hóa thị trường có nghĩa là lợi nhuận xã hội sẽ được phân phối lại, tác động đến một nhóm người. Do đó khi Việt Nam tiến hành đổi mới, mở cửa và tự do hóa thị trường, thì sự chống đối của nhóm này rất mạnh, khiến công cuộc đổi mới bị trì chậm.

Đây là điều mà nhiều người đã biết, nhưng là một trong vài dịp hiếm hoi mà phía Việt Nam nói thẳng ra.

Giáo sư Bùi Huy Khoát nói thêm là chủ trương đổi mới không những có lợi về kinh tế, mà nó còn làm dân chủ phát triển và làm thay đổi nếp sinh hoạt chính trị-xã hội.

Về mối quan hệ với Hoa Kỳ

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Phát biểu trong phần tham luận về mối quan hệ với Hoa Kỳ, ông Đặng Đình Quý, người được giới thiệu là đứng đầu phần vụ chính trị tại tòa đại sứ Việt Nam ở Washington, cho biết đây là lần đầu tiên có một buổi hội thảo về Việt Nam với những nhận định từ nhiều phía.

Ông nói rằng các ý kiến nêu lên đều rất có giá trị với Việt Nam, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ. Hà Nội muốn biết Washington nghĩ gì và các điều đó sẽ tác động Việt Nam ra sao.

Người được giới thiệu là đứng đầu phần vụ chính trị tại tòa đại sứ Việt Nam ở Washington khẳng định là Hoa Kỳ chú ý đến vùng Đông Nam Á, không phải đến tập thể các quốc gia ASEAN, mà đến các thân hữu của họ như Philippines, Thái Lan và có thể là Singapore, vốn là những đồng minh thân cận về an ninh của Hoa Kỳ.

Ông tỏ ý lo lắng về việc Miến Điện có thể sẽ bị truất phiên làm chủ tịch ASEAN vì những việc đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền ở trong nước do chế độ quân nhân chủ xướng.

Ông Đặng Đình Quý, người được giới thiệu là đứng đầu phần vụ chính trị tại tòa đại sứ Việt Nam ở Washington nêu lên sự lo lắng thay cho Miến Điện vì có lẽ Việt Nam là nước thành viên ASEAN duy nhất, cũng có những chủ trương không khác mấy so với những gì mà chế độ quân nhân ở Rangoon đã và đang làm.

Cho tới nay, những nước thành viên ASEAN kỳ cựu như Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều đang đặt vấn đề có nên cho Miến Điện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN hay không, vào khi các thế lực quốc tế như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản....đã tỏ dấu bất bình về tình trạng vi phạm nhân quyền và dân chủ tại Miến Điện.