Một phụ nữ Khmer Nam Bộ chạy sang Campuchia xin tị nạn

Một phụ nữ Khmer Nam Bộ từng tham gia khiếu kiện về đất đai ở Sóc Trăng vừa trốn sang Campuchia để tìm nơi an toàn. Từ Phnom Penh, thông tín viên Nguyễn Bình của Ban Việt Ngữ RFA tường trình sự việc.

0:00 / 0:00

Từ một dân oan khiếu kiện

Một phụ nữ người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng vừa trốn sang Campuchia hồi cuối tuần trước nói với các tổ chức nhân quyền là để thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền Việt Nam.

Bà Thạch Thị Bơ, 67 tuổi, quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, là một trong hàng chục người thường xuyên khiếu nại về đất đai ở Sóc Trăng, sau khi mô hình làm ăn tập thể tại đây tan rã.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây những người khiếu kiện góc Khmer ở Sóc Trăng và An Giang thường bị chính quyền cho là thành viên của tổ chức Liên minh Khmer Krom ở hải ngoại và tổ chức này đang đòi ly khai dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Tổ chức Liên minh Khmer Campuchia Krom ủng hộ những người dân oan khiếu kiện, và chỉ muốn thấy chính quyền giải quyết nguyện vọng của họ theo đúng pháp luật, chứ không đòi ly khai hay tự trị gì cả. <br/>

Nhà sư Thạch Bình

Chạy qua Campucia lánh nạn

Theo lời kể của bà Thạch Thị Bơ, sau khi một thành viên trong nhóm biểu tình đòi đất đai tên là Huỳnh Ba bị bắt khoảng nữa năm nay, gia đình bà và những người hay khiếu kiện khác thường bị công an theo dõi. Xung quanh nhà bà mỗi ngày có ít nhất khoảng 10 công an đứng canh chừng, theo dõi mọi hoạt động của bà.

Bà sợ sẽ có ngày họ tìm ra những sơ xuất và bắt bà bỏ tù. Bà cho biết mục đích của bà đến Campuchia là để tìm nơi lánh nạn một thời gian, chứ không có ý định xin tị nạn chính trị.

Phát ngôn viên tổ chức Liên minh Khmer Campuchia Krom tại Campuchia, nhà sư Thạch Bình nói rằng tổ chức ông ủng hộ những người dân oan khiếu kiện, và chỉ muốn thấy chính quyền giải quyết nguyện vọng của họ theo đúng pháp luật, chứ không đòi ly khai hay tự trị gì cả.

Giám đốc tổ chức nhân quyền Khmer Campuchia Krom tại Phnom Penh, ông An Chanrith cho rằng Campuchia không còn là nơi an toàn cho cộng đồng Khmer Krom, kể từ đảng Nhân dân của Thủ tướng Hun Sen nắm trọn quyền hành pháp vào năm 2008, và ngày càng thân thiết với Hà Nội.

Mặc dù hiến pháp thừa nhận tư cách công dân của cộng đồng Khmer Krom, nhưng tổ chức ông vẫn gặp khó khăn trong việc xin cấp sổ hộ khẩu cho những người này. Phải có sổ hộ khẩu họ mới hy vọng hội nhập dễ dàng vào đất nước Campuchia. Riêng đối với trường hợp bà Thạch Thị Bơ, tổ chức của ông An Chanrith vẫn tiếp tục giúp đỡ theo khả năng của họ.