Nguyễn Bình, thông tín viên đài RFA
Truyền thông Việt Nam loan báo vào ngày 9 tháng 11 rằng nhà sư gốc Khmer Nam bộ tên là Tim Sakhorn, bị mất tích ở Cambodia vào cuối tháng 6 vừa qua, nay bị tòa án sơ thẩm tỉnh An Giang kết án 1 năm tù về tội chống phá chính sách đoàn kết dân tộc. Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình như sau.
Theo báo điện tử Cần Thơ, phiên tòa sơ thẩm xét xử sư Tim Sakhorn, một nhà sư gốc Khmer Nam bộ bị mất tích ở Cambodia trước đây được mở vào ngày 8 tháng 11 vừa qua tại An Giang. Cũng theo báo điện tử này, sư Khorn đã có thái độ thành khẩn, hối lỗi. Cuối cùng hội đồng xét xử tuyên phạt ông 1 năm tù giam về tội chống phá chính sách đoàn kết dân tộc.
Tờ báo điện tử này trích dẫn cáo trạng của viện kiểm sát cho rằng sư Tim Sakhorn có những hoạt động như nhận tài liệu và tiền của tổ chức phản động lưu vong, để từ đó phát tán 500 tài liệu, 300 đĩa VCD với nội dung chống phá nhà nước Việt Nam và kích động bà con Khmer ở An Giang đi khiếu kiện, gây rối.
Một người dân có mặt tại phiên tòa này xin được dấu tên cho biết tại phiên tòa không có luật sư và nhân chứng, chỉ có 10 vị sư Khmer và khoảng trên 10 người dân thường đến ngồi nghe. Bản thân ông không hiểu vụ án này ra sao, nhưng ông bị chính quyền bắt đến ngồi nghe.
Nguyên nhân sư Tim Sakhorn có mặt ở Việt Nam
Bản cáo trạng của viện kiểm sát An Giang cũng giải thích nguyên nhân có mặt của sư Khorn ở Việt Nam là do vị sư này bị nhà nước Cambodia trục xuất và bị bắt tại đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang, khi đang vượt biên vào Việt Nam.
Điểm này rất phù hợp với cáo buộc trước đây của của các tổ chức nhân quyền cho rằng chính phủ Cambodia đã vi phạm hiến pháp trong việc trục xuất sư Tim Sakhorn sang Việt Nam. Còn Bộ Nội vụ Cambodia thì phản bác rằng chính quyền không hề trục xuất công dân ra nước ngoài.
Được biết sư Tim Sakhorn, chủ trì chùa Phnom Den thuộc tỉnh Takeo của Cambodia, bị lãnh đạo phật giáo nước này là Tăng thống Tep Vong và Tăng thống Nuon Nget buộc hoàn tục vào ngày 30 tháng 6 năm 2007, với cáo buộc phá hoại ban giao với Việt Nam.
Sau khi hoàn tục vị sư này bị đưa đi mất tích. Các tổ chức nhân quyền tại Cambodia lúc ấy cáo buộc Chính phủ đã trục xuất vị sư này qua Việt Nam, và cho rằng đây là hành vi vi phạm hiến pháp. Còn phát ngôn Bộ Nội vụ Cambodia, ông Khieu Sopheak thì cho rằng sư Tim Sakhorn viết thư xin tự nguyện về Việt Nam.
Đến ngày 1 tháng 8, truyền thông Việt Nam loan tin thừa nhận có tạm gian sư Tim Sakhorn, thì làn sóng chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và đảng đối lập lại hướng về Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam xâm phạm chủ quyền Cambodia một cách trắng trợn.
Trong lúc làn sóng chống đối Việt Nam ngày càng mạnh, thì thủ tướng Hun Sen của Cambodia bắt đầu thương lượng với ông Sam Rainsy, thủ lĩnh đảng đối lập và viết thư dâng lên cựu vua Sihanouk vào cuối tháng 9 vừa qua, biện minh rằng Việt Nam không có lỗi trong vụ mất tích sư Tim Sakhorn, mà thủ phạm lại là Liên minh Khmer Kampuchea Krom có trụ sở ở Mỹ. Ông Hun Sen còn cho rằng Liên minh Khmer Kampuchia có những hoạt động nhằm phá hoại ban giao giữa Cambodia và Việt Nam.
Bức thư của ông Hun Sen còn liệt kê tội trạng của sư Tim Sakhorn như tổ chức biểu tình theo mệnh lệnh của Liên minh Khmer Kampuchea Krom, quan hệ bất chính với phụ nữ. v.v... Nhưng theo các tổ chức nhân quyền, nếu những tội trạng này có thật thì cũng chỉ đủ lý do buộc sư Khorn hoàn tục, hoặc nặng hơn thì bị đưa ra xét xử tại Cambodia. Không đủ lý do để trục xuất qua Việt Nam.
Bức thư của ông Hun Sen giải thích sự hiện hữu của sư Khorn ở Việt Nam giống như tuyên bố của Bộ Nội vụ trước đây là sư này viết thư xin tự nguyện về Việt Nam. Nhưng lại nói khác với Bộ Nội vụ về không gian và thời gian.
Về điểm này, ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Cambodia tuyên bố vào ngày 2 tháng 7 rằng sau khi buộc hoàn tục ở thị xã Takeo vào khoảng 4 giờ chiều ngày 30 tháng 6, sư Khorn viết thư xin tự nguyện về Việt Nam. Còn trong bức thư của thủ tướng Hun Sen thì cho rằng sau khi buộc sư Khorn hoàn tục, chính quyền đến khám xét chùa Phnom Den ở huyện Kirivong, tỉnh Takeo, nơi sư Khorn làm chủ trì trước đây phát hiện thấy bức thư xin tự nguyện về Việt Nam được viết sẵn.
Bản cáo trạng đọc trong phiên tòa có nhắc đến tổ chức phản động lưu vong đã cung cấp tiền và tài liệu cho sư Khorn, nhưng không nói đích danh là tổ chức nào trong hàng chục tổ chức Khmer Krom ở nước ngoài. Đối chiếu với bức thư của thủ tướng Hun Sen và lời lẽ cáo buộc trước đây của chính quyền Việt Nam, thì tổ chức mà họ cho là phản động lưu vong ấy chắc chắn là Liên minh Khmer Kampuchea Krom.
Nhưng có điều lạ, cho đến nay chưa có một lãnh đạo nào của Liên minh Khmer Kampuchea Krom đang hoạt động tại Cambodia bị bắt đưa qua Việt Nam, chỉ có sư Tim Sakhorn mà cả 2 chính quyền Cambodia và Việt Nam điều cho rằng chỉ là người thừa lệnh, lại bị bắt và đưa ra xét xử.