Tòa án xử Khmer Đỏ gặp rắc rối với Thủ tướng Hun Sen

Tòa án xử Khmer Đỏ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại Campuchia đang gặp trở ngại khi đưa ra quyết định truy tô thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ.

Từ Phnom Penh thông tín viên Nguyễn Bình của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do gửi về bài tường trình như sau:

Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã có phản ứng mạnh mẽ vào ngày thứ Hai vừa qua, sau khi Tòa án xử Khmer Đỏ do Liên hiệp Quốc hậu thuẫn tuyên bố sẽ truy tố thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, thay vì 5 người như công bố trước đây.

Cảnh báo nội chiến

Phát biểu trên các kênh truyền hình của Campuchia vào ngày thứ Hai vừa qua, ông Hun Sen cảnh báo rằng quyết định truy tố thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, ngoài 5 người đã bị bắt có nguy cơ đưa đất nước này quay trở lại nội chiến. Và ông ước đoán sẽ có hàng trăm ngàn thường dân thiệt mạng do quyết định này.

Đồng thời ông Hun Sen cũng phản bác lời cáo buộc của giới quan sát cho rằng ông nhúng tay vào công việc của Tòa án xử Khmer Đỏ. Ông nói rằng việc ngăn chặn không cho truy tố thêm nhiều người chỉ nhằm mục đích bảo vệ hòa bình và hòa hợp dân tộc.

Ông kể lại những khó khăn trong việc lôi kéo các binh sĩ Khmer Đỏ về với chính phủ vào cuối thập niên 1990, và theo ông, những binh sĩ này sẽ quay trở lại bưng biền chiến đấu nếu như Tòa án xử Khmer Đó có những quyết định không đúng đắn.

Xuất hiện trên đài truyền hình vào ngày thứ Hai vừa qua, Thủ tướng Hun Sen còn nặng lời chỉ trích ông Chhang You, một chuyên gia ngiên cứu về Khmer Đỏ cho rằng ông nay “lộn xộn” khi ông Chhang You phát biểu với báo chí hàm ý ủng hộ việc truy tố thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ.

Ông Chhang You cũng là giám đốc trung tâm tài liệu Campuchia, chuyên nghiên cứu về chế độ Khmer Đỏ, một chế độ từng gây ra nạn diệt chủng khiến gần 2 triệu người dân Campuchia thiệt mạng trong gần 4 năm cầm quyền, từ năm 1975 – 1979.

Sau khi tòa án xử Khmer Đỏ được thành lập vào năm 2006 theo sự thỏa thuận giữa Liên hiệp Quốc và chính phủ Campuchia, thì có 5 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ bị bắt và quy trách về nạn diệt chủng, bao gồm ông Noun Chea, cựu Chủ tịch Quốc hội, ông Khieu Samphan, cựu Chủ tịch nước, ông Ieng Sary, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, bà Ieng Thirith, cựu Bộ trưởng các vấn đề xã hội và ông Kaing Kek Eav, hay còn gọi là Duch, cựu trưởng trại giam S-21 khét tiếng của Khmer Đỏ.

Hồi năm 2008, công tố viên quốc tế của của án xử Khmer Đỏ muốn truy tố thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, ngoài 5 người đã bị bắt, thì gặp sự phản ứng từ công tố viên bản xứ. Nhưng bà công tố viên Chea Leang của Campuchia giải thích khác với Thủ tướng Hun Sen. Theo bà, do thời gian hoạt động và kinh phí của tòa án có hạn nên không thể truy tố thêm nhiều người.

Sau đó, trung tâm tài liệu Campuchia của ông Chhang You mở cuộc điều tra xã hội học và công bố kết quả cho thấy trên 50% người dân Campuchia muốn thấy tòa án xử Khmer Đỏ truy tố thêm nhiều người.

Sau gần một năm bất đồng quan điểm, cuối cùng Tòa án xử Khmer Đỏ đưa ra quyết định sẽ truy tố thêm nhiều cựu lãnh đạo Khmer Đỏ theo đề nghị của các công tố viên quốc tế hồi tuần trước.

Nhưng sau khi có sự phản ứng của của lãnh đạo Phnom Penh, phát ngôn viên tòa án, ông Rach Sambath nói với báo chí địa phương rằng tòa án này không thể hoạt động nếu như không có sự ủng hộ của chính phủ sở tại.