Phỏng vấn Dân biểu Lars Rise về tình trạng 98 thuyền nhân Việt tại Philippine

Đằng Phong, phóng viên đài RFA

Vào cuối năm ngoái, Na Uy quyết định nhận cho định cư 98 thuyền nhân Việt kẹt ở Phillipine và có thân nhân tại Na Uy. Tháng tới, nhóm đầu tiên trong số đó sẽ lên đường sang Na Uy.

LarsRise-NVLy200.jpg
Dân biểu Lars Rise và Linh mục Nguyễn Văn Lý. Photo coutersy of www.lmvntd.org

Dân Biểu Lars Rise của Nay Uy, người quan tâm đặc biệt đến những vấn đề của Việt Nam, và cũng là người vận động việc này, đã dành cho phóng viên Đằng Phong đài Á Châu Tư Do chúng tôi cuộc phỏng vấn sau đây.

Đằng Phong: Trong vai trò của ông là một dân biểu của Na Uy, ông đã bỏ khá nhiều thời giờ để lo cho các việc có liên quan đến Việt Nam.

Ngoài việc đi đến Việt Nam thăm các vị đối kháng như ông đã từng làm vào năm 2001 và đã cố làm mới tháng vừa qua, hiện nay ông đang chú ý vào công việc đem 98 ngươì Việt Nam tị nạn tại Philippine về Na Uy cư trú. Ông có thể cho quý thính giả chúng tôi biết thêm về vấn đề này?

Lars Rise: Vâng. Sau gần 3 năm đấu tranh cho vấn đề này, chúng tôi đã đạt được một thành công to lớn và đã thắng được đa số phiếu thuận trong quốc hội Na Uy, ủng hộ việc đem 98 thuyền nhân Việt Nam hiện nay đang lưu vong tại Philippine về tị nạn tại Na Uy. Những người ngày đều có thân nhân tại Na Uy. Quyết định này đã được thông qua vì phe ủng hộ hơn phe chống được 3 lá phiếu vào lúc biểu quyết tháng 12 năm ngoái.

Sau đó Quốc Hội Na Uy đã quyết định thông qua một luật mới dành riêng cho trường hợp này vào tháng 6 vừa qua. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 10, và sau đó tôi hy vọng rằng các người tị nạn sẽ đến Na Uy ngay sau đó

Đằng Phong: Điều trở ngại lớn nhất của ông trong việc vận động này là gì?

Lars Rise: Trở ngại to nhất của tôi là đảng cực hữu và người bộ trưởng thuộc đảng này. Ông ấy đã chống việc này một cách quyết liệt. Và vì thế tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong công việc vận động vì tôi nằm trong một đảng khác mà thuộc cùng một liên minh với họ, và trên nguyên tắc thì chúng tôi phải luôn luông đồng ý với nhau. Cho nên tôi đã phải làm việc rất cực nhọc cùng với cô Trần Thị Diễm Kiều để vận động các dân biểu ủng hộ cho việc này.

Đằng Phong: Và trong lúc vận động các dân biểu khác thì ông có cảm thấy vấn đề sẽ khả thi không?

Lars Rise: Cho đến phút cuối, tôi cũng không biết kết quả sẽ như thế nào, và tôi đã rất bất ngờ khi được biết đã thắng. Tôi phải nói là sau 8 năm làm việc trong quốc hội, đây là lần đầu tiên tôi đã bật khóc sau khi nghe kết quả của một vấn đề nào đó vì quá vui mừng…

Sau khi được thông báo kết qua, các dân biểu đã phải biểu quyết một vấn đề khác, và trong lúc đó đôi mắt của tôi mờ quá tôi đã không đọc được mình đang phải biếu quyết cái gì. Nhưng tôi có nghe tiếng vỗ tay to lớn từ phía chuồng gà của các phái đoàn người Na Uy gốc Việt có mặt đông đủ tại Quốc Hội hôm đó để chờ đợ kết quả của sự biểu quyết.

Điều này rất hiếm xảy ra trong lịch sử của Na Uy. Tại Quốc Hội Na Uy đã nghe được tiếng vỗ tay vào năm 1998 khi Na Uy có được người nữ dân biểu đầu tiên, và trong dịp ông Nelson Mandela đến thăm… và tôi nghĩ đây là lần thứ ba mà tại Quốc Hội Na Uy đã có tiếng vỗ tay to lớn như vậy. Không khí vui mừng đó đã cho tôi một cảm giác tuyệt vời.

Đằng Phong: Vậy thì khi nào những người Việt Nam tại Philippine mới có thể sang Na Uy?

Lars Rise: Tôi hy vọng là trong vòng một vài tuần sau mùng 1 tháng 10, những người đầu tiên sẽ sang Na Uy. Đồng bào Na Uy sẽ đón nhận họ với tất cả tấm lòng. Tôi hy vọng rằng tất cả 98 người này sẽ có mặt tại Na Uy trước cuối nam nay.

Đằng Phong: Hiện nay tại Na Uy thì đã có một công đồng người Việt đáng kể rồi. Nhưng dù vậy ông đã vận động để đem thêm người Việt về Na Uy. Theo ông, thì người Việt Nam đóng góp được những gì cho xứ Na Uy?

Lars Rise: Những người Việt Nam là những con người tuyệt vời. Họ rất chăm chỉ và hăng say trong mọi công việc của họ. Người Việt Nam có thể làm gương cho người Na Uy, vì theo tôi bản tính của con người Na Uy hơi lười một chút.

Thêm nữa, người Việt Nam đóng góp rất nhiều trong việc phát triển nền kinh tế của Na Uy vì họ thường mở và phát triển những cơ sở kinh doanh. Mới hôm kia, tôi có đến các tiệm trong khu phố người Việt tại thủ đô Oslo, và tôi thấy các cơ sở kinh doanh này đều gọn đẹp, làm việc tốt, và có rất nhiều sáng kiến.

Và sau khi họ mở những cơ sở kinh doanh thì họ không đòi hỏi thêm gì cả. Theo tôi thì đáng lẽ người Việt Nam phải đòi hỏi thêm và có một tiếng nói mạnh hơn trong sân chơi chính trị của Na Uy.

Đằng Phong: Nhiều người Việt rất quý mến ông vì những nỗ lực đấu tranh của ông cho quyền lợi của con người Việt Nam khắp nơi. Ông có thể cho chúng tôi biết vì lý do gì mà ông lại chú ý đặc biết đến các vấn đề của Việt Nam?

Lars Rise: Sự chú ý đặc biệt của tôi đối với Việt Nam đã sinh ra từ sự quan tâm của tôi về nhân quyền của nhân loại nói chung. Tôi quan tâm đến Việt Nam vì tôi muốn giúp những người bị đàn áp, những người nghèo, v.v…

Chính tôi đã thấy được những điều này trong chuyến đi thăm Campuchia của tôi mới đây khi tôi đã đi gặp những người Việt Nam mà còn nghèo hơn những người nghèo khác trong vùng nữa. Chính tôi đã thấy được sự cực khổ của đời sống hàng ngày của người Việt Nam sống tại Campuchia, mà tôi đã kể cho anh nghe rồi. Tôi rất muốn Na Uy phải đóng góp thêm để giúp cho các người Việt Nam này.

Hơn nữa, tôi cũng rất muốn đóng góp vào việc đấu tranh cho người Việt Nam có được tư do và dân chủ. Hiện nay có đến 80 triệu người đang sống tại Việt Nam và hơn phân nửa là dưới 25 tuổi.

Ước vọng của tôi là làm sao để cho thế hệ này có thể có được đầy đủ những tự do hội họp, tự do chính trị, và tự do tôn giáo trong tương lai không quá xa. Đó là điều tôi rất hy vọng và mong muốn. Nhưng trên con đường đi tới mục đích này, chúng ta phải tiếp tục đóng góp bằng công việc nhân đạo để giúp những ai đang còn khốn khổ.

Đằng Phong: Ngoài ra những việc vừa kể, hiện nay ông có còn thực hiện những việc gì có liên quan đến Việt Nam mà ông có thể chia xẻ với quý thính giả chúng tôi không?

Lars Rise: Hiện nay tôi đang rất bận rộn trong việc lo toan cho những người tị nạn Việt Nam mà phần đông là đang sống tại Campuchia. Tôi đang làm việc với một số người Việt tại Na Uy để thành lập một tổ chức bất vụ lợi với mục đích là giúp những ngươì này. Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến tình trạng của những người Thượng ở vùng Tây Nguyên. Họ đã phải chạy trốn qua Campuchia vì sự đàn áp của chính phủ Việt Nam.

Đằng Phong: Và cuối cùng, xin ông cho biết ông sẽ tiếp tục làm những gì để sớm hình thành ước vọng của ông cũng như nhiều người Việt khắp nơi, là đem lại nhân quyền và tự do đến Việt Nam?

Lars Rise: Tôi thấy một điều chủ yếu mà tôi sẽ tiếp tục làm là ủng hộ những phe đối lập và những người đối kháng. Tôi đã giữ liên lạc với một số người đối kháng tại Việt Nam, và tôi phải nói là họ là những người cực kỳ can đảm.

Tôi rất vui khi tôi đã trao được cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ một số tiền của đồng bào Việt Nam tại Na Uy quyên gởi cho ông. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục khuyến khích các vị như Hoà Thượng Thích Quảng Độ và Linh Mục Nguyễng Văn Lý và giúp cho ho đem lại dân chủ đến đất nước Việt Nam.

Lúc này tôi rất ngại vì chương trình hồi hương những người Thượng trốn qua Campuchia trở về lại Việt Nam. Tôi mong họ sẽ được sự bảo vệ đúng mức và hy vọng là họ có đầy đủ nhân quyền. Những người Thượng bây giờ đang bị đàn áp, rất nhiều người bị bắt giam, và chúng ta không thể biết hết về mỗi trường hợp được. Vì thế tôi rất quan tâm. Tôi hy vọng thế giới và đặc biệt là Cao Ủy Tị Nan của Liên Hiệp Quốc sẽ chú ý nhiều về vấn đề này hơn nữa.

Đằng Phong: Thành thật cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Xin chúc ông nhiều may mắn trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.