Gia Minh, phóng viên đài RFA
Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc, UNDP, tại Việt Nam vừa qua đưa ra báo cáo cho thấy chỉ số phát triển con người của Việt Nam trong năm qua tăng 4 bậc. Thế rồi, theo một thăm dò của Ngân hàng Thế Giới, năm qua Việt Nam cũng là một trong 12 nước có tốc độ cải cách nhanh nhất thế giới.
Trước những đánh giá đó, Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam, về nhận định của ông. Trước hết ông cho biết:
Việt Nam được thừa nhận có tiến bốn bậc trong chỉ số phát triển con người là một điểm sáng cho thấy Việt Nam có tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo và y tế. Điểm đáng nói hơn là chỉ số này được xếp cao hơn GDP.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp dưới 100, và so với các nước chung quanh thì còn thấp, cho nên cần có những nổ lực tiếp tục để hoàn tất những mục tiêu về xoá đói giảm nghèo và những mục tiêu khác nữa.
Gia Minh: Cụ thể những việc sắp tới đây việc nào ưu tiên nhất?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Hiện cố gắng tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo, nhất là ở những vùng khó khăn. Triển khai các chuơng trình về y tế cộng đồng, phòng chống các bệnh có nguy cơ gia tăng, nhất là có trợ cấp y tế cho thiếu nhi.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Gia Minh: Có những trở ngại nào cần loại trừ để đạt được hiệu quả mong muốn?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Quan trọng nhất là phải chuyển các cố gắng đó đến cho người dân. Có nơi kinh phí xoá đói giảm nghèo chi tiêu không hết. Thế rồi phải kêu gọi sự tham gia của các tổ chức quần chúng và doanh nghiệp tư nhân, thông qua đấu thầu công khai minh bạch.
Gia Minh: Về mặt kinh tế có báo cáo của Ngân hàng thế giới nói Việt Nam đứng trong 12 nước có mức cải cách nhanh nhất trong năm qua, nhưng có ý kiến nói là tiến trong thế đứng yên, vậy nhận định của tiến sĩ ra sao?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Điều cần nói là báo cáo 'Doing Business' là nỗ lực của WB nhìn vào kinh tế vi mô, hoạt động của doanh nghiệp. Cách tiếp cận là đánh giá thực trạng các hoạt động tiến hành cải cách; có thể hoạt động nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Đó là trường hợp của Việt Nam.
Tức được xếp vào nước có nhiều nỗ lực cải cách; nhưng việc thực thi cải cách trong thực tế và thực trạng hoạt động kinh doanh còn thấp. Do đó đáng chú ý là làm sao cải cách hoạt động, thực thi pháp luật đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho doanh nghiệp.
Gia Minh: Xin cám ơn Tiến sĩ.