Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Đó là Tiến sĩ lê Đăng Doanh cố vấn cao cấp tại Bộ Kế Họach Đầu Tư. Chúng tôi dành trọn thời gian mục điểm báo trong nước trên mạng tuần này, để mời quí thính giả cùng đọc bài báo khá đặc biệt này.
Chúng tôi có dịp phỏng vấn ông Lê Đăng Doanh qua điện thọai hai lần, một lần vào cuối năm 2002 trong dịp Việt Nam chuẩn bị lộ trình miễn giảm thuế quan, thực hiện thỏa thuận khu mậu dịch tự do Asean.
Lần sau vào thời gian thủ tướng Phan Văn Khải viếng thăm Hoa Kỳ, khi ông từi Hà Nội trả lời chúng tôi về con đường chông gai mà Việt Nam đối đầu trên thực tế, cho dù TT Hoa Kỳ George W Bush cam kết ủng hộ việc Việt Nam tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.
Qua điện thọai ông Lê Đăng Doanh thể hiện một phong cách hết sức điềm đạm, lịch thiệp và sự tự tin vào những hiểu biết rộng rãi của ông. Một điều mà nhiều người cho rằng, hiếm thấy ở các cán bộ cao cấp của Việt Nam.
Hội thảo tổng kết 20 năm Việt Nam đổi mới
Trở lại bài báo trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tác giả Lê Đăng Doanh trình bày những nét đặc biệt về cuộc hội thảo tổng kết 20 năm Việt Nam đổi mới, với sự tham dự của nhiều nhân vật tên tuổi trong ngoài nước.
Phiên bế mạc hội thảo được tổ chức vào ngày 1-7 tại thủ đô Hà Nội. Ông Lê Đăng Doanh đã trích nhận định của giáo sư Robert Wade, nhân vật nổi tiếng của Đại Học Kinh Tế Luân Đôn, để làm khai từ cho bài viết của mình ‘chúng ta nhất trí với nhau nhiều quá và dễ dàng quá.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, một nhà nước muốn hoàn thành được vai trò cần thiết của mình phải là nhà nước như thế nào?
Xem toàn bộ bài báo, chúng tôi hiểu rằng đây là một lời cảnh báo, vì cuộc hội thảo đưa ra những nan đề liên quan tới vai trò tích cực của nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu hóa, sự bất bình đẳng và nguy cơ trong tương lai, cũng như vấn đề vốn để tăng trưởng.
Đối với vai trò tích cực của nhà nước, tác giả Lê Đăng Doanh ghi nhận từ cuộc hội thảo rằng: Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, một nhà nước muốn hoàn thành được vai trò cần thiết của mình phải là nhà nước như thế nào?
Mô hình nào cho sự phát triển?
Trường hợp Hàn Quốc, Đài Loan, để lọt vào được số rất ít nền kinh tế đã thoát được nghèo đói, cho thấy vai trò của nhà nước đến đâu! Trường hợp của Nigeria, rất giàu dầu lửa song nhà nước lại rất tư lợi, tham nhũng, kém hiệu năng thì nhà nước càng can thiệp lại càng có hại!
Vậy thì, theo ông Lê Đăng Doanh can thiệp để tăng trưởng bền vững, xã hội hài hoà đòi hỏi nhà nước phải có những tố chất tối thiểu nào về năng lực, phẩm chất, hiệu quả?
Ông Lê Đăng Doanh tiếp tục nhấn mạnh tới câu hỏi rằng có mô hình nào cho sự phát triển của Việt Nam không? Và ông trích lời Tiến sĩ Borje Ljunggren, nguyên đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nay là đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc, dứt khoát cho rằng quá trình phát triển của Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam nhiều bài học chứ không thể nào là hình mẫu cho Việt Nam, vì bản thân Trung Quốc cũng đang đứng trước những mâu thuẫn phát triển của mình.
Ông Lê Đăng Doanh tỏ ra khéo sàng lọc các vấn đề quan trọng để đưa vào bài báo với cách tường thuật dồn dập của mình. Theo đó Tiến sĩ John Shrimpton thuộc Công ty đầu tư tài chính Dragon Capital đã nêu lên nhận xét: ở Việt Nam rất may chưa hình thành những khối quyền lực truyền thống có tính gia đình trị như ở Thái Lan và Philippines, cũng chưa có những tài phiệt bất động sản như ở Hong Kong hay các chaebol (tập đoàn gia đình gắn với quyền lực) như ở Hàn Quốc. Nếu những khối quyền lực lũng đoạn này hình thành thì cả chính quyền lẫn thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
Và bây giờ thì mới tới lúc tác giả Lê Đăng Doanh đưa ra nhận xét của riêng mình ông viết: thật là một nhận xét sắc sảo! Vấn đề phải làm rõ là làm cách gì để ngăn chặn sự xuất hiện của những khối siêu quyền lực này?
Bài học gì?
Bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ ưu tú nhất của đất nước Việt Nam này đã ngã xuống để mong mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân chứ có phải để đem lại sự vinh thân phì gia của một số trọc phú quá tham vọng đâu! Và ông đặt vấn đề bài học gì đây về luật pháp, về dân chủ để tránh cho được những gương tày liếp ấy?
Theo ông Lê Đăng Doanh, bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ ưu tú nhất của đất nước Việt Nam này đã ngã xuống để mong mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân chứ có phải để đem lại sự vinh thân phì gia của một số trọc phú quá tham vọng đâu! Và ông đặt vấn đề bài học gì đây về luật pháp, về dân chủ để tránh cho được những gương tày liếp ấy?
Thật là vừa mừng lại vừa lo, ông Lê Đăng Doanh vừa nhận xét vừa đặt câu hỏi có thật là luật pháp và thể chế của Việt Nam đã đủ mạnh để loại trừ được những khối quyền lực gia đình lớn hay nhỏ này trong qui mô công ty hay trong qui mô xã hội hay chưa? Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là điều rất đáng suy nghĩ.Và rất không nên đơn giản nhất trí rằng Việt Nam đã tốt cả rồi.
Trong bài báo trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ông Lê Đăng Doanh viết, để tăng trưởng và phát triển, Việt Nam cần rất nhiều vốn và nguồn vốn ấy phải được tạo ra từ thị trường vốn chứ không thể trông cậy mãi vào nguồn viện trợ phát triển (ODA) hay phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo ông Lê Đăng Doanh có thể dự báo chắc chắn rằng ODA cho Việt Nam không thể tiếp tục tăng vô tận, và để tăng trưởng và phát triển Việt Nam phải tạo ra nguồn vốn từ các kênh huy động vốn theo cơ chế thị trường.
Sự lũng đoạn
Thế nhưng, phải quản trị công ty như thế nào để mọi người dân có thể góp vốn mà không bị các thế lực lũng đoạn lợi dụng hoặc chèn ép? Ông Lê Đăng Doanh cho rằng Đây là câu hỏi rất nghiêm túc liên quan đến pháp luật và thực thi pháp luật, đến bình đẳng về việc cất tiếng nói, đến công khai minh bạch để tạo ra niềm tin của người dân sẵn sàng bỏ vốn tham gia các công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Lê Đăng Doanh dẫn chứng một thực tế, thị trường chứng khoán của Việt Nam còn quá nhỏ bé. Có nhiều lý do làm chậm sự phát triển thị trường này, trong đó có nguyên nhân sâu xa về quản trị công ty.
sự lũng đoạn của một số thế lực không muốn công khai minh bạch và lộ diện đã không cho phép các công ty vốn đang có rất nhiều tiềm năng tham gia thị trường chứng khoán.
Theo ông Lê Đăng Doanh rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa về danh nghĩa và hình thức có đầy đủ lệ bộ, nào là hội đồng quản trị, nào là ban giám sát nhưng không dám làm cáo bạch, không dám để kiểm toán và không dám ghi danh... mà theo ông Doanh, chỉ vì các thể chế trên chỉ tồn tại trong hình thức.
Trong bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tiến sĩ Lê Đăng Doanh viết rằng, sự lũng đoạn của một số thế lực không muốn công khai minh bạch và lộ diện đã không cho phép các công ty vốn đang có rất nhiều tiềm năng tham gia thị trường chứng khoán.
Theo ông Doanh, chi tiết có vẻ kỹ thuật này, tùy thuộc khả năng và phẩm chất quản trị công ty, lại liên quan đến những vấn đề rất cơ bản của xã hội như quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ, quyền được thông tin và giám sát các quyền lực ở các nấc thang khác nhau.
Ông Lê Đăng Doanh nhận định rằng, đúng như GS Robert Wade đã thốt lên một nhận xét chân thành, đầy trách nhiệm khoa học: Trước những vấn đề phức tạp như vậy, khó khăn như vậy mà tranh luận ít như thế rồi đi đến nhất trí ngay là rất nguy hiểm!
Cần phải tranh luận nhiều hơn nữa
Bạn nghĩ gì về nhận xét này của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Theo ông Doanh, cần phải tranh luận với nhau nhiều hơn nữa, lật đi lật lại vấn đề sâu sắc hơn, mổ xẻ đến tận bản chất, căn nguyên của các giác độ, các cách tiếp cận khác nhau trước khi nhất trí với nhau về từng điểm.
Âu đó cũng là một bài học về phẩm chất và trình độ của nhà khoa học và cũng là thước đo cho chất lượng một cuộc thảo luận! Không phải cứ nhất trí cao một cách hời hợt mà đã là thành công tốt đẹp!
Thưa quí thính giả sau khi xem được bài báo trên Tuổi trẻ Chủ Nhật bản điện tử ngày 11-7-2005, mà chúng tôi vừa đọc hầu quí thính giả. Chúng tôi có điện thọai tới văn phòng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tại Hà Nội, để hỏi rằng ông có ngụ ý cảnh báo điều gì không trong bài viết của mình.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ chối trả lời câu hỏi một cách lịch thiệp, ông nói rằng chỉ muốn trình bày các sự kiện trong cuộc hội thảo tổng kết 20 năm đồi mới đất nước với người đọc, đơn giản là như vậy.
Mục đọc báo trong nước trên mạng Internet tuần này kết thúc ở đây, Nam Nguyên thân chào quí thính giả.