Những dấu hiệu đáng phấn khởi
Hồi năm 1993, tại Việt Nam chỉ có trên 5% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế, đến năm rồi đã có hơn 46% hưởng ứng chương trình an sinh xã hội này.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu tóm lược về sự kiện xã hội này liên quan đến mấy chục triệu người dân trong nước, hiện giờ.
Ban Bí Thư đánh giá là trong thời gian trên một chục năm qua, người dân nghèo, cũng như các đối tượng được hưởng chính sách xã hội đã được chánh phủ trích ngân sách để mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhờ đó mà việc cậy nhờ vào các dịch vụ y tế của các đối tượng có thu nhập thấp, hoặc không có lợi tức, đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây
Góp ý với Đài chúng tôi, khi trình bày những điểm tích cực của chương trình bảo hiểm y tế, Tiến sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng Văn Phòng Đại Diện WHO tức Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trụ sở ở Hà Nội, nhấn mạnh như sau:
<i>Theo những gì tôi biết rõ, và khi đi thăm để tìm hiểu thực tế, thì chương trình bảo hiểm y tế được 40% người cả nước ủng hộ. Và đây là một dấu hiệu đáng phấn khởi, đi đúng phương hướng.</i>
Tiến sĩ Jean Marc Olivé
TS Jean Marc Olivé : Bắt đầu từ thập niên 1990 nhà nước Việt Nam đã đầu tư những ngân khoản quan trọng hầu nâng cấp mạng lưới ý tế, đặc biệt chú trọng đến công tác chăm sóc miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới cùng nhiều cơ quan quốc tế khác đã được tham khảo và phối hợp với chính phủ Việt Nam để thành lập chương trình bảo hiểm y tế và an sinh xã hội với những quy định, luật lệ cụ thể nhằm phục vụ người dân hữu hiệu hơn.
Theo những gì tôi biết rõ, và khi đi thăm để tìm hiểu thực tế, thì chương trình bảo hiểm y tế được 40% người cả nước ủng hộ. Và đây là một dấu hiệu đáng phấn khởi, đi đúng phương hướng.
Nhược điểm cũng không thiếu
Tuy nhiên, theo báo chí và dư luận trong nước thì chương trình này vẫn còn rất nhiều điều yếu kém và lắm hạn chế, như tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế chưa chiếm đa số trong cả nước. Ngoài ra, thái độ phục vụ của nhân viên y tế các cấp cũng như về phía nhân viên hành chánh, quản lý còn gây nhiều điều phiền hà, khó chịu cho người bệnh hay thân nhân họ.
Những yếu tố và nhược điểm đó cũng được tiến sĩ Jean Marc Olivé nhắc tới, khi ông nói:
TS Jean Marc Olivé : Quả thật là nơi vùng xa xôi hẻo lánh thì người dân ở đó còn thiếu rất nhiều phương tiện chăm sóc sức khoẻ và khó tiếp cận với mạng lưới y tế công cộng. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự quá tải tại các bệnh viện cấp quận - huyện, cấp tỉnh, vì từ thôn ấp làng xã dân chúng không được chăm lo đúng mức cho nên họ phải tìm cách chạy chữa ở cấp cao hơn.
Theo tôi thì vấn đề này là một thách thức, một trở ngại lớn đối với ngành y tế vì không thể nới rộng kích thước sẵn có của các bệnh viện công tại các địa bàn cấp huyện, tỉnh hay là thành phố. Hơn nữa, việc kiện toàn hạ tầng cơ sở cũng như thiết bị y khoa là điều đòi hỏi nhiều thời gian, tiền của, nhân lực và sự quyết tâm từ cấp trung ương cũng như địa phương.
<i>Quả thật là nơi vùng xa xôi hẻo lánh thì người dân ở đó còn thiếu rất nhiều phương tiện chăm sóc sức khoẻ và khó tiếp cận với mạng lưới y tế công cộng. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự quá tải tại các bệnh viện cấp quận - huyện, cấp tỉnh</i>
Tiến sĩ Jean Marc Olivé
Một nữ bác sĩ Việt Nam, BS Oanh, hiện phục vụ tại Bệnh Viện Chợ Rẩy (Sài Gòn), cũng nhìn nhận là chương trình bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập khó tránh khỏi, nhất là đối với người nghèo khó, hay nơi vùng thôn quê hẻo lánh.
BS Oanh : Cũng có đúng đó anh, tại bây giờ người già cũng có, người nghèo cũng có. Nó chỉ đúng một phần thôi. Cái đó chỉ đúng với những người nào có tiền, vì anh có tiền là anh có quyền tham gia bảo hiểm y tế thôi.
Nó hơi hạn chế một cái là mua bảo hiểm y tế ở trạm y tế thì không có đủ phương tiện, thuốc men, còn nếu mua bảo hiểm y tế tại bệnh viện thì được đầy đủ hơn. Nhưng mà bởi vì số người nghèo với lại người già thì chỉ có mua bảo hiểm y tế ở trạm y tế thôi, thành ra cái thuốc men phục vụ không đủ đâu.
Thiệt thòi vẫn là vùng hẻo lánh và người nghèo
Còn người dân thường được hưởng theo chính sách xã hội của nhà nước thì có suy nghĩ gì, mới quý vị nghe tâm tình của ông Duy, một công chức đã từng phục vụ nhiều chánh quyền, nhiều chính thể, từ thời Pháp thuộc về sau:
Ông Duy : Có bảo hiểm y tế thì vẫn là có bảo hiểm y tế thế nhưng mà có khám được bệnh không và có chữa được bệnh không thì đó là một việc khác, chứ có phải là có bảo hiểm y tế là chữa được bệnh đâu. Người nông dân thì đa số là không có bảo hiểm y tế, vì vậy thời bây giờ người ta đang khuyến khích là người nông dân cũng mua bảo hiểm y tế.
<i>Nó hơi hạn chế một cái là mua bảo hiểm y tế ở trạm y tế thì không có đủ phương tiện, thuốc men, còn nếu mua bảo hiểm y tế tại bệnh viện thì được đầy đủ hơn. Nhưng mà bởi vì số người nghèo với lại người già thì chỉ có mua bảo hiểm y tế ở trạm y tế thôi, thành ra cái thuốc men phục vụ không đủ đâu.</i>
<i>Bác sĩ Oanh<br/> </i>
Cái mua bảo hiểm y tế của họ là mỗi một tháng vài chục nghìn đồng thì làm sao mà đi khám bệnh để mà có thuốc để mà chữa được? Thế cho nên là nếu nói về con số thì có thể là số người có bảo hiểm y tế thì cũng khá nhiều đấy, nhưng mà họ được đi khám bệnh ra làm sao, họ có được phát thuốc không, thì đấy lại là vấn đề khác. Hai vấn đề đó nó khác nhau một trời một vực đấy (cười).
Các báo trong nước đặt vấn đề là muốn cải tiến dịch vụ dành cho chương trình bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, thì cần phải đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là cần ưu tiên tập trung vào các đối tượng nông dân, người cận nghèo, sinh viên, học sinh.
Các cơ quan chức năng, phần hành có trách nhiệm thì cần nhanh chóng khắc phục và sớm xoá bỏ tình trạng không tham gia hay nợ đóng bảo hiểm xã hội từ phía các doanh nghiệp.
Mặt khác, ngành y tế Việt Nam cũng cần phải tổ chức việc khám bệnh, chữa bệnh tốt hơn nữa, phát triển mạng lưới khám bệnh đến vùng sâu - vùng xa, đáp ứng nhu cầu tại các địa phương hẻo lánh, đồng thời xét hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc diện cận nghèo.