Soi sáng cách mạng công nghệ bằng tư tưởng Marx: Cuộc đấu tranh giai cấp 4.0

Tại sao lại là cách mạng công nghệ 4.0?

Trước hết, theo định nghĩa của các học giả, “cách mạng công nghệ” hàm chứa một sự thay đổi vô cùng to lớn, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật một cách toàn diện.

Ba cuộc cách mạng công nghệ lớn của lịch sử loài người đã từng bước đưa nhân loại đến với một cuộc sống ngày càng tinh vi và hoàn thiện hơn. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước. Lần thứ hai, từ 1870, loài người phát minh ra động cơ điện. Điện thoại, Internet mà con người đang được sử dụng ngày nay chính là thành quả từ cuộc cách mạng lần thứ 3, từ 1969, con người phát minh ra điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau.

Và bây giờ, cách mạng công nghệ 4.0. Năm 2013, nước Đức là quốc gia đầu tiên sử dụng cụm từ này trong một báo cáo đề cập đến tương lai thế giới sẽ không cần dùng sức lao động của con người nữa, thay vào đó là những robot hoàn toàn được điều khiển bằng lập trình điện toán.

<i>Marx không có chỗ đứng trong một Hội nghị về khoa học. -TS Hà Sĩ Phu</i>

Mỗi một ngày, qua các bản tin về công nghệ kỹ thuật mới, có thể thấy thế giới đang dần tiến đến một xã hội mà trong đó, con người chỉ có “bấm nút ra hiệu lệnh”, chỉ cần đưa suy nghĩ của mình đến vật thể khác để thực hiện thay.

Với tất cả những định nghĩa chung ấy, thì trong cuộc chạy đua tiến lên cách mạng 4.0 cùng với thế giới, Việt Nam quyết định sử dụng dùng ngọn đuốc tư tưởng Mác để soi sáng, có phù hợp hay không?

Khập khiễng

Trả lời cho vấn đề này, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt nêu lên quan điểm của ông một cách khá mạnh mẽ.

“Đứng về mặt này thì ông Marx là ông dốt hoàn toàn. Không biết gì về khoa học cả. Nhân loại này tiến bộ là do nó tự sinh hoạt rồi nó tự cọ xát giữa các mặt đối lập và nó tự tìm đường của nó, chứ không có ai dám nghĩ ra 1 cái học thuyết cho nhân loại này cả.”

<i> <i>Đứng về mặt này thì ông Marx là ông dốt hoàn toàn. Không biết gì về khoa học cả. Nhân loại này tiến bộ là do nó tự sinh hoạt rồi nó tự cọ xát giữa các mặt đối lập và nó tự tìm đường của nó, chứ không có ai dám nghĩ ra 1 cái học thuyết cho nhân loại này cả. - TS Hà Sĩ Phu</i> </i>

Loài người, theo phân tích của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, loài người là một thể sống tự tiến hoá và vạch đường đi. Trên cơ sở đó, nhân loại rút ra các bài học và dần tiến hoá đến một xã hội ngày một cao hơn.

Động lực phát triển lịch sử theo bản chất của nó là sự thoả mãn của nhân loại về các nhu cầu của vật chất. Các nhu cầu ấy là bệ đỡ cho các cuộc cách mạng công nghệ từ lần thứ nhất đến nay. Thế nhưng, trong chủ nghĩa Mác – Lê từng tuyên bố rằng “Đoạn tuyệt 1 cách triệt để với các giá trị truyền thống.”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu hoàn toàn phản đối tư tưởng này. Ông cho rằng con người vốn dĩ tiến được từ chỗ thấp đến chỗ cao là do tích luỹ và gia tăng trí tuệ. Bản năng này chỉ có ở con người.

“Động vật không có. Vì động vật thì những kết quả thu được do bố mẹ không thể truyền được cho thế hệ sau. Nhưng ở loài người có ngôn ngữ, có tiếng nói, có chữ viết, nên kết quả của thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau. Cho nên thế hệ sau đứng được trên vai thế hệ trước để đi tiếp.

Định luật to nhất của Marx: Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội là đã bậy rồi.”

Với lý thuyết của Marx, “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội”. Nhưng với bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp ngày nay, động lực để phát triển xã hội là nhu cầu của sự hiện đại hoá, tối giản sức lao động của con người.

Suy diễn

Hơn thế nữa, trong sự tiến hoá của nhân loại không thể không đề cập đến giáo dục, nền tảng cơ bản tạo ra sự phát triển của loài người và xã hội. Tuy Marx là một học giả của thế kỷ 19, nhưng theo bài phân tích của nhà Triết học người Úc Peter Singer, cũng là Giáo sư khoa Đạo Đức Học ở Đại học Princeton, Melbourne nêu rõ về tư tưởng Marx, do nhà biên dịch Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ: "Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn: Cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người."

“Bài học quan trọng nhất rút ra từ quan điểm của Marx về lịch sử là một bài học tiêu cực: sự tiến hóa của các tư tưởng, tôn giáo, và các thể chế chính trị không độc lập với những công cụ mà chúng ta dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng không độc lập với những cấu trúc kinh tế mà chúng ta tổ chức xoay quanh những công cụ ấy, hay với những lợi ích kinh tế mà chúng tạo ra.”

Cũng đồng quan điểm, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đã có những sự kết hợp không còn tương thích trong dòng chảy của lịch sử.

“Những vấn đề mà Marx đưa ra như lý thuyết thặng dư có giá trị sai lạc và phát triển thực tế ngày nay đã ra ngoài những gì Marx đã nghĩ tới, đã kiên định. Theo tôi lý thuyết Marx là 1 lý thuyết của thế kỷ 19. Qua thế kỷ 20 đến thế kỷ 20, những điều Marx đã sử dụng không còn ý nghĩa nữa. Những nghiên cứu về vô sản không còn giá trị nữa. Vì theo tôi nghĩ đâu phải công nhân mới là vô sản. Những người tri thức, học hành không có tài sản nhiều cũng là vô sản nhưng đây là những người có đầu tư về trí tuệ, họ có vốn liếng trí thức của mình.

Trong xã hội này, vốn trí thức rất là quan trọng.”

<i> <i>Những vấn đề mà Marx đưa ra như lý thuyết thặng dư có giá trị sai lạc và phát triển thực tế ngày nay đã ra ngoài những gì Marx đã nghĩ tới, đã kiên định. - GS Nguyễn Đăng Hưng</i> </i>

Như thế, nếu tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Mác trong thời đại ngày nay để phù hợp với cách mạng khoa học công nghệ thì kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đó là sự suy diễn hoàn toàn và không dựa vào bất kỳ một logic khoa học nào cả.

“Mỗi thời kỳ có 1 lý luận của nó với những dữ kiện mới về khoa học kỹ thuật, về tiến hoá xã hội. Không thể suy diễn 1 lý thuyết cổ lổ sĩ qua thế kỷ 20 rồi, bây giờ đến thế kỷ 21, với 1 công nghệ mới hoàn toàn nằm ngoài cái mà Marx đã biết. Bây giờ mà sử dụng nó thì tôi nghĩ là một phép màu mà chỉ có những người thích suy diễn theo ý mình mới làm được.”

Khẳng định sự tương thích hay không, thuận hay nghịch về quan điểm soi sáng cách mạng công nghệ 4.0 bằng tư tưởng của Marx, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói rằng theo ông, "Marx không có chỗ đứng trong một Hội nghị về khoa học."

Và câu hỏi đặt ra, nếu lý thuyết Marx được sử dụng để soi sáng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì phải chăng sẽ có cuộc đấu tranh giai cấp 4.0, giữa một bên là con người và một bên là “người” nhân bản?