Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 30.1.2009)

Hôm nay, mồng Năm Tết Kỷ Sửu, Thanh Trúc biết bên nhà vẫn còn Xuân, dễ chừng nhà nhà còn vui Tết đến hết mùng Mười âm lịch.

0:00 / 0:00

Và RFA tự hào không thiếu vắng một ngày phát thanh nào trong suốt 365 ngày qua cũng như trong năm ngày rất mới của tân niên.

Chúc Năm Mới!

Đến hôm nay, những lời chúc Tết của Thính Giả vẫn tiếp tục bay đến Washington DC, mang hơi ấm của xuân bên nhà về với ngày đông xứ người.

Thính giả Lê Hải gởi cho RFA nhạc phẩm Đón Xuân Sang do ông sáng tác với lời nhắn: "Sang năm Kỷ Sửu tôi đã 79 tuổi, già rồi lại nhớ tới xuân xưa, đến những cái Tết thời thơ ấu trên quê hương thưở thanh bình."

Thưa ông Lê Hải, Ban Việt Ngữ RFA cảm ơn ông thật nhiều!

Những vị khác, giáo sư Lân Tuất từ nước Nga, quí ông Nguyễn Xuân Lai, Nguyễn Công Bằng, Trần Hội, người đã nhắc tên từng thành viên trong ban.

Rồi thì quí ông Nguyễn Nam, John Nguyễn, Phạm Minh Thăng, Trần Mạnh Tường, bạn trẻ Lâm Anh… tất cả đều cho chúng tôi những lời chúc ân cần tốt đẹp và chân tình.

Xem hình ảnh và âm thanh Sài Gòn đón chào năm mới 2009

Xem hình ảnh và âm thanh Sài Gòn đón chào năm mới 2009Opens in new window ]

Đa tạ quí vị. Xin ghi nhận những lời chúc nồng ấm của quí vị và cũng xin chúc qú vị một năm mới an khang hạnh phúc và thảnh đạt.

Chia sẻ với RFA

Chào bạn Thanh ở thành phố Hồ Chí Minh, RFA đang có trong tay bài viết của bạn về những bức xúc bạn muốn chia sẻ. Bạn nói về xăng dầu, về người lao động, về điện nước và than, về chuyện bạn gọi là trên bảo dưới không nghe…

Những điều Thanh cảm nhận và viết xuống thật quá quí đối với RFA, vì đó là suy tư của người thường nghe đài và thường băn khoăn trước thực trạng kinh tế khó khăn cũng như vật giá chực chờ leo thang ở bên nhà.

Thưa thính giả Roger Phan, rõ ràng ông từ ngoài này về thì không có gì bảo đảm là ông có thể nghe được RFA dễ dàng. Lại nữa, ông viết cho RFA qua yahoo, do đó Thanh Trúc không chắc ông sẽ nhận được bản tin kèm proxy vượt tường lửa đài gởi về đâu ạ.

Thưa vị thính giả ký tên Lý Long, RFA đang coi lại vấn đề ông nêu là trang nhà của RFA chiếm hơn 50% CPU usage của PC, và nếu chạy thêm window media player để nghe thì cả hai chiếm khoảng 2/3 CPU usage, vì thế máy chạy rất chậm khi dùng các ứng dụng khác. Mặt khác.

Thưa ông, ban kỹ thuật RFA không thể bỏ bớt những phần không cần thiết trên trang nhà RFA/Vietnamese để bớt phần CPU usage của PC. Mọi kỹ năng giúp truy cập nghe và đọc trên website ban Việt Ngữ đều cần thiết cho thính giả và độc giả. Cảm ơn ông đã góp ý.

Chúng tôi đã nhận email của thính giả Nguyễn Toàn, Bùi Diễn, Uông Frank. Cảm ơn quí vị.

Sách mới về ông Hồ

Thưa quí thính giả Hoàng Anh ở Ba Lan, Nguyễn Josef, Phan Văn Chơn, hỏi về video clip và cuốn sách của Dương Thu Hương viết về đời thật của ông Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, đoạn video clip liên quan phát trên website của RFA là qua AFP courtesy. Thứ hai, quyển sách về đời thật ông Hồ của tác giả Dương Thu Hương đã in và đã xuất bản nhưng chắc một điều là người ở trong nước sẽ không mua được.

Cho phép Thanh Trúc gợi ý là quí vị thử truy cập để đọc tác phẩm đó trên Net, thí dụ Việt Nam Thư Quán chẳng hạn….

Video: Chuyện đời thật của ông Hồ?

AFP Video/Nguyễn An chuyển ngữ

Cũng xin nói thêm với quí vị rằng Dương Thu Hương không phải là một nhà nghiên cứu sử, mà là một nhà văn, nên dù có dựa trên thực tế, thì cuốn “Đỉnh cao chói lọi” ấy của bà cũng không thể coi là tiểu sử của ông Hồ theo nghĩa chính xác và khách quan được.

Chúng tôi sẽ điểm cuốn sách này trong tương lai gần. Mong quí thính giả đón nghe.

Thư qua, Thư về

Thưa thính giả Victor Lu ở Nam Kinh, Trung Quốc, cảm ơn ông đã cố viết tiếng Việt cho RFA. Thanh Trúc đoán không lầm thì ông muốn nói rằng ông nghe đài với âm thanh rất tốt, rằng RFA giúp ông thêm kiến thức và giúp ông tập nói rành tiếng Việt?

Nếu đúng thì đến lượt RFA cảm ơn ông đấy. Kính chúc sức khỏe.

Thính giả Vĩnh Liêm, cám ơn ông đã theo dõi từng bài phóng sự của RFA về những kiếp đời lao động xuất khẩu Việt Nam qua các nước, để rồi thương cảm viết ra bài “Kiếp Trâu Kiếp Người”, đề tặng các anh chị em lao động Việt Nam khắp thế giới. Bài thơ có bảy đoạn, xin phép trích đọc đoạn đầu và đoạn cuối :

Tôi là kiếp con trâu từ muôn thưở!
Mở mắt ra, người ta gọi là trâu.
Phận làm trâu, tôi chẳng biết buồn rầu ,
Vì trâu chỉ biết nhai, không biết khóc

Lương chết đói thì làm sao đủ sống
Tiền mối manh cứ đe dọa hàng ngày
Xác thân tàn chẳng thấy được tương lai
Trâu đã đói mà con người cũng đói,
Thảm thương quá, không còn gì để nói.

Thưa ông rất nhiều người đã nghe những bài về lao động Việt tại nước ngoài, nhiều người bảo với Thanh Trúc họ đã khóc đã ứa nghẹn khi nghe tới. Vâng, họ là thính giả trong và ngoài nước. Kính thư.

Thôi để xua tan không khí u buồn khi nghĩ về người lao động của mình ở những nước ho đi tha phương cầu thực, Thanh Trúc mời quí vị nghe lời nhắn của thính giả Nguyễn Tấn Hưng gọi về từ biển xa Bắc Âu:

“Đọc thư ngài Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm "tài trợ và hỗ trợ kinh phí đ ể các thầy, cô giáo... có một cái Tết ít thiếu thốn hơ n ngày th ường, có được mâm cơ m đ ể cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chư ng, bánh tét ăn ngày m ồng Một Tết".

Mình thấy bất nhẫn quá, cô thầy giáo có phải là ăn mày đâu mà đi xin kỳ cục vậy.

Trong khi ngoài trời đầy tuyết mình ngồi trong phòng nghe Kịch Táo Quân của các bạn hay quá, mình nghe đi nghe lại mấy lần, lần nào cũng cười và cười xong rồi lại ngậm ngùi tội cho dân và thương cho đất nước mình quá.

Năm nay anh chị em trong ban Việt Ngữ RFA lên tận tận thiên cung, trình tấu rất rõ ràng, hy vọng sang năm trời sẽ ban phước lành cho dân tộc Việt Nam mình hết nghèo và hết đau khổ.

Các bạn là biên tập viên, là phóng viên mà người nào cũng có máu văn nghệ cùng mình, xin bái phục.

Mấy năm nay nhờ có RFA chia xẻ vui buồn, mình hổng thấy cô đơn trong những tháng ngày lênh đênh. Cám ơn các bạn bạn rất nhiều.. Năm hết tết đến mình cầu chúc toàn ban Việt ngữ RFA được dồi dào sức khoẻ, thành công và tràn đầy hạnh phúc.”

Bạn trẻ Ernest Nguyễn ở Paris, viết cho RFA:

“Chau dang o nha voi Bo Me chau tai Paris.Chau rat thuong nghe cac buoi phat thanh cua cac Chu cac Bac va chau thuong nghe cac Bac cac Chu hay dung danh tu: GOI thau, GOI kich cau.

Danh tu GOI chau khong hieu nen chau da hoi Ba Me chau y nghia cua chu GOI thi duoc Ba me chau giai thich la LO^. Ty nhu LO dat A, LO^ dat B v;v...

Duoc Cha me giai thich nhu vay chau khong dam cai nhung chau co hoi lai la neu la "mieng dat" hoac la LO^ dat thi phai goi lra sao ? GOI DAT chang !
Rat mong cac Chu cac Bac giai thich cho chau danh tu LO^ dat co the dung la GOI dat khong?”

Em thân mến, trước hết cảm ơn em chịu khó nghe RFA, sau nữa chữ “gói” trong “gói thầu” hay “gói kích cầu “ không có nghĩa là “ lô” như “lô đất” em ạ.

FlowerDuaSac305.jpg
Hình ảnh Sài Gòn đón Xuân Kỷ Sửu 2009. (Hình do thính giả Nguyen Xuan Lai gửi đến Ban Việt Ngữ RFA.)

Báo chí trong nước sử dụng từ “gói” dể ám chỉ một chương trình hay một kế hoạch gồm có nhiều chưong trình hay kế họach nhỏ liên quan với nhau.

Khi đưa tin về Việt Nam và để cho người trong nước hiểu thì RFA cũng phải dùng danh từ “gói thầu” hay “gói kích cầu”.

Ernest có thể hiểu chữ gói ở đây có nghĩa là package, vậy “gói kích cầu” là “stimulus package”, từ Anh ngữ thông dụng trên báo chí khi đề cập đến những kế hoạch kích thích cung cầu trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Vậy đi em nhé, còn gì thắc mắc xin Ernest cứ email lại cho RFA. Thân mến.

Như quí vị biết là Thanh Trúc tạm thiếu một mục Trả Lời Thư Tín của tuần trước nên bao nhiêu lời nhắn dồn về cho tuần này. Hai tiếng nói từ bên này và bên kia đại dương, hai bạn trẻ của RFA, hãy cho Thanh Trúc chắp lại hai đầu nỗi nhớ:

“Em là Jimmy từ California, kính chúc đài RFA và tất cả anh chị em trong ban Việt Ngữ cũng như những thính giả trung thành của RFA một năm mới thật an lành hạnh phúc và vui vẽ. Đặc biệt là chúc RFA luôn có những người bạn mới là cầu nối thông tin giữa những người trong và ngoài nước.”

“…Tôi là ở Hà Nội, tôi khen cái chương trình Diễn Đàn Bạn Trẻ đó. Có thể cho tôi biết được cái chủ đề thứ Tư tuần tới để có thể tôi phản biện ở trên Diễn Đàn Bạn Trẻ được không? Số điện thoại của tôi là….”

Tất nhiên là được bạn thân mến ạ. Cơ mà Diễn Đàn Bạn Trẻ phát tối thứ Hai hàng tuần chứ không phải thứ Tư, bạn nhớ nhé. Chủ đề tuần tới là Trao Đỗi Giữa Du Học Sinh Cùng Các Bạn Trẻ Trong Nước Muốn Đi Du Học. Mong bạn tham gia. Sẽ chuyển số điện thoại của bạn cho Trà Mi.

“Chị Thanh Trúc ơi. Hai ngày nay em không nhận được bản tin hàng ngày của ban Việt ngữ gởi cho em nữa. Hy vọng chị Thanh Trúc có thể giúp em , em mong tin từ Thanh Trúc nhiều.”

Có phải bạn là Hà ở ngoài Bắc? Nếu không phải thì qua lời nhắn này bạn quên cho Thanh Trúc xin địa chỉ email rồi. Phiền bạn gọi lại nhé. Thân nhiều.

Và một lần nữa lời thoại ngắn này cho thấy RFA có thính giả ở mọi tầng lớp:

“Tôi bán vé số đây cũng không đảm bảo gì mấy, bữa đói bữa no, khi nào mà bán tốt thì chúng tôi no, khi nào bán mà lỡ mưa gió thì ôm vé… Nhưng mà thấy trước mắt hiện thức thì nhà nước không giúp đỡ gì cho chúng tôi…”

RFA không thể làm gì hơn là thành thật chia sẻ những ngày nắng ngày mưa với vị thính giả lang thang bán vé số mà vẫn nghe đài thường xuyên. Chúc ông may mắn.

Thêm một người nghe đài ở Hà Nội:

“Tôi nghe quí đài phòng vấn hai luật gia là bác Trần Thanh Hiệp và bác Trần Lâm, qua đó tôi là người bình thường ít học nhưng cũng phần nào hiểu được công cuộc dân chủ hoá đất nước hiện nay.

Đã mấy chục năm nay người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi, nhờ những phương tiện thông tin đại chúng của quí đài người dân đã dần dần bước qua nỗi sợ hãi .

Theo tôi dù phong trào dân chủ hoá đất nước có gặp khó khăn đi chăng nữa nhưng chắc chắn sẽ thành công…”

RFA cũng nhận được lời chúc xuân từ một em ở Kiên Giang và từ vị thính giả tên Hoàng ở Hóc Môn. Đa tạ.

Cũng không quên lời thoại chất phác đơn sơ từ em học sinh lớp Mười huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp:

“Tại vì nhà còn mình em hà, thành ra em học một buổi còn một buổi em đi làm hồ, đi phụ hồ đó chị. Mẹ em ở nhà thì làm cây chổi để quét nhà. Nói chung thì cũng lo đủ ngày hai bữa ăn. Em làm buổi sáng rồi đi học buổi chiều, năn nỉ mấy ông thợ hồ đó rồi họ cũng cho làm, rồi tối về học bài.

Em sắm cái radio mà bắt tần số rồi nghe đài nói là 25, 31, 49 mét gì đó nghe cũng rõ. Mình thấy cái nền văn minh khoa học nó đem lại cho mình rất là hay. Ở một chỗ vùng sâu vùng xa như vậy mà tại đây cả một thông tin tin tức nó đến, những tin tức ở trong này người ta không được phát lên. Rất là hãnh diện đó chị ơi.

Ý kiến của em là chắc phải lên tới đại học tại vì Việt Nam phát triển nền kinh tế vĩ mô thì nếu không có bằng đại học thì không có cái nghề trong tay chắc chết chứ sống gì nỗi. Nhưng mà trình độ ngoại ngữ em yếu quá. Chị ơi, cái chữ vietweb của email viết sao chị. Chị gởi bản tin hàng ngày vô email em được không chị?”

Nếu em để lại địa chỉ email thì RFA gởi cho em bản tin được rồi. Thanh Trúc đánh vần chữ vietweb cho em này…. Hãy email lại cho RFA đi em. Biết không em, ngôn từ mộc mạc chân thành của em làm Thanh Trúc cười vui cả một ngày. Cảm ơn em!
---------------------
Thưa đây là thư trả lời thính giả đầu tiên của năm KỷSửu, và Thanh Trúc chưa thể dừng lại nếu chưa nói với bạn trẻ tên Sớm Mai ở Nantes, Pháp, rằng tuổi mười sáu của em mà biết yêu thích thơ Việt Nam là điều đáng quí. Tặng em mấy câu thơ tuyệt vời của Huệ Thu nhé:

Này em lớp Sáu này em nhỏ,
Gặp em rồi không quên em đâu.
Chiều nay hai đứa về qua phố,
Rất tự nhiên mà mình quen nhau.

Này em lớp Sáu này em nhỏ,
Em hãy dừng chân một chút lâu.
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát nùi hương cau.

Trong nắng xuân thoáng ngát mùi hương cau nơi quê nhà, Thanh Trúc kính chào tạm biệt và sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Sáu tuần tới.