Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bóng đá cũng là môn thể thao được xem như vua của các trò chơi đại chúng đã được chuyên nghiệp hóa. Đa số người Việt vẫn dành cho bóng đá một thiện cảm hết sức đặc biệt.
Trong vài ngày qua, báo chí trong nước đã tường thuật khá chi tiết về những diễn biến trong sinh hoạt xã hội tại Việt Nam, sau khi vòng chung kết World Cup khai mạc hôm 11 tháng 6 ở Nam Phi.
Thế còn ở ngoài Việt Nam, người Việt đón World Cup thế nào? Trân Văn tường thuật một số sinh hoạt liên quan tới World Cup tại Little Saigon, Nam Califonia – nơi vẫn được xem như thủ phủ của người Việt ở hải ngoại…
Không khí như quê nhà
Với đa số người Mỹ, bóng đá chỉ là môn thể thao thuộc loại thứ yếu, bởi họ thích bóng chày, mê bóng rổ và yêu bóng bầu dục hơn. Cũng vì vậy, họ không quan tâm lắm đến vòng chung kết World Cup 2010.
Trong bối cảnh như thế, những người mê bóng đá nhưng sống tại Mỹ thường cảm thấy lẻ loi, mà bóng đá lại hoàn toàn không phải là môn thể thao thích hợp với chuyện một mình, một màn hình. Đó cũng là lý do khiến một số người Việt sống tại Mỹ dành dụm cả tiền lẫn ngày nghỉ phép, để bốn năm về Việt Nam một lần, xem World Cup suốt cả tháng!
Tuy người Việt có khuynh hướng quần cư thành nhiều cụm trên khắp nước Mỹ và mang cả sự say mê bóng đá xuất ngoại cùng với mình nhưng vào những dịp diễn ra World Cup, hiếm có cộng đồng nào tổ chức được các sinh hoạt mang tính đại chúng, thỏa mãn nhu cầu giải trí của đồng hương.
Gọi là hiếm vì thật ra vẫn có một vài nơi như Little Saigon, ở phía Nam tiểu bang Califonia, tạo dựng lại được không khí World Cup giống quê nhà.
Little Saigon hiện có năm tờ nhật báo và trong mùa World Cup năm nay, hai trong số năm tờ nhật báo này là tờ Người Việt và tờ Việt Herald đã biến hội trường tại Tòa soạn của họ trở thành điểm xem bóng đá công cộng. Cửa hội trường của hai tờ báo này luôn luôn mở rộng cho mọi người vào xem các trận cầu của World Cup. Nhờ vậy, cư dân gốc Việt tại khu vực Little Saigon có thể cùng xem, cùng bình luận và cùng cá cược với nhau.
Một lần coi mấy trăm người và có bình luận, có ăn uống, có entertainment. Đó là truyền thống. Họ đến không chỉ coi đá banh mà còn để giao tiếp với nhau nữa.
Ông Đỗ Dũng
Điểm đáng chú ý là hoạt động này của cả hai tờ báo đã được khá nhiều cơ sở thương mại trong vùng bảo trợ. Việc bảo trợ diễn ra dưới hai hình thức. Hoặc trực tiếp cung cấp thực phẩm như: phở, bò kho, bánh mì,… và thức uống như: cà phê, sữa đậu nành, trà,… tặng các món quà là hiện kim hoặc hiện vật để người xem ăn, uống, tham gia dự đoán kết quả. Hoặc nhận lời quảng cáo để hai tờ báo có thể thực hiện những ấn phẩm, cung cấp tất cả những thông tin liên quan đến World Cup.
Ông Khôi Nguyên, Thư ký Tòa soạn, đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức thông tin về World Cup của tờ Người Việt, kể về diễn biến trong những ngày qua tại Phòng Sinh hoạt của tờ Người Việt, sau khi mở cửa cho đồng hương đến xem các trận đấu của World Cup 2010: Phòng Sinh hoạt của Người Việt có sức chứa tối đa là khoảng 250 người. Ban Tổ chức của Người Việt rất bất ngờ khi khán giả không còn chỗ để ngồi.
Hội trường của tờ Việt Herald cũng trong tình trạng tương tự. Vì sao cả hai tờ báo lại bày thêm việc để thêm bận rộn? Ông Đỗ Dũng, Chủ bút tờ Việt Herald cho biết, Việt Herald ra đời hồi đầu tháng 7 năm ngoái và ngay từ lúc đó, chuẩn bị để phục vụ cư dân gốc Việt trong vùng Little Saigon, khi vòng chung kết World Cup 2010 khai mạc đã là một dự án của tờ báo này.
Ông Dũng giải thích: Đây là một truyền thống của vùng Little Sài Gòn. Trước đây, khi chúng tôi làm bên nhật báo Người Việt, nhật báo Người Việt cũng đã từng tổ chức như vậy thành ra chúng tôi tổ chức theo truyền thống đó. Tuy là ở Mỹ nhưng người Việt Nam mình vẫn mê bóng đá hơn là dân Mỹ. Khi dân Mỹ không thích thì các phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ không chiếu. Họ chỉ chiếu trên cable hoặc là trên direct TV, thành ra người dân sẽ không có để mà coi. Muốn coi phải đến quán cà phê, mà quán cà phê thì người thích coi, người không thích coi nên nó không vui.
Vì vậy chúng tôi tổ chức cho họ coi ngay tại Phòng Sinh hoạt của tờ báo để cho nó đông vui. Một lần coi mấy trăm người và có bình luận, có ăn uống, có entertainment. Đó là truyền thống. Họ đến không chỉ coi đá banh mà còn để giao tiếp với nhau nữa.
Đôi bên cùng có lợi
Giống như ông Khôi Nguyên của nhật báo Người Việt, ông Đỗ Dũng xác nhận: Tổ chức rất là tốn kém. Phần lớn là dựa vào các cơ sở thương mại, qua đó mình quảng bá cho đồng hương biết đến người ta và nó trở thành hoạt động truyền thống trong cộng đồng.
Sở thích của cư dân gốc Việt đối với bóng đá không chỉ tác động đến doanh giới. Chính giới cũng vậy. Ông Khôi Nguyên kể về buổi khai mạc điểm xem bóng đá công cộng ở hội trường nhật báo Người Việt: Có những dân cử như bà Loretta Sanchez, ông Lou Correa, ông Trần Thái Văn, những nghị viên thành phố Westminster như là ông Diệp Miên trường, ông Tạ Đức Trí cũng đến tham dự với khán giả.
Phải chăng sở thích có tính tập quán của người Việt không chỉ là cơ hội cho các cơ sở thương mại, mà còn là cơ hội của những người đại diện cho cư dân Little Saigon tại Hạ viện Liên bang như bà Loretta Sanchez, tại Thương viện tiểu bang California như ông Lou Correa, Hạ viện tiểu bang California như ông Trần Thái Văn, hoặc tại thành phố Westminster – nơi hai tờ nhật báo tọa lạc?
Ông Đỗ Dũng giải thích thêm: Vâng! Năm nay, nếu quý vị để ý kỹ sẽ thấy World Cup 2010 bắt đầu vào ngày 11 tháng 6 và trước đó ba ngày, tại California có cuộc bầu cử sơ bộ rất quan trọng và kỳ này người Việt Nam ra ứng cử rất nhiều. Do đó, một số người thắng cử hoặc sẽ ứng cử vào tháng 11 tới đã tận dụng cơ hội đó! Đây là một dịp để cho chính giới, cho các vị dân cử tiếp xúc với khán giả, để quảng bá thêm hình ảnh của họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này.
Không khí World Cup ở Việt Nam có gì giống và khác, hay và dở hơn không khí World Cup ở Little Saigon? Một người đàn ông 36 tuổi, vừa rời Việt Nam để đến Mỹ định cư cách nay ba tháng, yêu cầu không nêu tên, nhận xét: Không khí World Cup ở Sài Gòn vui và sôi động hơn. Tivi, báo chí ở Sài Gòn tường thuật cũng hay và phong phú hơn nhiều.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện của mấy ông bà đại biểu quốc hội Mỹ, đại biểu quốc hội bang và hội đồng nhân dân. Tôi không tin họ thích bóng đá nhưng họ cần thiện cảm và sự ủng hộ của dân.
Một người dân ở Little Saigon
Tuy nhiên thái độ phục vụ công chúng thì ở đây tốt hơn. Mấy tờ báo ở đây không có khệnh khạng như ở Việt Nam. Mấy ngày nay, tôi không uống cà phê ở quán, không ăn sáng, ăn trưa ở nhà. Đi từ Người Việt qua Việt Herald và ngược lại là đủ mọi thứ để ăn, uống.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện của mấy ông bà đại biểu quốc hội Mỹ, đại biểu quốc hội bang và hội đồng nhân dân. Tôi không tin họ thích bóng đá nhưng họ cần thiện cảm và sự ủng hộ của dân. Chừng đó đủ thấy chuyện nhiều đảng, bầu cử tự do có giá trị.
Anh có biết dự án tàu cao tốc không? Ở mình. lá phiếu như tờ giấy lộn cho nên họ đâu thèm quan tâm tới chuyện dân nghĩ gì, muốn gì. Khác nhau có mỗi chỗ đó nên giờ này tôi mới ở đây!
Có lẽ cũng nên nhắc qua rằng, sau khi công chúng và trí thức cùng lên tiếng phân tích chuyện lợi - hại, thiệt – hơn và đề nghị không nên thực hiện dự án tàu cao tốc, những nhân vật có trách nhiệm trong Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thản nhiên bảo rằng, thật ra, trước khi hỏi ý kiến công chúng, lãnh đạo Đảng CSVN đã đồng ý cho thực hiện dự án này.
Dự án vừa kể được xem như một thứ “quyết tâm chính trị”, bất kể hiệu quả về kinh tế - xã hội và nhân tâm. Thay mặt giới lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng – Phó Thủ tướng, khẳng định, ông không hề lo âu, Việt Nam phải thức hiện dự án tàu cao tốc!
Theo dòng thời sự:
- Không khí World Cup 2010 ở VN
- World cup 2010: chưa thoả mãn người hâm mộ
- Cơn sốt World Cup 2010 đang tràn sang Châu Á
- World Cup 2010: hai trái lọt lưới, kẻ ở người đi?
- World Cup 2010: Chưa thấy bóng dáng đội vô địch
- Tuyển Anh than phiền trái banh World Cup 2010 của Adidas
- World Cup 2010: 130 ngàn vé được mua trong 36 giờ