Đằng Phong, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Bảy vừa qua, nữ dân biểu Loretta Sanchez của tiểu bang California đã trình bày với cộng đồng người Việt sống tại miền Nam Cali về dự luật mới do bà hợp tác soạn với mục đích đòi lại nhà đất từng bị chính quyền CSVN tịch thu của người dân Việt Nam sau biến cố 1975. Đằng Phong của ban Việt Ngữ chúng tôi tìm hiểu vấn đề và lược thuật như sau.
Là một nữ dân biểu đại diện cho đơn vị 47 thuộc tiểu bang California, nơi được mệnh danh là thủ đô của cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại, bà Loretta Sanchez, người lâu nay vẫn là một người bạn thân của đồng bào Việt Nam do luôn luôn đấu tranh cho những quyền lợi của người Việt khắp nơi.
Vào thứ Bảy vừa qua tại đài phát thanh Little Saigon, trước sự hiện diện của hơn 100 người Việt quan tâm, bà đã tổ chức một buổi họp báo để trình bầy về nỗ lực mới nhất của bà.
Đó là dự luật HR 415, do chính bà Sanchez và dân biểu Dan Burton của tiểu bang Indiana đồng bảo trợ. Chủ đích của dự luật này là yêu cầu Hoa Kỳ phải chú trọng vào việc đòi chính phủ Việt Nam trả lại, hoặc bồi thường những nhà cửa của người dân Việt Nam mà đã bị tịch thu sau biến cố năm 1975.
Khi được hỏi về chi tiết của dự luật HR 415, anh Tạ Khôi, phụ tá của nữ dân biểu Sanchez đã cho biết: "Nữ dân biểu liên bang Loretta Sanchez đã viết một dự luật mới, đó là dự luật 415. Đây là nghị quyết yêu cầu chính phủ Việt Nam gia tăng mức độ giải quyết vấn đề tranh chấp tài sản đã tịch thu từ cá nhân cũng như rất là nhiều tôn giáo sau biến cố 1975.
Nghị quyết này - nếu được Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ thông qua - sẽ chỉ định cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bổ sung tình trạng sở hữu và tình trạng hoàn trả đất đai ở Việt Nam vào những bản báo cáo hàng năm do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gởi cho Quốc Hội."
Những áp lực cụ thể
Đây là bước đầu tiên để áp lực chính phủ Việt Nam. Văn phòng của bà dân biểu Loretta Sanchez có nghe được tin là chính phủ Việt Nam năm nay đang có sự bàn cãi để cải tổ vấn đề ruộng đất, đất đai, cũng như quyền tư hữu bất động sản.
Dĩ nhiên, dù dự luật có được ký ban hành bởi Tổng Thống Bush, điều đó không có nghĩa là chính quyền Việt Nam sẽ tự động trả tài sản đã tịch thu cho những chủ cũ. Vấn đề để có hiệu quả cần có thêm những áp lực cụ thể.
Giải tích về sự khả thi của công việc thúc ép chính quyền Việt Nam, anh Tạ Khôi phân tích: "Đây là bước đầu tiên để áp lực chính phủ Việt Nam. Văn phòng của bà dân biểu Loretta Sanchez có nghe được tin là chính phủ Việt Nam năm nay đang có sự bàn cãi để cải tổ vấn đề ruộng đất, đất đai, cũng như quyền tư hữu bất động sản.
Khi biết được điều này bà Sanchez đã nói ngay, đây là cơ hội để chúng ta áp lực lên chính phủ Việt Nam đòi hỏi họ khi cải tổ thì phải làm một cách cho nó công bằng, để không tạo thêm sự bất công. Một trong những việc cần làm để cho công bằng là phải bồi thường những gì họ đã tịch thu một cách bất hợp pháp."
Cảm tưởng của người Việt hải ngoại
Anh Tạ Khôi có cho biết thêm là văn phòng bà dân biểu Loretta Sanchez đã nhận hàng trăm những đơn khiếu nại chính phủ Việt Nam từ đồng bào tại Nam Cali. Tuy nhiên không phải ai cũng tin rằng dự luật này sẽ thay đổi được vấn đề.
Ông Lê Hùng, cư trú tại vùng Little Saigon cho biết cảm tưởng của ông như sau: "Theo tôi nghĩ thì vấn đề này sẽ không giải quyết được gì. Bởi vì nếu người dân của chúng ta đi trước năm 1975 theo dạng tị nạn trên các tầu hoặc cũng như trên các chuyến phi cơ di chuyển rời Việt Nam, thì chưa chắc gì chúng ta đã mang theo những giấy tờ chủ quyền nhà.
Mà những căn nhà hiện tại ở Việt Nam thì sau năm 75 cán bộ cộng sản đã chủ quyền hoá tức là họ có những khả năng để làm giấy tờ để chủ quyền hoá những căn nhà đó. Ngoài ra những nhà chẳng hạn như của những gia đình quân nhân mà đi học tập cải tạo hoặc đi vùng kinh tế mới thì Việt Cộng vẫn có đủ khả năng để nó hợp thức hoá những căn nhà như vậy.
Mà khi nó hợp thức hoá như vậy thì mình không có đủ những dữ kiện để nói những căn nhà đó là chủ quyền mình. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai nữa, là nếu bây giờ mình có bà con giòng họ, hoặc anh chị em có thể công nhận rằng căn nhà đó là căn nhà của mình. Nhưng chưa chắc gì họ dám ra để làm chứng đối chất với chính quyền sở tại bởi vì nếu mà họ đối chất thì họ sẽ bị trù dập sau này.
Bởi vì như quý vị cũng biết, là nhà cầm quyền Việt Nam lúc nào cũng có những mánh khóe sau lưng. Ở phía trước thì cho chúng ta dễ dãi nhưng mà sau lưng đó thì tìm cách trù dập chúng ta. Thì đó là ý kiến của tôi. "
Sự công bằng, công lý
Bạn nghĩ gì về dự luật này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Trước những thực tế này, có lẽ dự luật của bà Sanchez sẽ khó thành công trong việc đòi lại tài sản từ chính quyền Việt Nam. Nhưng anh Tạ Khôi thì cho biết đó không phải là ước vọng tối cao của đồng bào Việt Nam hiện nay.
Anh nói: "Trong buổi họp báo với đồng bào, có rất nhiều người đã bầy tỏ quan điểm là họ muốn nhìn thấy những tài sản của người dân được trả lại, nhưng trong việc đó điều mà họ muốn nhất là làm sao có được sự công bằng, công lý.
Đây là những tài sản mà chính phủ Việt Nam đã tịch thu của dân rồi, và có nhiều người nói là chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam một là phải xin lỗi, hai là nhìn nhận là họ đã có tịch thu tài sản của người dân một cách trắng trợn như vậy.
Thành ra nhiều người cũng hy vọng là sẽ được trả lại những tài sản đó, nhưng diều quan trọng hơn cả là họ muốn nhìn thấy công lý được soi sáng từ sự việc này."
Nghe câu chuyện vừa kể, có thể một số thính giả sẽ thấy khó tin, cho rằng công lý là một ý niệm xa vời thực tế. Nhưng trong quá trình trưởng thành của một xã hội, công lý là quyền đi kèm theo ngay sau sự tự do.
Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.