Cơ giới hóa nông nghiệp: giấc mơ chưa trọn

Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long thất thoát khoảng 2 triệu 800 ngàn tấn lúa. Tốc độ cơ giới hóa chậm mang lại những kết quả giới hạn, nông dân thiệt thòi nhiều mặt.

0:00 / 0:00

Ngân sách khiêm tốn

Sau hai mươi năm đổi mới, một vài con số chính thức khiến người ta ngỡ ngàng. Trong 10 năm từ 1992 tới 2002, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp khá khiêm tốn chỉ từ 5% tới 6%, tương đương 1,5% GDP trong khi nông nghiệp luôn đóng góp 20% Tổng sản phẩm nội địa. Những năm tiếp theo tổng vốn đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp nông thôn cũng chỉ nhích lên được chút đỉnh, năm gần đây nhất cũng mới nói tới con số 8%.

Đầu tư vào máy thu hoạch tương đối lớn, mỗi máy từ 200 triệu tới 400 triệu đồng nên nông dân khó mua được máy gặt đập liên hợp.

TS Phan Thanh Tịnh.

Giới hạn trong nguồn vốn đầu tư, tất nhiên việc sử dụng máy móc trên đồng ruộng mang lại những kết quả hạn chế. Phó giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Tịnh, Viện Trưởng Viện Cơ Điện Nông Nghiệp và Công Nghệ Sau Thu Hoạch, nhận định về vấn đề cơ giới hóa phục vụ nông dân làm lúa:

"Về cơ bản khâu làm đất bằng máy trên 90%, khâu gieo sạ cũng đã phát triển tốt. Còn hai khâu có khó khăn: khâu cấy chúng tôi chưa có những máy móc phù hợp, hơn nữa tập quán nông dân chưa quen với cấy bằng máy, gieo sạ thì đã phát triển nhiều.

Riêng máy gặt đập liên hợp, công nghệ của Việt Nam chưa làm ra được những máy có độ ổn định tốt để phục vụ sản xuất. Hơn nữa đầu tư vào máy thu hoạch tương đối lớn, mỗi máy từ 200 triệu tới 400 triệu đồng nên nông dân khó mua được máy gặt đập liên hợp. Do vậy tỷ lệ máy móc đáp ứng khâu thu hoạch mới đạt 20 tới 30%, nhưng trong kế hoạch sắp tới sẽ tăng lên.”

Đối với ruộng lúa nước thì các thiết bị cơ giới rất khó hoạt động. Photo courtesy agroviet.gov.vn
Đối với ruộng lúa nước thì các thiết bị cơ giới rất khó hoạt động. Photo courtesy agroviet.gov.vn

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã thấy lợi ích rõ ràng về vấn đề cơ giới phục vụ sản xuất lúa. Mỗi năm làm 3 vụ lúa, người nông dân Tây Nam Bộ đã nhận thức sự cần thiết lấy sức máy giảm sức người, nhưng vẫn còn một tỷ lệ lớn hộ nông dân cắt lúa bằng tay:

“Cày máy thu hoạch bằng máy móc có lợi hơn cắt tay. Cắt tay mắc lắm nhân công nặng lắm. Thí dụ một công ruộng cắt máy 200 ngàn đồng thì cắt tay phải trả 300 ngàn đồng. Thôn quê vùng em máy cắt cũng nhiều, khoảng 20 hộ thì một hộ có máy họ làm thuê.”(Nông dân ĐBSCL)

Khó khăn vì lúa nước

Do nhưng đặc thù của đồng ruộng vùng đồng bằng sông Cửu Long, có những lúc máy móc bị vô hiệu hóa, người nông dân chân lấm tay bùn vẫn phải trông cậy vào sức người là chính:

"Tùy theo vùng đất phải đừng có lún…mùa mưa năm rồi nó mưa bất tận đất cày ải không khơi được phải cắt tay, không úng thì dùng máy được." (Nông Dân)

Riêng với thu hoạch ở Việt Nam chủ yếu canh tác lúa nước, máy móc phục vụ phải sử dụng được trong điều kiện ruộng nước, thứ hai nền đất không được cứng như ở các nước khác.

Đối với chuyên gia như PGS TS Phan Thanh Tịnh, ông chỉ ra sự khác biệt trong khâu thu hoạch ở các nước công nghiệp phát triển. Ở những nơi đó, thu hoạch diễn ra trên những cánh đồng lúa khô và diện tích lớn. Đối với đặc thù Việt Nam, PGS TS Phan Thanh Tịnh tiếp lời:

“Riêng với thu hoạch ở Việt Nam chủ yếu canh tác lúa nước, máy móc phục vụ phải sử dụng được trong điều kiện ruộng nước, thứ hai nền đất không được cứng như ở các nước khác. Cho nên hệ thống di động của các máy nông nghiệp đặc biệt là gặt đập liên hợp phải bảo đảm được việc này. Hơn nữa các giống lúa khác nhau thời tiết ở Việt Nam cũng khác, cho nên tỷ lệ lúa đổ tương đối nhiều, máy gặt đập liên hợp phải làm được việc vừa gặt được lúa đứng vừa gặt được lúa đổ khi thời tiết không thuận lợi.

Thông thường khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, ruộng lúa phải tháo nước ra trước từ hai đến 3 tuần, nhưng không phải ruộng nào ở Việt Nam cũng thực hiện được việc tiêu nước. Ngoài ra điều kiện giao thông ở nông thôn không thuận lợi cho máy gặt đập di chuyển. Đây cũng là yếu tố làm chậm tiến trình cơ giới hóa.”

Tại hội nghị sản xuất lúa 2010 diễn ra hồi cuối tháng 1 ở Cần Thơ, Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Bùi Bá Bổng nhìn nhận, số lượng máy gặt đập liên hợp và máy gặt xếp dãy toàn vùng Nam bộ cộng chung được hơn 7 ngàn chiếc, đảm bảo thu hoạch bằng cơ giới 30% diện tích.

Ngoài ra toàn vùng có hơn 7 ngàn lò sấy lúa cũng chỉ đủ đáp ứng 25% tổng sản lượng lúa hè thu thu hoạch trong mùa mưa. Nông gia cần được tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi cùng các điều kiện dễ dàng để có thể gia tăng tỷ lệ thu hoạch bằng máy, cũng như thiết lập thêm nhiều lò sấy lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.