Máy cấy mini MC-6-250, phát minh mới của Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Từ bao đời nay, người nông dân Việt Nam phải chịu nhiều vất vả khó nhọc trong công việc đồng áng. Một trong các khâu canh tác khổ cực nhất thường được mô tả như ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ đó là khâu cấy lúa.

0:00 / 0:00
Maycay200.jpg
Máy cấy mini MC-6-250. Photo courtesy tchdkh.org.vn

Tại nhiều nước nông nghiệp phát triển khác ở trong khu vực như Nhật Bản, máy cấy đã xuất hiện nhiều năm nay rồi; còn ở Việt Nam loại máy được chế tạo ngay trong nước cho phù hợp với đồng ruộng nước nhà thì mới được Viện Cơ Điện Nông Nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch công bố gần đây thôi. Đó là máy cấy MC-6-250.

Trong chương trình kỳ này, Gia Minh mời quí thính giả và các bạn cùng nghe chủ nhiệm đề tài nghiên cứu là ông Lê Sỹ Hùng của Viện Cơ Điện Nông Nghiệp & Công nghệ Sau thu hoạch cùng anh Phạm Văn Yết, người từng thử nghiệm máy cấy MC-6- 250 nói về chiếc máy đó.

Quả thật chiếc máy cấy mini MC-6-250 không phải là một phát minh hoàn toàn mới của Việt Nam, mà nó chỉ là một phiên bản được cải thiện cho phù hợp với địa hình ruộng nước đất Việt. Chủ nhiệm đề tài Lê Sỹ Hùng cho biết về điều đó: "Máy theo cơ chế hoạt động của các loại máy cấy Nhật Bản và Trung Quốc; nhưng được cải tiến hàng cấy nhỏ lại cho phù hợp với ruộng Việt Nam.

Ông cho biết vì sao đến nay Việt Nam mới sản xuất chiếc máy cấy mang nhãn hiệu của riêng mình: "Máy cấy Nhật đưa vào từ những năm 80 nhưng giá thành cao; máy Trung Quốc thì theo 'mã dược' nên không phù hợp, phải cấy từng thảm mới được."

Ông cũng nêu ra lợi điểm cũng như những hạn chế cần phải chỉnh sửa để cho máy cấy mini MC-6-250 được hoàn chỉnh hơn: "Lợi công; tuy nhiên khi quanh và chạy sang ruộng khác cũng chưa thuận lợi. Lý do vì diện tích ruộng Việt Nam còn nhỏ hẹp."

Giá cả của máy là một quan tâm đối với nông dân Việt Nam khi mà thu nhập từ nông nghiệp của họ vẫn chưa cao: "Khi sản xuất đại trà thì giá chừng 15 triệu đồng Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhập hai tay máy từ TQ. Dẫu vậy, nhà sản xuất là công ty Máy kéo & Máy Nông Nghiệp cho biết có thể sản xuất hoàn toàn từ trong nước."

Nông dân Phạm Văn Yết, ở phường Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, người tham gia sử dụng thử nghiệm máy cấy MC-6-250 của Viện Cơ điện Nông Nghiệp & Công nghệ sau Thu hoạch đưa ra nhận xét sau mấy vụ dùng máy này để cấy: "Lợi công; tuy nhiên còn một số nhược điểm phải khắc phục. Ở vùng ít đất thì không cần máy cấy lắm nhưng ở những nơi khác vẫn rất cần…"

Nhân dịp nói về máy cấy mini MC-6-250, ông Phạm Văn Yết cũng cho biết về tình hình đất đai và thu nhập từ nông nghiệp ở quê ông: "Đất đai càng ngày càng thu hẹp cho công cuộc đô thị hoá; tuy nhiên ở những vùng vẫn còn làm nông thì khó khăn không đủ sống mà phải làm thêm nghề phụ."

Theo thống kê thì hiện nay dân số Việt Nam vẫn còn chừng 70% sống nhờ vào nông nghiệp. Việc giải phóng sức con người trong lao động nông nghiệp là việc làm rất cần thiết.

Sự cải tiến và cho ra đời một chiếc máy cấy mini giúp cho nông dân là một tin vui; thế nhưng để chiếc máy này hoàn chỉnh và có thêm nhiều máy móc khác để giúp nông dân giảm bớt sức lao động mà năng suất tăng cao và chất lượng nông sản ổn định thì đó là một mong muốn của bao nông dân khắp mọi miền đất nước.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.