Số án bị sửa và hủy bỏ trong năm 2005 cao hơn so với năm trước

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Những nguồn tin trong nước cho hay Tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh vừa công bố bảng tổng kết năm 2005, cho thấy số án bị sửa, thậm chí bị hủy bỏ, trong năm nay cao hơn so với năm trước. Nguyên nhân nào xảy ra tình trạng như vậy? Thanh Quang tìm hiểu vấn đề, và được luật sư Bùi Quang Nghiêm trụ sở ở Saigòn cho biết như sau.

TrialLawyer200.jpg
Các luật sư tham dự một phiên toà tại Sài Gòn. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Nguyên nhân để án bị sửa, bị hủy là do cấp dưới điều tra, xác minh, chuẩn bị xét xử không được kỹ; đó là ý thức trách nhiệm. Thứ hai là vấn đề trình độ thẩm phán. Thứ ba là vấn đề về quy định tố tụng liên quan cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm.

Thanh Quang: Nói chung các thẩm phán vận dụng luật pháp, từ luật dân sự tới hình sự, có phù hợp với công lý và công minh không?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Phải nói là không có luật nào đảm bảo hợp lý cho tất cả tầng lớp xã hội. Nhưng luật ở nước mình nói chung chưa rõ ràng, chưa vận dụng hết những thành tựu khoa học pháp lý của thể giới nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của số đông. Bởi thế những công chức ngành tòa án Việt Nam lợi dụng cơ hội đó để nhũng nhiễu, gây khó dễ cho công dân khi có việc liên quan đến tòa án.

Thanh Quang: Thưa luật sư, như vậy, về phương diện nào đó, tình trạng sửa hay hủy bỏ nhiều án quyết trong năm nay là do hệ thống luật lệ trong nước không rõ ràng hay là do tay nghề của thẩm phán còn yếu?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Do cả hai. Nhưng muốn thay đổi tình trạng đó thì trước hết phải cụ thể hóa luật tố tụng, cả trong hình sự lẫn dân sự.

Phải nói là không có luật nào đảm bảo hợp lý cho tất cả tầng lớp xã hội. Nhưng luật ở nước mình nói chung chưa rõ ràng, chưa vận dụng hết những thành tựu khoa học pháp lý của thể giới nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của số đông.

Thanh Quang: Thế tòa an cấp huyện thì sao, có phải đây là cấp phát xuất nhiều sai trái nhất trong các án quyết hay không?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Đúng, nó có vấn đề. Tôi cho là luật tố tụng Việt Nam chưa chặt chẽ để buộc cấp dưới phải làm thật đúng, xử đúng, trong khi cấp trên phải có bằng chứng rõ ràng để có thể huy án của cấp sơ thẩm. Tôi cho là luât tố tụng Việt Nam chưa đạt mức như yêu cầu nên án bị hủy nhiều.

Thanh Quang: Như vậy giới tư pháp cần áp dụng nhữngt biện pháp nào để cải thiện tình hình?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Như anh biết Việt Nam bắt đầu đổi hồi 1986. 1985, Việt Nam mới bắt đầu có Bộ luật hình sự. Từ 86, khi mở cửa, tốc độ làm luật của Quốc hội Việt Nam rất nhanh để giúp điều chỉnh quan hệ xã hội đang tiến nhanh.

Nhưng trong số các đại biểu Quốc hội, có người hoạt động trong hệ thống hành chính, nên chất lượng làm luật có hạn chế. Trong trường hợp những quan hệ xã hội liên quan đến quản lý và liên quan đền người dân, thì có rất nhiều đại biểu Quốc hội bệnh vực, tạo điều kiện cho quản lý nhà nước.

Tôi cho rằng nếu chúng ta nghiên về người dân càng nhiều, thì luật pháp có ý nghĩa thúc đẩy xã hội phát triển càng nhanh. Làm luật không phải tạo điều kiện cho nhà nước quản lý, mà là tạo điều kiện cho dân được tự do hơn, để kinh tế và xã hội phát triển nhanh hơn.

Thanh Quang: Luật sư vừa nhắc tới quyền lợi người dân, thưa, một trong vấn đề nóng bỏng mà cũng phức tập hiện giờ là đất đai. Những bản án về đất đai trong năm nay có làm hài lòng đa số người khiếu kiện không?

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Tôi cảm nhận án dân sự liên quan nhà đất trong năm nay có thể bị huy nhiều hơn hết, vì luật đất đai của Việt Nam khác với các nước khác, dựa trên sở hữu tòan dân, nhà nước quản lý. Các chủ thể như cá nhân người dân hay tổ chức kinh tế chỉ là những người có quyền sử dụng đất.

Chính vì thể nó gây rất nhiều răc rối, phức tạp, khó hiểu. Do đó mới có khiếu kiện kéo dài. Cho nên những người có trách nhiệm hành chính liên quan việc quản lý đất đai dễ lợi dụng chức quyền làm những điều không tốt cho người dân.

Đó là lý do tại sao ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, mới đây có đề cập tới việc “Năm chiêu quan ăn đất của dân”.

Thanh Quang: Xin cảm ơn Luật sư B.Q. Nghiêm.