Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Hiện tượng rất nhiều sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo vừa được công bố tuần rồi, hiện có đến 37% sinh viên trong nước vẫn chưa có việc. Lý do nào dẫn đến tình trạng này, giới trách nhiệm và giới sư phạm có ý kiến ra sao về vấn đề này? Nhã Trân tìm hiểu và trình bày.
Trong những năm gần đây sinh viên đang theo đuổi chương trình đại học tại Việt Nam mang tâm trạng ưu tư trước viễn ảnh không mấy sáng sủa khi thấy rất nhiều sinh viên các khoá trước không xin được việc lúc đã tốt nghiệp. Cả doanh nghiệp trong nước lẫn các công ty nước ngoài dường như ngày càng thờ ơ với việc tuyển dụng các tân khoa.
Sự yếu kém về kỹ năng và kiến thức
Nguyên nhân nào khiến các cơ sở kinh doanh không nhiệt tình thâu nhận sinh viên vừa ra trường? Theo anh Nguyễn T. Luyện, Sinh viên trường Quản Trị Kinh Doanh thành phố Hồ Chí Minh, thì bởi vì:
“Chương trình học bao quát nhiều quá, không chuyên sâu vào vấn đề nào hết. Bài vở thì rất nhiều nhưng tôi không thấy tiếp thu được bao nhiêu hết.
Thường thì sinh viên ra trường họ nói nó bỡ ngỡ lắm, nó khác xa với cái mình học nhiều, nên gây khó khăn cho người sinh viên mới ra trường. Đã vậy đa số các công ty họ lại muốn mướn người có kinh nghiệm, thành ra những sinh viên mới ra trường rất là khó khi đi kiếm việc làm.”
Trước tình trạng này Bộ Giáo Dục-Đào Tạo vừa tổ chức một cuộc hội thảo về công tác tư vấn việc làm cho sinh viên với sự tham dự của hơn 50 trường đại học cả nước và các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhằm tìm giải đáp.
Chương trình học bao quát nhiều quá, không chuyên sâu vào vấn đề nào hết. Bài vở thì rất nhiều nhưng tôi không thấy tiếp thu được bao nhiêu hết. Thường thì sinh viên ra trường họ nói nó bỡ ngỡ lắm, nó khác xa với cái mình học nhiều, nên gây khó khăn cho người sinh viên mới ra trường. Đã vậy đa số các công ty họ lại muốn mướn người có kinh nghiệm, thành ra những sinh viên mới ra trường rất là khó khi đi kiếm việc làm.
Phát biểu trong hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng các lý do chính là sự yếu kém về kỹ năng và kiến thức của các tân khoa, thêm vào đó định hướng nghề nghiệp không rõ và các ứng xử vụng về đã khiến những người trẻ này bị giới chủ nhân từ chối.
Trình độ kỹ năng của lớp sinh viên vừa tốt nghiệp thật sự ra sao? Giám đốc Nhân sự Công ty Interflour Việt Nam nhấn mạnh lớp trẻ này hiện nay hoàn toàn không có kỷ năng, với dẫn chứng nhiều sinh viên đã ra trường vẫn không soạn thảo nổi một văn bản ở dạng đơn giản nhất.
Thạc sĩ Trần Đình Lý, đại học Nông Lâm thành phố Hồ chí Minh, thì cho hay trong một cuộc phỏng vấn một lớp học năm thứ ba, tức lúc sinh viên đã đi được gần hết chặng đường đại học, ông phát hiện có hơn 50% sinh viên không hiểu gì về ngành họ đang theo. Các doanh nghiệp nói những lý do vừa kể đã khiến họ không thể nhận sinh viên vừa ra trường. Thêm vào đó đã có những trường hợp họ cố gắng giúp đỡ bằng cách nhận lớp trẻ này vào rồi đào tạo thì sau thời gian học nghề những lao động mới lại bỏ đi làm cho công ty khác, gây tâm trạng chán nản cho giới chủ.
Thay đổi chương trình đào tạo
Làm thế nào để khắc phục vấn đề nan giải này? Nhiều kiến nghị nêu là chương trình đào tạo của nhà trường cần được cập nhật để theo kịp đà phát triển của xã hội, đặt trọng tâm vào nhu cầu của doanh nghiệp để định hướng đào tạo đúng thay vì chỉ cung cấp những kiến thức nhà trường sở hữu, và nên lập chương trình thực tập để sinh viên có kinh nghiệm trước khi thực sự vào nghề.
Ngoài ra cơ sở đào tạo phải hợp tác với doanh nghiệp để hội nhập về kỹ năng cùng phương thức làm việc cho sinh viên. Trước các đề nghị này, một sinh viên nước ngoài, cô Bùi Linh ngành điện toán, đưa ra nhận xét và chia sẻ kinh nghiệm:
“Quốc gia em đang ở có chương trình là sau một thời gian đi học, thường khoảng 1 năm rưỡi, nếu mình đạt đủ điểm của các môn căn bản thì sẽ được tham gia vào chương trình làm việc hợp tác với những cơ quan của nhà nước hoặc của tư nhân.
Cái lợi là nhờ mình được đi làm như vậy mình có nhiều cơ hội để quen với cách làm việc cũng như cách tổ chức trong một cơ quan cùng cách ứng xử với đồng nghiệp, và cách làm sao mà tìm đáp số cho những việc mà họ trao cho mình.
Thành ra khi xong một khoá làm việc như vậy và trở về trường thì em được hiểu thêm về những điều mình học cũng như những điều mình thích, và mình có thể học thêm được nhiều thứ để chuẩn bị cho mình khi ra trường thật sự”.
Theo tin mới nhất, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên Phùng Khắc Bình vừa tuyên bố Bộ Giáo Dục-Đào Tạo sẽ lập trang Web tư vấn việc làm cho sinh viên, đồng thời lập nhóm cập nhật các thông tin thị trường lao động để không phung phí chất xám của đất nước.
Tuy nhiên, đáng ghi nhận nhất là ý kiến của Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân lực đề nghị Bộ Giáo Dục-Đào Tạo nên trao cho các trừơng đại học quyền tự chủ để họ có thể thực hiện những đổi thay nhằm đáp ứng tính chất ứng dụng nên có trong việc đào tạo sinh viên.