Một cuộc hội thảo mang tên “Thực tiễn và kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/7/2018 với sự tham dự của đại diện hai đảng cộng sản. Đây là lần thứ 14 hai phía gặp nhau bàn về lý luận.
Phải chăng Việt Nam tiếp tục theo mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc và đang tách mình ra khỏi quỹ đạo kinh tế thế giới?
Chọn quốc gia có cùng thể chế
Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, nhà sáng lập và CEO trường Doanh nhân BizLight nhận định nền kinh tế Việt Nam thực chất cũng theo mô hình kinh tế thị trường nhưng với định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN). Do đó, Việt Nam phải lựa chọn một trong những quốc gia cũng theo thể chế XHCN nhưng phát triển theo hướng kinh tế thị trường.
Và quốc gia đó chính là Trung Quốc.
"Tức là một nền kinh tế mà nó vẫn là kinh tế thị trường của các nước phương Tây nhưng nó phải đặt trên nền tảng là định hướng của XHCN nghĩa là nó theo các thuyết của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nói về mô hình này hiện nay thì Trung Quốc là đầu, về kinh tế thị trường, về vấn đề mở cửa, về hội nhập, hợp tác đa phương cũng như song phương với các nước phương Tây và các nước trong khu vực."
Theo một phân tích của Giáo sư Hoàng Ngọc Hoà – Học viện Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế thị trường là mô hình kinh tế phổ biến của thế giới đương đại, chia làm 3 nhóm tiêu biểu: Kinh tế thị trường tự do (tiêu biểu là nền kinh tế thị trường của Mỹ, Anh, Úc); Kinh tế thị trường xã hội (tiêu biểu là Đức, Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác); Kinh tế của mô hình nhà nước phát triển (tiêu biểu là nền kinh tế Pháp, Nhật Bản).
<i>Tức là một nền kinh tế mà nó vẫn là kinh tế thị trường của các nước phương Tây nhưng nó phải đặt trên nền tảng là định hướng của XHCN nghĩa là nó theo các thuyết của Đảng Cộng sản Việt Nam. </i> <i>Nếu nói về mô hình này hiện nay thì Trung Quốc là đầu, về kinh tế thị trường, về vấn đề mở cửa, về hội nhập, hợp tác đa phương cũng như song phương với các nước phương Tây và các nước trong khu vực. - Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín</i>
Tách hẳn 3 nhóm đó, từ sau Đại hội TW3 khoá XI đến Đại hội XIV, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa nền kinh tế nước này đi theo con đường thương trường mới, đó là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Về phía Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một cơ chế quản lý kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra và triển khai tại Việt Nam từ sau Đại hội VI 1986 và liên tục được được hoàn thiện qua các kỳ Đại hội Đảng sau này.
Điều này được Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín giải thích:
“Việt Nam cũng phải theo 1 mô hình của 1 quốc gia cũng theo XHCN nhưng phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.”
Một bài viết của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển viết vào năm 2015 có đề cập rằng: Định hướng XHCN trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế đó được xây dựng trên cơ sở một hệ tư tưởng nhằm xác định hướng đi bảo đảm mục tiêu tổng quát là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Điều này được chính ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhắc lại trong buổi hội thảo ngày 6/7. Đáp lại, đại diện cho phía Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên truyền Trung Quốc, Hoàng Khôn Minh cũng nhấn mạnh và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN.
‘Thị trường định hướng XHCN’ là bất khả thi
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, nền kinh tế Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường.
“Cái mô hình kinh tế nào có gì ưu việt thì mình học, không bắt buộc phải đi theo anh cả Trung Quốc, tuy là Trung Quốc cũng có rất nhiều cái để học chứ không phải không. Nhưng gọi là mô hình Trung Quốc thì học cái đó làm gì? Mô hình Trung Quốc đâu phải là kinh tế thị trường.”
Đây là chi tiết đáng chú ý. Tháng 12/2017, tờ Financial Times đưa tin về một tuyên bố của chính phủ Tổng thống Donald Trump nói rằng đã gửi hồ sơ cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đó nêu rõ không công nhận nền kinh tế của Trung Quốc là “kinh tế thị trường” như yêu cầu của Bắc Kinh.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nếu hiểu đúng với định nghĩa của cụm từ “kinh tế thị trường” thì Trung Quốc càng không phải.
“Mô hình kinh tế thị trường trong đấy nhân dân là chủ đạo. Dân doanh chứ không phải quốc doanh.Việc gì nhân dân không làm được hay tạm thời chưa làm được thì quốc doanh làm. Mô hình Trung Quốc đâu phải là mô hình kinh tế thị trường?”
Nghịch lý
Theo dòng thời sự gần đây cho thấy những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Australia đang dần thể hiện rõ đường lối kinh tế dứt khoát với Trung Quốc. Cụ thể, đầu tháng 7/2018, chính phủ Malaysia đã gửi thư đến 3 nhà thầu Trung Quốc để thông báo việc đình chỉ các dự án có vốn Trung Quốc lớn nhất ở quốc gia này, ước tính khoảng 22 tỷ USD.
<i>Mô hình kinh tế thị trường trong đấy nhân dân là chủ đạo. Nhân doanh chứ không phải quốc doanh.Việc gì nhân dân không làm được hay tạm thời chưa làm được thì quốc doanh làm. Mô hình Trung Quốc đâu phải là mô hình kinh tế thị trường? - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành</i>
Một diễn biến khác, vào năm 2017, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố thẳng thắn rằng “Bắc Kinh đừng dùng tiền thao túng chính trị Úc.”
Như thế, rõ ràng các quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do đều không chọn sự hợp tác với Trung Quốc, dù rằng nước này được dữ liệu của Bloomberg đánh giá là có GDP dự báo vượt 19 nước Châu Âu trong năm 2018 (đạt khoảng 13,2 nghìn tỷ USD).
Vậy thì khi lựa chọn 1 quốc gia có cùng thể chế là Trung Quốc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế như ông Võ Văn Thưởng đã phát biểu thì liệu Việt Nam có đang tách mình ra khỏi vòng quỹ đạo của sự phát triển kinh tế thế giới hay không?
Để trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín vẫn giữ quan điểm xem Trung Quốc là “1 mô hình tham khảo và nghiên cứu.”
“Trung Quốc có thể nói là 1 quốc gia mà hướng mở cửa rất mạnh. Đặc biệt nó phát triển về kinh tế thị trường rất mạnh, là 1 mô hình để mình nghiên cứu, tham khảo đưa ra định hướng, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam hơn là xem đó là 1 hình mẫu duy nhất, 1 sự kết nối duy nhất, vì sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là đa phương và độ mở của kinh tế Việt Nam là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.”
Do đó, theo ông, không chỉ Trung Quốc mà Mỹ và các nước Châu Âu cũng là những bài học, mô hình để Việt Nam có thể học hỏi.
Theo quan điểm của Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Việt Nam không nên tách ra, đi theo Trung Quốc để làm những việc đối chọi lại với nền kinh tế thị trường khác trên thế giới.
Trong thực tế chính phủ Hà Nội đã và đang ký rất nhiều những Hiệp định kinh tế thương mại với thế giới. Và điều này được cho là Việt Nam đang gia nhập song phương, đa phương với thế giới để được công nhận nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thể chế chính trị độc đảng vẫn duy trì đường lối kinh tế quốc doanh là chủ đạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phải chăng đây cũng là lý do mà Chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong Un gần đây được tiết lộ là ông ta muốn áp dụng đường lối cải cách kinh tế của Việt Nam cho Bắc Hàn, một quốc gia cộng sản còn khép kín hiện nay?