Làm gì để giúp Việt Nam tránh khỏi thân phận nhược tiểu?

Việt Long, phóng viên đài RFA

31 năm đã trôi qua kể từ khi chấm dứt chiến tranh, thế hệ trẻ sinh sau 30/4/1975 nay có quyền được sống trong một nước Việt Nam thanh bình, thịnh vượng với vị thế được coi trọng trên trường quốc tế. Đó là điều mọi người Việt ở khắp nơi đều mong ước, nhưng liệu có được bao nhiêu triển vọng trở thành hiện thực?

EconomicIT150.jpg

Sự trăn trở này biểu hiện qua sự kiện rất nhiều bạn trẻ trong nước hưởng ứng trả lời câu hỏi của nhà sử học Dương Trung Quốc “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trong chuyên mục trên báo Thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm nay, chúng tôi tìm hiểu tâm tư một bạn trẻ ở Việt Nam thường nói chuyện thằng thắn với Đài Á Châu Tự Do, bạn Lê Phương, hiện đang sống ở Hà Nội. Trao đổi với Việt Long, trước tiên Lê Phương nhận xét về câu hỏi của nhà sử học nhiều uy tín tại Việt Nam .

Lê Phương: Vào thời điểm này, câu hỏi "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ" mà nhà sử học Dương Trung Quốc và báo Thanh niên đưa ra là rất hay và cấp thiết. Nhưng có lẽ do sinh họat báo chí trong nước còn bị nhiều hạn chế nên câu hỏi ấy vẫn chưa nhìn nhận hết thực trạng hiện nay.

Việt Long: Vây đặt câu hỏi như thế nào thì mới chính xác hơn?

Lê Phương: Nên đặt vấn đề là "Việt Nam đang là một nước nhỏ, và chúng ta cần làm những gì để đất nước tránh khỏi thân phận nhược tiểu". Nói vậy có thể khiến nhiều người tự ái nhưng rõ ràng cần nhìn thẳng vào sự thật thì mới mong tìm ra hướng đi đúng để phát triển trong thời gian tới.

Việt Long: Bạn có chứng minh được Việt Nam là một nước nhỏ không, với dân số diện tích như thế, và cũng còn có danh tiếng về quân sự nữa chứ?

Lê Phương: Bây giờ mà vẫn còn nói về quân sự nữa à? Bây giờ mình thử xem tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam là bao nhiêu. Cao nhất là vào năm 2005 mới đây cũng chỉ được 50 tỷ đô la, so với thế giới thì đáng bao nhiêu? Những biến động của nền kinh tế Việt Nam có tác động gì đáng kể tới thế giới không? Nếu anh phải nói "không" cho cả hai câu đó thì Việt Nam là nước nhỏ rồi.

Với hệ thống chính trị và cái vòng kim cô chủ nghĩa Mác-Lê Nin hiện nay thì Lê Phương không dám hy vọng nhiều. Thật đau xót vì nếu Việt Nam không sớm có một sự thay đổi thì chắc chắn sẽ vĩnh viễn bị thế giới bỏ lại phía sau.

Ngoài ra còn bị phụ thuộc nữa chứ. Chính quyền vay nợ tùm lum lên tới mấy chục tỷ đô la. Đầu tư những dự án, có những dự án cũng hay, nhưng có những dự án bị ăn bớt kinh quá, khiến Việt Nam phải bị phụ thuộc ghê gớm vào các chủ nợ nước ngoài. Một khi đã phụ thuộc vào bên ngoài thì độc lập, tự chủ liệu còn bao nhiêu phần?

Việt Long: Đó là về kinh tế, nhưng bạn nói lại vẫn quân sự nữa thì bạn nhận định thế nào về sức mạnh quốc phòng của Việt Nam, là điều mà đảng cầm quyền vẫn nói là nhân dân ta rất tự hào đã đánh bại hai đế quốc sừng sỏ?

Lê Phương: Vâng, người Việt Nam vẫn thường tự hào và Lê Phương cũng vậy. Nhưng hai cuộc chiến tranh đó đã là quá khứ xa xôi. Xét về quân sự Việt Nam ngày nay cũng không phải yếu kém đâu. Đông dân, đa phần là thanh niên, nên dễ dàng thành lập một đội quân đông đảo để chống ngoại xâm.

Hình thể đất nước tuy dài nhưng địa thế phòng thủ thuận lợi cho kiểu chiến tranh nhân dân, nên cũng khó có nước nào chiếm hẳn được nước mình. Nhưng cái khổ là chỉ thuận lợi để bảo toàn chủ quyền chung chung thôi, chứ không phải là giữ được vùng biển với lại vùng biên giới, nếu vũ khí của anh không bằng một góc của bọn kia thì lại càng khó.

Mà thực ra những cái thuận lợi có sẵn cũng không phát huy được vì rốt cục năm 2000 và mới đây liên tục phải nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc. Trong khi ngư dân bị bọn Tàu nó ngang nhiên xả súng bắn chết ngay trong Vịnh Bắc Bộ thì chính quyền thì chỉ phản ứng lấy lệ một cách yếu ớt. Bọn trẻ chúng em cứ nghĩ tới là tức điên lên được. Mới đây thì lại còn để cho hải quân Trung Quốc vào tuần tra chung trong vịnh Bắc Bộ của mình nữa chứ. Rất vô lý.

Việt Long: Riêng việc tuần tra chung thì thực ra là biện pháp người ta thường làm trong những vùng biển có tranh chấp để tránh xung đột, như Việt Nam cũng đã làm với Thái Lan. Bạn nói là tức điên lên thì tôi rất thông cảm, nhưng các bạn có bao giờ tìm hiểu tại sao mình có danh tiếng về quân sự hằng nghìn năm nay như thế mà bây giờ lại phải chịu nhún với Trung Quốc?

Lê Phương: Trong chế độ độc đảng lãnh đạo hiện nay nhiệm vụ quân đội, công an là trước hết là bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đã, tổ quốc xếp sau. Anh cứ thử nghe chương trình phát thanh quân đội nhân dân lúc 9 giờ tối giờ Hà Nội mà xem. Câu đầu tiên của chương trình này luôn là "Quân đội ta trung với đảng, hiếu với dân", tổ quốc có thấy được nhắc đến đâu. May là cái thế giới đại đồng không cần tổ quốc đã bị lẳng lặng bỏ xó rồi đấy.

Đấy là những sự thật ngay trước mắt, ai cũng biết nhưng thôi không nói tiếp chuyện này vì nó động chạm tới chính trị, dễ bị chụp mũ phiền hà lắm.

BillGatesStudent200.jpg
Tỷ phú Bill Gates trao học bổng cho học sinh trường đại học Bách khoa Hà Nội hôm 22-4-2006. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Việt Long: Thế thì chúng ta đã cùng điểm sơ qua về kinh tế và quân sự. Còn về văn minh văn hoá và các yếu tố mang tính truyền thống thì sao? Cứ theo báo chí trong nước thì dân ta luôn tự hào vào truyền thống yêu nước đánh giặc ngoại xâm, tính cần cù thông minh và nhiều thứ khác nữa. Bạn có nghĩ đó là cái vốn lớn của dân tộc mình không?

Lê Phương: Xét cho cùng thì dân tộc nào mà chẳng tự hào về nguồn gốc và các truyền thống của mình. Ai cũng thế nên đấy lại không phải là ưu thế mà chỉ chúng ta mới có để mong chờ vào nó mà vượt lên trên các nước khác.

Dĩ nhiên thế hệ trẻ luôn phải trân trọng quá khứ để biết mà nâng niu cảnh thanh bình quý giá hôm nay, nhưng đừng nên lúc nào cũng lôi ra. Chiến tranh kết thúc lâu rồi, thế giới văn minh họ đã phát triển vượt bậc, tiếp tục gặm nhấm quá khứ không làm cho người dân quên đi cơn đói hiện tại nữa đâu.

Hãy nhìn thẳng vào sự thực chua xót, 197 năm nữa thì mới bằng được Singapore bây giờ, mà Singapore là cái gì. Họ chỉ là một hòn đảo nhỏ bé và rất nghèo nàn về tài nguyên, đến nước uống cũng phải đi nhập khẩu. Thế mà tụt hậu sau họ tới hai thế kỷ. Thật quá xấu hổ.

Việt Long: Tụt hậu là một thực tại mà nhiều người hiểu biết trong nước đã vạch ra và chính quyền cũng lẳng lặng nhìn nhận đấy, nhưng lãnh đạo Việt Nam thường nói là vẫn có thể đi tắt đón đầu, bạn nghĩ sao?

Lê Phương: Nói được nhưng anh phải làm được. Còn thực tế bây giờ nói đi tắt đón đầu thì vẫn mãi chỉ là một khẩu hiệu suông, ru ngủ nhân dân.

Việt Long: Khoan đã, bạn vui lòng chứng minh đã. Lê Phương: Lấy ngay như ngành công nghệ thông tin, rõ ràng khởi động sau thế giới khoảng 30 năm nên gặp thuận lợi rất lớn vì tận dụng được ngay những kinh nghiệm và thành quả công nghệ tiên tiến nhất, nhưng rốt cục thì sao? Tới giờ hóa ra lại tụt hậu sau thế giới cả chục năm. Bill Gates sang thăm, cũng tưởng là nhiều thuận lợi lắm, nhưng có ký kết được cái gì to tát đâu. Bởi vì hạ tầng và con người của mình vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém quá.

Còn nói rằng muốn đón đầu, anh phải tạo ra được những công nghệ mới có tính tiền phong mang giá trị khoa học hoặc kinh tế cao để sau một thời gian thế giới họ phải bắt chước anh, và lúc ấy anh ở top đầu do đã đi trước các nước. Nhưng thử hỏi Việt Nam đã sáng tạo được ra cái gì đáng kể nào?

Bạn nghe đài nào muốn thảo luận về những ý kiến đó, thì xin hãy gửi email tới ban Việt ngữ ở địa chỉ: Vietweb@rfa.org hoặc gọi điện tới hộp thư thoại 202 530 7775.

Làm sao mà sáng tạo được với chính sách giáo dục và cơ chế kìm hãm con người hiện nay. Hay là theo học người ta vẫn còn lọng cọng? Hay là vẫn chỉ là mấy cái khẩu hiệu định hướng? Đến tăng giá xăng mà cũng nói tăng giá định hướng thì hết biết luôn. Phải tăng thì tăng thôi, dân cũng thông cảm, chứ còn gắn cái đuôi định hướng vào chỉ nghe nó “xã hội chủ nghĩa” thêm thôi. Thật buồn cười.

Việt Long: Vừa rồi thì bạn đã nói đến nền kinh tế tri thức đấy, bạn có nghĩ đến việc Việt Nam phải chuyển hướng thế nào để sớm thực sự trở thành nền kinh tế tri thức không?

Lê Phương: Em chả nghĩ làm gì. Bởi vì muốn phát triển nền kinh tế tri thức phải đào tạo được những công nhân kỹ thuật có tay nghề cao với lại đội ngũ các nhà khoa học trẻ tài năng. Nhưng với chính sách giáo dục nhồi nhét và đã bị chính trị hóa hoàn toàn hiện nay thì bó tay rồi. Phát triển bình thường đã khó, huống hồ đòi xây dựng nền kinh tế tri thức.

Việt Long: Như thế bạn đã cho rằng Vịêt Nam hiện đã là một nước nhỏ rồi, và cái cần nhất lúc này là làm thế nào để thoát khỏi thân phận nhược tiểu. Nhưng dù vậy thì bạn cũng thử nghĩ xem không lẽ lớp trẻ trong nước như bạn cứ bó tay chịu mãi cảnh thua kém hay sao? Bạn thường nhìn thấy một đôi chút lạc quan ở mọi vấn đề mà?

Lê Phương: Vâng, trong cuộc sống thì nên luôn lạc quan. Đại hội đảng vừa kết thúc nên có thể sẽ có một đôi chút cởi mở nho nhỏ nào đó. Nhưng với hệ thống chính trị và cái vòng kim cô chủ nghĩa Mác-Lê Nin hiện nay thì Lê Phương không dám hy vọng nhiều.

Thật đau xót vì nếu Việt Nam không sớm có một sự thay đổi thì chắc chắn sẽ vĩnh viễn bị thế giới bỏ lại phía sau. Cũng xin nói luôn rằng chúng ta cần nhìn thẳng vào những yếu kém để cùng chung sức đóng góp cho đất nước, chứ Lê Phương không có ý bài xích gì cả. Ai cũng mong ý kiến của mình nhận được sự đồng cảm của nhiều người, nhưng đây cũng chỉ là suy nghĩ rất hạn hẹp của một thanh niên và có thể hòan toàn sai bét. Vậy nếu bạn thính giả nào có thấy sai ở đâu thì xin cứ việc nêu ý kiến và tranh luận, chứ đừng có chụp mũ này nọ. Mệt lắm.

Việt Long: Vâng, cảm ơn và chào bạn Lê Phương. Điều đáng quý là bạn đã nói lên ý kiến của mình để đóng góp với xã hội. Bạn nghe đài nào muốn thảo luận về những ý kiến đó, thì xin hãy gửi email tới ban Việt ngữ ở địa chỉ: vietweb@rfa.org hoặc gọi điện tới hộp thư thoại 202 530 7775. Việt-Long kính chào quý vị và các bạn.