Khoa Luật, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội công bố mở chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Công bố này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà quan sát và chuyên gia. Đặc biệt phản hồi của công luận về việc này lại có phần nhiều châm biếm và mỉa mai.
Vì sao lại như thế?
Xa cách thực tế
Chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng được truyền thông chính thống trong nước đưa tin khá nhiều. Cũng không thiếu những bài phân tích nêu lên quan điểm đối lập của các Phó Giáo sư, Tiến sĩ trong nước.
Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) – Singapore, ông Hà Hoàng Hợp, trên thế giới đã có các trường Đại học có ngành học này, đặc biệt là những quốc gia có trình độ minh bạch cao, nhưng không phải là nhiều.
"Đào tạo về chống tham nhũng theo tôi hiểu không phải là nhiều nơi có. Vì chống tham nhũng là 1 khu vực rất hẹp về mặt kỹ thuật. Mình hiểu đó là các vấn đề lớn về luật liên quan đến các vấn đề minh bạch, liêm chính, kèm theo đó là các nhân tố cụ thể về chống tham nhũng.
Tham nhũng thuộc về rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó thì cơ quan bảo vệ pháp luật hay giới tư pháp đều có các ngành học đấy nhưng chủ yếu liên quan đến ngành tội phạm học. Còn trường Luật của ĐHQG Hà Nội đào tạo thiên về các vấn đề cơ bản của phòng chống tham nhũng."
<i> <i>Đào tạo về chống tham nhũng theo tôi hiểu không phải là nhiều nơi có. Vì chống tham nhũng là 1 khu vực rất hẹp về mặt kỹ thuật. </i> <i>Mình hiểu đó là các vấn đề lớn về luật liên quan đến các vấn đề minh bạch, liêm chính, kèm theo đó là các nhân tố cụ thể về chống tham nhũng. - Ông Hà Hoàng Hợp</i> </i>
PGS-TS Vũ Công Giao thuộc Khoa Luật, Đại Học Quốc Gia Hà Nội khẳng định với Báo Người Lao Động rằng khi xây dựng chương trình, Khoa Này rất chú trọng đến việc trang bị cho học viên cả kiến thức lý luận và những hiểu biết thực tế. Mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực hữu ích cho các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, với thạc sĩ về luật quốc tế Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thì đưa ra câu hỏi khá đắn đo: “Làm sao có thể học phòng chống tham nhũng được?” Lý do được ông phân tích.
“Tham nhũng không phải chỉ là 1 ngành học mà nó hiện diện ở khắp nơi khắp chỗ, và đặc biệt tham nhũng chỉ có ở những người có chức vụ quyền hạn. Người bình thường làm sao có thể tham nhũng được. Vì thế nó cũng vướng 1 chỗ là học ra thì áp dụng như thế nào? Nơi nào sẽ nhận để phòng chống tham nhũng đây?”
Một câu hỏi rất thực tế khác được thạc sĩ Hoàng Việt nêu lên, đó là phòng chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam có thật sự là phòng chống tham nhũng hay không? Hay chỉ là những lý thuyết trên giấy trắng, mà ngay cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thốt lên rằng “chống tham nhũng rất khó khăn.”
Vẫn theo thạc sĩ Hoàng Việt, ông chia sẻ lời của những người trong ngành công an cho biết không có gì đáng sợ bằng có một chính trị gia nào đó đứng phía sau những đường dây bảo kê của băng nhóm xã hội đen.
Do đó, ông nghĩ rằng:
“Tham nhũng nó nằm ngay trong cơ chế chính trị và những người đầu não quan trọng, nó khó chứ không phải là học lý thuyết sẽ không giải quyết được vấn đề gì.”
<i> <i>Tham nhũng nó nằm ngay trong cơ chế chính trị và những người đầu não quan trọng, nó khó chứ không phải là học lý thuyết sẽ không giải quyết được vấn đề gì. - Thạc sĩ Hoàng Việt</i> </i>
Dư luận trong nước đón nhận ngành học này với tâm thế khá “mỉa mai”. Hàng loạt những lời chia sẻ, những câu hỏi ngắn được đưa lên mạng xã hội Facebook như: “Thạc sĩ chống tham nhũng’, buồn cười quá!” ; hay “Thạc sĩ chống tham nhũng ư? Chống được ai?’…
Tính chất của những phản hồi này được thạc sĩ Hoàng Việt lý giải là do chính quyền Việt Nam chưa làm được phần quan trọng nhất, đó là thực tế đang diễn ra trong xã hội.
“Thực chất tham nhũng phát triển rất mạnh. Chúng ta thấy ở Việt Nam bây giờ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lôi ra 1 loạt Thượng tướng, Trung tướng bên quân đội và công an, những nơi gọi là thanh kiếm và lá chắn của Đảng, thì phát hiện ra họ liên quan đến tham nhũng rất nhiều.
Những câu chuyện thực tế rất khó làm.”
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, gần như 1 thời gian dài, các cơ quan được lập nên cho mục tiêu phòng chống tham nhũng ở Việt Nam làm việc gần như không hiệu quả. Hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến quan chức cấp cao của nhà nước bị “lột trần” trong thời gian gần đây. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh đó chính là lý do để người dân trong nước không còn niềm tin vào cụm từ “phòng chống tham nhũng” và có những phản hồi mỉa mai trên mạng xã hội.
Vẫn có sự tích cực
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan giáo dục, thì đề xuất đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng vẫn có những quan điểm tích cực.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tin rằng trước khi đề xuất này được công bố, nó đã nhận được nhiều sự ủng hộ, trước tiên là của Bộ Giáo dục, Quốc hội Việt Nam, các giới nghiên cứu và làm luật ở Việt Nam. Ông cũng tin rằng tuy người dân trong nước chưa tin tưởng rằng ngành học này sẽ có thể thay đổi tình trạng tham nhũng, nhưng ông nghĩ rằng trong lòng mỗi người dân sẽ có sự ủng hộ. Và theo ông đó chính là mặt tích cực.
“Phê phán cũng là ủng hộ. Những người tiếp nhận sự phê phán đó, kể cả những phê phán chua cay thì nên tạo ra 1 văn hoá lắng nghe, và tìm ra sự tích cực trong đó.
Nói tiêu cực thì bản chất của tham nhũng là tiêu cực, vậy thì chống tham nhũng phải là tích cực. Nếu nghĩ chống tham nhũng là tiêu cực thì nó có 1 vấn đề nào ở đâu đó mà cần phải phân tích thêm về mặt tâm lý, xã hội.”
<i> <i>Ở Việt Nam gần như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, từ giáo dục, y tế…cho nên phải có những nghiên cứu trong từng ngành một. Ví dụ liên quan đến vụ mua điểm gần đây, có phải là tham nhũng không? Nếu là tham nhũng thì kẻ hở nằm ở đâu? Có cách nào ngăn chặn không? Đó là những vấn đề mà những người học phải nghiên cứu và chỉ ra thực tế. - Thạc sĩ Hoàng Việt</i> </i>
Cá nhân thạc sĩ Hoàng Việt cũng thừa nhận mặt tích cực của ngành học này. Cụ thể ông nói rằng nếu có những nghiên cứu sâu thì rất tốt.
“Ở Việt Nam gần như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, từ giáo dục, y tế…cho nên phải có những nghiên cứu trong từng ngành một. Ví dụ liên quan đến vụ mua điểm gần đây, có phải là tham nhũng không? Nếu là tham nhũng thì kẻ hở nằm ở đâu? Có cách nào ngăn chặn không? Đó là những vấn đề mà những người học phải nghiên cứu và chỉ ra thực tế.”
TS Đinh Văn Minh,Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra có hẳn 1 bài phân tích về ngành đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Trong đó ông khẳng định: Những băn khoăn về một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ mới liên quan một “căn bệnh” nhức nhối hiện nay là điều dễ hiểu. Và nó lại càng cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức của mọi người về tham nhũng và PCTN, không chỉ với người dân mà ngay cả với đội ngũ cán bộ công chức, thậm chí của cả một số người được gọi là nhà khoa học.