Nâng thu nhập bằng vùng nông nghiệp chuyên canh

Nông dân 13 tỉnh Tây Nam Bộ được mô tả là “nghèo khó trên đống vàng”. Mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 18% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam.

0:00 / 0:00

Thiết lập vùng chuyên canh

Để phát triển bền vững khu vực này cần những giải pháp tổng thể, tuy vậy đề xuất thiết lập các vùng nông nghiệp chuyên canh được xem là một giải pháp cấp thời, giúp nâng cao lợi tức nông dân.

Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này qua phỏng vấn TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng Trọt, từ Cần Thơ trước hết TS Dư phân tích:

Vùng nông nghiệp chuyên canh phải hình thành vì đấy là chuyện bắt buộc phải làm. Thí dụ về sản xuất lúa gạo chúng tôi phải thực hiện những vùng chuyên canh. Lý do là lúa hàng hóa từng bước phải có trade mark (thương hiệu), nếu không có vùng chuyên canh thì không thể đào tạo được nông dân am hiểu việc này, thứ hai nữa không thể sản xuất số lượng lớn theo yêu cầu.

Chúng tôi cần những vùng chuyên canh, những cơ sở đóng gói, cơ sở về an toàn thực phẩm kiểm soát đầu sản xuất kiểm soát đầu ra…rồi mã vùng code vùng để được các nước người ta chấp nhận thì phải có những vùng nguyên liệu.

TS Phạm Văn Dư

Ví dụ, yêu cầu nội địa hay xuất khẩu chẳng hạn luôn yêu cầu phải có thương hiệu hay yêu cầu số lượng lớn và người ta cũng cần khả năng truy nguyên nguồn gốc…Khi hình thành vùng nguyên liệu lớn đó, thì tất cả mọi việc có thể làm được.

Trước đây, nông nghiệp từng bước phát triển dần dần từ sản xuất nhỏ…cho đến bây giờ là thời điểm để Việt Nam hội nhập cộng đồng quốc tế, tất cả những việc đó yêu cầu là làm sao các vùng nguyên liệu phải được hình thành.

Nam Nguyên: Cụ thể về từng sản phẩm nông nghiệp thì sẽ tổ chức thế nào?

TS Phạm Văn Dư: Thí dụ về lúa gạo, chúng tôi có các vùng nguyên liệu của từng tỉnh một, và tỉnh này sản xuất ba giống chúng tôi biết được nguồn gốc sản xuất ba giống đó từ đâu; tỉnh kia làm 5 giống, tỉnh nọ 2 giống ..v..v..tôi cân đối được sản lượng, biết được chất lượng và kiểm soát được.

Thứ hai nữa về cây ăn quả, Việt Nam là một trong những nước sản xuất cây ăn quả nhiệt đới có tiếng, nhưng nếu muốn yêu cầu một sản lượng lớn thì lại không có! Chẳng hạn như trái Thanh Long, muốn đặt hàng số lượng lớn thì không có. Thành ra chúng tôi cần những vùng chuyên canh, trong đó xây dựng những cơ sở GAP (*thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), những cơ sở đóng gói, cơ sở về an toàn thực phẩm kiểm soát đầu sản xuất kiểm soát đầu ra…rồi mã vùng code vùng để được các nước người ta chấp nhận thì phải có những vùng nguyên liệu.

Nhà nông, nhà nước cùng hợp tác

Nam Nguyên : Trước kia đã có chủ trương liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học), nhưng người ta nói là bị phai nhạt, nhà nước chưa thực hiện vai trò của mình. Vậy thì ai sẽ chủ trì tổ chức những vùng nông nghiệp chuyên canh?

nongdanthu-hoach-lua-AFP-250
Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa mùa. AFP photo (AFP photo)

TS Phạm Văn Dư: Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn sẽ đứng ra làm các vùng nông nghiệp chuyên canh dưới sự chỉ đạo chung của chính phủ. Tôi nghĩ nó đã hình thành chứ không phải mờ nhạt, lúc này liên kết bốn nhà rõ ràng hơn, người nông dân làm ra sản phẩm thì bán cho ai, nhu cầu là bao nhiêu và chúng ta sản xuất ra sản phẩm để cho có người mua. Và người mua họ bán ra thì phải có thị trường, thì thị trường ở đâu? ..v..v

Trước đây những việc đó không rõ, nhưng bây giờ rất là rõ, thị trường đang mở rộng. Nhu cầu liên kết càng chặt chẽ, doanh nghiệp, những người làm công tác thương mại nhận biết rõ họ cần có nguồn nguyên liệu tương đối ổn định. Ví dụ, doanh nghiệp cần chỉ một giống lúa để ký hợp đồng bán cho châu Âu hay Nhật chẳng hạn thì họ phải liên kết với nông dân, ông nông dân làm ra được giống đó thì mới bán được cho nhà doanh nghiệp đó.

Đó là yêu cầu hết sức cần thiết, Bộ NN-PTNT đang củng cố vấn đề này lại và chỉ đạo chặt chẽ. Chúng tôi đang xem xét và thảo luận với các bên có liên quan tới nông dân, để làm sao liên kết bốn nhà mạnh hơn chặt chẽ hơn. Yêu cầu đó, nếu không làm được, anh làm ra để bán cho ai số lượng bao nhiêu, ông doanh nghiệp có đầu ra rồi nhưng họ không biết mua ở đâu. Thí dụ các siêu thị sử dụng các mặt hàng sạch gọi là sản phẩm nông nghiệp sạch GAP, thì các siêu thị đặt hàng nông dân. Đấy là doanh nghiệp hợp tác, nhưng mà muốn có giống tốt, phương thức canh tác tốt thì phải biết phương thức khoa học cần các nhà khoa học giúp đỡ phương diện gì. Nói chung từ giờ phút này sự liên kết sẽ tốt hơn và chặt chẽ hơn.

Nam Nguyên: Tập họp nông dân lại một cách có tổ chức thường gặp rất nhiều trở ngại, nhất là nông dân không quen hợp tác hóa hoặc dị ứng với hợp tác hóa trước kia. Vậy làm thể nào để khắc phục vấn đề này.

TS Phạm Văn Dư: Không, việc ấy bây giờ rõ ràng là tự nguyện rồi, nói chung là không bắt buộc việc ăn chia như ngày xưa. Bây giờ sự hợp tác trên cơ sở về mặt kỹ thuật, tất cả đều phải lệ thuộc kinh tế thị trường. Chứ không phải như ngày xưa cùng làm cử người rồi ăn chia theo kiểu cũ, không phải thế. Hợp tác xã bây giờ là khác, mới hơn, ứng dụng theo các nước.

Đó là yêu cầu hết sức cần thiết, Bộ NN-PTNT đang củng cố vấn đề này lại và chỉ đạo chặt chẽ. Chúng tôi đang xem xét và thảo luận với các bên có liên quan tới nông dân, để làm sao liên kết bốn nhà mạnh hơn chặt chẽ hơn.

TS Phạm Văn Dư

Nam Nguyên: Nhưng người nông dân cần được thông tin đầy đủ để chấp nhận cái mới, chắc họ sẽ được thuyết phục?

TS Phạm Văn Dư: Chính họ phải tự nguyện chứ, tự nguyện tham gia. Ví dụ công ty phân bón đem đến bán với giá phải chăng, và nếu trong hợp tác đương nhiên họ mua được phân bón với chất lượng cao hơn. Thí dụ nhà nước cùng hợp tác giới thiệu các công ty có chất lượng tốt xuống đó. Hơn nữa nông dân sẽ bán được với giá trị cao hơn, thu nhập họ cao hơn… theo như điều kiện đất đai sẵn có của họ hay đầu tư của họ chứ không dính líu gì tới những việc như ngày xưa hết. Bây giờ đây là hình thức mới giống như các nước.

Nam Nguyên: Thưa, những người nông dân làm diện tích nhỏ 1-2 ha thôi, họ có thể tham gia chương trình này hay không?

TS Phạm Văn Dư: Tất cả đều tham gia được hết, có thể là 5-3 công đất chứ 1-2 ha là lớn rồi, thường thường chừng 05 ha thôi. Mọi người có thể tham gia. Ví dụ một hợp tác hóa sản xuất lúa giống 70 ha chẳng hạn, có thể đóng góp trong đó 05 công ruộng thôi, 05 công thì sản xuất một lượng giống nhỏ thôi nhưng có thể kiểm soát hết sức chặt. Sau đó bao nhiêu đơn vị giống trên ha của mình thì nhận tiền bán tương đương với giá trị bên ngoài.

Nhưng mà sẽ được lợi nhiều thứ, thí dụ vấn đề điều hành nước, khi thiếu nước trong đó người ta bơm nước chung cho anh, cần mua phân bón sẽ có công ty đưa phân bón tới bán. Nói chung trong hợp tác hóa sẽ tạo điều kiện để nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm ra sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra để nông dân đứng bên ngoài, họ sẽ không nắm được kỹ thuật, sản xuất rất linh tinh, bây giờ chúng tôi có kế hoạch gieo sạ đồng loạt chẳng hạn, nếu một người đứng bên ngoài thì không thể làm được, tất cả những cánh đồng sẽ gieo sạ cùng một lượt.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Phạm Văn Dư đã trả lời RFA

Theo dòng thời sự: