Bài phát biểu của Ðại sứ Michael Marine tại trường UC Irvine, California

Ðằng Phong, phóng viên đài RFA

Vào hôm thứ năm 27 tháng 10, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine đã đến nói chuyện tại trường đại học UC Irvine, tiểu bang California, để trình bày nhận xét của ông về những vấn đề Việt Nam hiện nay. Đằng Phong của ban Việt Ngữ chúng tôi có đến tham dự và tường thuật như sau.

MichaelMarine150.jpg
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine nói chuyện tại trường đại học UC Irvine, tiểu bang California. Photo by Dang Phong/RFA

Trước sự hiện diện của khoảng 90 người, trong đó có những sinh viên, giáo sư, cựu quân nhân, phóng viên, và những người quan tâm về vấn đề của Việt Nam, trong phòng hội trường đại học UC Irvine, ông Michael Marine đã trình bày làm rõ nét quan điểm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Trong vòng 15 phút, ông đã đề cập đến rất nhiều vấn đề của Việt Nam, từ lãnh vực kinh tế, y tế, bang giao đến những vấn đề chính trị, tự do, và nhân quyền. Ông đã giữ một thái độ rất trung dung, khen Việt Nam về những gì ông cho rằng là tích cực, và phê bình Việt Nam về những gì ông cho rằng là tiêu cực.

Duyệt lại mối quan hệ sinh động Mỹ - Việt

Ông Marine mở đầu: "Điều tôi sẽ làm hôm nay là duyệt lại mối quan hệ sinh động với Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Giữa chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan văn Khải và những cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước. Năm nay là cơ hội tốt để tăng cường mối giao hảo đó.

Mặt khác, mối quan hệ thắt chặt hơn cũng đem lại những thách đối cao hơn và kinh tế, thương mại, chính trị, và tương quan toàn cầu giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, 49 quốc gia mà Việt Nam phải đương đầu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Hoa Kỳ hy vọng sẽ sát cánh với Việt Nam.”

Ông Marine cho rằng là Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết để xây dựng một mối quan hệ vững mạnh, mặc dù lịch sử bi thảm giữa hai nước. Ông nói rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là gương mẫu cho sự quan hệ giữa nhiều quốc gia khác. Ông Marine cho biết là hiện nay 1/5 những hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Theo ông thì Việt Nam đang trong đà gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới, WTO, nhưng để đạt mục tiêu đó, Việt Nam vẫn còn một số điều phải làm.

Hoa Kỳ tiếp tục quan ngại rằng chính phủ Việt Nam vẫn còn bắt bớ những người bất đồng chính kiến, tiếp tục đàn áp. Và thậm chí, không muốn nói đến vấn đề dân chủ đa nguyên. Ngoài ra, điều không thể chấp nhận là nhân dân Việt Nam chưa hưởng được những quyền căn bản về tôn giáo, ngôn luận, báo chí, hội họp... như nhân dân Hoa Kỳ và nhiều dân tộc khác trên thế giới được hưởng.

“Vào khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hy vọng vào năm 2006, thì triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư rất sáng sủa. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến bộ cải tổ kinh tế đừng để mất thêm cơ hội nào nữa.

Việt Nam cần cải tiến hệ thống tài chánh để nguồn đầu tư được nhanh chóng đến với những ai quản lý nó hiệu quả hơn. Việt Nam còn phải xây dựng một hệ thống pháp lý minh bạch và không bị tham nhũng hoành hành.”

Bên cạnh những vấn đề kinh tế, ông Marine cũng nói đến hai vấn nạn y tế mà Việt Nam đang phải đối phó hiện nay là bệnh dịch cúm gia cầm và bệnh liệt kháng HIV. Ông cho biết là Hoa Kỹ khẳng định sẽ giúp Việt Nam vượt qua hai dịch bệnh này, vì giúp Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào sự an ninh y tế của nhân loại nói chung.

Những khác biệt trong quan điểm

Ngoài ra, thêm một trong những điểm quan trọng mà ông Marine nêu lên là những khác biệt trong quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông đặc biệt chú ý đến tình trạng còn thiếu nhân quyền tại Việt Nam hiện nay. Tình trạng này, ông nói là một cản trở lớn trong quan hệ giữa hai nước, mà đáng lẽ có thể thân mật hơn.

“Một lãnh vực mà chúng ta có những khác biệt đáng kể với Việt Nam là nhân quyền, kể cả quyền tự do tôn giáo. Chính phủ Việt Nam tự hào cho rằng đã đạt được tiến bộ toàn diện trong các lãnh vực nhân quyền, giáo dục và xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục quan ngại rằng chính phủ Việt Nam vẫn còn bắt bớ những người bất đồng chính kiến, tiếp tục đàn áp. Và thậm chí, không muốn nói đến vấn đề dân chủ đa nguyên. Ngoài ra, điều không thể chấp nhận là nhân dân Việt Nam chưa hưởng được những quyền căn bản về tôn giáo, ngôn luận, báo chí, hội họp... như nhân dân Hoa Kỳ và nhiều dân tộc khác trên thế giới được hưởng.

Hoa Kỳ tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, đồng thời Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ cổ vũ ý tưởng nhân quyền ở Việt Nam, nhắc nhở chính quyền Việt Nam rằng những điều kể trên không phải là các đặc quyền, mà phải là điều mà người dân được hưởng như người người trên toàn cầu đều phải được hưởng.”

Ông Marine đã chấm dứt bài diễn văn bàng lời kêu gọi giới trẻ Việt Nam sống tại Mỹ hãy đóng góp vào việc xoá ngăn cách giữa hai nước. Ông khuyến khích mọi người về thăm Việt Nam để nhận thấy được tình trạng của Việt Nam ngày nay và đừng bám vào hình ảnh Việt Nam của 35 năm trước.

Nói cho cùng thì trong buổi nói chuyện, ông Marine cũng không thêm điều gì mới, chưa trình bày trước đây. Nhưng ông đã tóm lược một cách vắn tắt những nhận xét của Hoa Kỳ về Việt Nam trước một đám sinh viên mà ông hy vọng nay mai có thể sẽ đáp ứng những lời kêu gọi của ông.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Nam Cali.