Mức lương tối thiểu tăng không theo kịp vật giá thị trường

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Kể từ ngày một tháng 10 tới đây, hai nghị định số 118 và 117 mà Thủ tướng Việt Nam mới ký ban hành về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội sẽ bắt đầu có hiệu lực.

ShoppingMarket200.jpg
Giá cả trong nước suốt những tháng qua luôn diễn biến theo chiều đi lên. AFP PHOTO

Tuy nhiên, mức lương và trợ cấp tăng thêm đợt này có đủ bù đắp chi phí do giá tăng lâu nay hay không? Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

Giá cả trong nước suốt những tháng qua luôn diễn biến theo chiều đi lên. Thống kê cho thấy tốc độ tăng giá trong những tháng đầu năm nay ở mức bình quân xấp xỉ 0,75%; từ đó đẩy mức giá trong tám tháng đầu năm lên tới 6%. Nếu so với kỳ gốc năm 2000 thì tính đến tháng tám vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 26%. Tính riêng giá lương thực, thực phẩm thì mức tăng là hơn 37%.

Thấp hơn nhiều

Trong khi đó theo nghị định 118 điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì từ ngày 1 tháng 10 tới đây lương tối thiểu sẽ ở mức 350 ngàn đồng một tháng. Đem so với mức 290 ngàn đồng/ tháng hiện thời thì lương tối thiểu tăng được hơn 20% một chút.

Tính cụ thể ra là tăng chừng 60 ngàn đồng một tháng. Đối với lương trung bình thì tăng 140 ngàn đồng và lương cao nhất tăng 780 ngàn đồng tháng.

Với những con số vừa nêu đem so sánh cùng giá cả của những loại mặt hàng thiết yếu hiện nay thì đa số người dân đều cho rằng mức tăng lương thấp hơn nhiều so với tăng giá.

Lương mới có nhích lên chừng trăm mấy chục ngàn; nhưng giá mọi thứ trên thị trường đều tăng theo xăng dầu.

Một người dân tại Hà Nội cho biết về điều đó: "Cứ bao giờ nghe lương tăng thì giá ở ngoài tăng rồi, chẳng được gì, phải chịu đựng thôi."

Lâu nay giới công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách luôn phải chịu tình trạng lương chạy theo giá. Và lần tăng lương này cũng vậy. Đời sống của họ sẽ không có gì cải thiện đáng kể.

Một giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận định về tình hình tăng lương và giá cả leo thang: "Lương mới có nhích lên chừng trăm mấy chục ngàn; nhưng giá mọi thứ trên thị trường đều tăng theo xăng dầu."

Chuyển từ nhà nước sang tư nhân

Khu vực tư nhân hạch toán độc lập thì có linh hoạt hơn trong vấn đề tăng lương cho công nhân của họ. Dù rằng việc trả lương tuỳ thuộc hoàn toàn vào hiệu quả kinh doanh của công ty, xí nghiệp.

Một điều tra trong nước cho thấy tốc độ tăng tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp nhà nước cao hơn khu vực hưởng lương ngân sách. Hệ quả của tình trạng này khiến nhiều người làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước chuyển sang làm cho tư nhân.

Còn nếu những người vẫn tiếp tục giữ chân trong biên chế nhà nước thì hoặc phải làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập; hoặc tìm cách nào đó để có được những khoản khác để bù đắp chi phí cuộc sống càng lúc càng cao. Và lâu nay còn có ý kiến cho rằng chính mức lương thấp khiến nảy sinh ra các tình trạng tiêu cực như cắt xén công quỹ, hối lộ, tham nhũng.

"Lương luôn lẽo đẽo chạy theo giá"

Một số chuyên gia cho rằng nếu tăng lương tối thiểu lên 350 ngàn đồng tháng như hiện nay thì cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu chi tiêu của người lao động. Ngoài ra, khoảng cách giữa mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu qui định cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn lớn.

Một chuyên viên thuộc Vụ Tiền lương của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội giải thích về khác biệt giữa lương hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp cũng như mức tương ứng qui định:

"Lương doanh nghiệp thì theo hiệu quả kinh doanh, lương hành chính sự nghiệp thì từ ngân sách; tức tái phân phối. Tuy nhiên phải có mức tương ứng, ví dụ lương tổng giám đốc không thể quá cao hơn lương thứ trưởng." Theo Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi những người có công đã được quốc hội Việt Nam phê chuẩn, thì trong mấy năm qua đã có nhiều lần lương được điều chỉnh; thế nhưng chính những người trong cuộc tại Việt Nam vẫn thừa nhận 'lương luôn lẽo đẽo chạy theo giá'.