Mức lương tối thiểu điều chỉnh không theo kịp với tốc độ giá cả leo thang

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Chuyện lương tiền vẫn là mối quan tâm lớn đối với người làm công ăn lương tại Việt Nam. Trước áp lực những cuộc đình công trong thời gian qua, Bộ Lao động- Thương Binh và Xã Hội Việt Nam đang cố gắng có những biện pháp giúp làm giảm căng thẳng yêu cầu thiết yếu này.

0:00 / 0:00
AutoEconomic200.jpg
Mức lương của công nhân không đủ để trang trải cho chi phí cuộc sống ngày càng gia tăng. AFP PHOTO

Tuy vậy, nỗ lực tăng mức lương tối thiểu của Bộ này có giúp giải quyết được trăn trở về cơm áo gạo tiền cho người công nhân hay không?

Quy định theo ba khu vực

Báo chí trong nước vừa loan tin là trong năm nay ngoài việc sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung cho cả hai khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nuớc ngoài; thì còn có một thay đổi căn bản nữa đó là mức lương tối thiểu áp dụng cho khối doanh nghiệp, chủ yếu là ngoài quốc doanh, sẽ tách ra khỏi mức lương tối thiểu chung.

Khối doanh nghiệp khi trả lương tối thiểu phải dựa vào khả năng chấp nhận của thị trường lao động.

Một điểm mà báo chí trong nước đề cập đến nữa là lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp trong nước còn được quy định theo ba khu vực.

Tại những địa bàn được cho là đắt đỏ như thành phố Hà Nội và Sài Gòn thì các doanh nghiệp có thể sẽ phải trả lương cho người lao động không thấp hơn mức từ 500 ngàn đến 550 ngàn đồng một tháng, so với mức hiện nay là 350 ngàn đồng.

Lương tối thiểu chung dự kiến được điều chỉnh vào ngày 1 tháng 10 năm nay sẽ chừng từ 400 ngàn đến 450 ngàn đồng một tháng.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền Lương, thuộc Bộ Lao Động- Thương binh và Xã hội, cho biết đó là điều đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu theo lộ trình mà Bộ này đưa ra cho vấn đề tiền lương tối thiểu tại Việt Nam, chứ chưa có quyết định gì chính thức từ phía chính phủ: "Nhà nước chưa công bố, đây là nằm trong lộ trình thôi."

Giá cả leo thang

Dẫu vậy mỗi khi có tin tăng lương, người làm công thuộc bất cứ khu vực nào cũng đều có để ý nhất định dù rằng họ đều biết tốc độ giá cả leo thang luôn nhanh gấp nhiều lần so với khoản lương tối thiểu được tăng chính thức.

Một nhân viên trước đây làm việc cho Tổng công ty Dầu Khí Viêt Nam, vừa chuyển sang làm tại Tổng công ty du lịch Sài Gòn cho biết thực tế và tương quan trong việc nhận lương tối thiểu và lương thực lãnh: "Lương tối thiểu chỉ là mức cho có chứ thực lãnh phải cao hơn. Khi nhà nuớc yêu cầu tăng lương tối thiểu thì khoản lãnh ngoài bị giảm đi. Gộp lại thì như cũ."

Trong khi đó một nhân viên tiếp thị của một công ty tư nhân, thì cho rằng không biết gì về những qui định lương tối thiểu; mà người công nhân chỉ thoả thuận với chủ khi đến làm việc: "Em chẳng biết gì về qui định lương tối thiểu. Miễn sao thấy phù hợp thì làm."

Tuy nhiên mức lương mà người công nhân này thấy phù hợp vẫn không đủ để trang trải cho chi phí cuộc sống, nhất là khi bạn phải từ một tỉnh phía Bắc vào Sài Gòn sinh sống: "Đủ thứ phí hết, nên phải ăn bớt lại."

Vừa qua, một đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội của thành phố Hồ Chí Minh, đã xuống các đơn vị cơ sở để nghe báo cáo về tình hình thực hiện qui chế dân chủ, nguyên nhân và giải pháp đình công, cũng như những bất hợp lý trong Bộ luật Lao động hiện nay.

Sau khi về thì đoàn đưa ra kết luận là yêu sách của người lao động tại các cuộc đình công vừa xảy ra đều chính đáng và hợp pháp, nhất là chế độ tiền lương tối thiểu.

Hẳn nhiên Bộ Lao động- Thuơng binh và Xã hội cũng thấy được điều đó và có những biện pháp chữa cháy như đưa ra lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, như cách làm mà người nhân viên nhà nước vừa cho biết thì điều chỉnh lương tối thiểu vẫn không giúp giải quyết được gì trong xu thế hiện nay của Việt Nam.