Tâm tư của thế hệ trẻ sinh tại hải ngoại qua âm nhạc

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Một 30 tháng Tư nữa lại đến. Đối với người Việt ở các phương trời, đây là lần tưởng niệm thứ 31 về biến cố khiến họ phải rời xa quê hương.

0:00 / 0:00
QuynhAnh150.jpg
Nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh. Photo courtesy of quynhanh-music

Thế hệ thứ hai của đợt di tản, nay đã gặt hái thành quả đáng kể nơi đất định cư, nhiều bạn trẻ mong muốn đem khả năng cùng với tấm lòng rộng mở thương yêu, ra giúp cải tiến đời sống dân chúng Việt Nam, đất nước mà các em chỉ biết qua lời cha mẹ kể, hoặc qua sách báo, phim ảnh. Sinh ra sau chiến tranh, và nhất là với tâm hồn trong sáng của tuổi trẻ, các em nhìn về quê cha đất mẹ như thế nào, Dương Triệu Vũ diễn tả

“Viễn khúc Việt Nam” …

Bên phương trời Âu, lứa trẻ gốc Việt cũng mang tâm tư chẳng khác gì các bạn ở Hoa Kỳ.

Vào những ngày cận Tết năm nay, một số người Việt hải ngoại đã chuyền cho nhau nghe bài “Bonjour Vietnam” do Phạm Quỳnh Anh hát. Sinh trưởng ở Bỉ, Quỳnh Anh năm nay 19 tuổi, theo học trường Thông ngôn.

Cô vẫn ở với cha mẹ tại Mons (một thành phố cách thủ đô Bruxelles của Bỉ lối chừng nửa tiếng đồng hồ lái xe) nhưng thường qua lại Paris để xúc tiến việc ca hát cho công ty Rapas thuộc Universal tại Pháp.

Bài “Bonjour Vietnam” do một ca nhạc sĩ người Pháp là Marc Lavoine viết riêng cho cô gái gốc Việt, Quỳnh Anh thể hiện.

Vào đầu tháng Hai năm nay, khi ca khúc “Bonjour Vietnam” lọt ra trên Net thì tên tuổi Phạm Quỳnh Anh vụt nổi lên như một hiện tượng với các cộng đồng người Việt hải ngoại, cũng như với người trong nước.

“Bonjour Vietnam” …

Thương chào Việt Nam Hãy giảng giải cho tôi về cái tên khó phát âm mà tôi mang từ thuở sơ sinh, về đất nước thời xưa, và làn mắt xếch của tôi, đôi mắt biểu lộ hơn những điều không nói ra Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh chiến tranh qua phim của Coppola với bầy trực thăng cuồng nộ ...

Một ngày nào đó, tôi sẽ về chào hồn thiêng dân tộc Một ngày nào đó, tôi sẽ về chào Việt Nam Hãy giảng giải cho tôi về sắc da, màu tóc và đôi chân nhỏ nhắn của tôi từ khi ra đời Hãy kể tôi nghe về nhà cửa, đường phố, về vùng quê xa lạ, có những phiên chợ nổi và ghe xuồng Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh chiến tranh qua phim của Coppola với bầy trực thăng cuồng nộ ...

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào Việt Nam Đi viếng các ngôi chùa và tượng Phật, thay cho cha, chào những phụ nữ làm lụng trên ruộng đồng, thay cho mẹ Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi sẽ gặp lại anh em, tìm gặp tâm hồn, cội nguồn, đất tổ ...

Một ngày kia, tôi sẽ về chào hỏi hồn mình Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam” ( Thy Nga dịch thuật )

Sau khi nghe bài hát, bác Từ Huy trong nhóm Cao niên ở Hoa Kỳ có lời nhắn với Quỳnh Anh, mà chúng tôi xin trích như sau:

“Lời thật mộc mạc, nói lên tâm tư của thế hệ trẻ sinh tại hải ngoại, nhìn về một xứ sở xa lạ mà họ còn rất mù mờ. Về thăm, họ cần tìm hiểu vì sao, và trong trường hợp nào mà cha mẹ phải rời bỏ quê hương; để từ đó, cảm nhận cái may mắn mà họ đang được hưởng, và cảm nhận thêm về nỗi gian nan của cha mẹ, của thế hệ trước.

Về tìm hiểu, các bạn trẻ cần đi từ thành phố tới thôn quê thì mới thấu đáo chứ không thể chỉ như du lịch, nhìn cái bề ngoài hào nhoáng của đô thị mà thôi.”

Tình cảm của lứa trẻ làm nhiều người nao lòng. Lời hát “Bonjour Vietnam” đã gây cảm hứng cho ông Sơn Nghị viết nên một bài dài, ghi lại những xúc động:

“Giọng hát Quỳnh Anh cao vút, rồi trầm lắng vào các đoạn nhắn gửi. Cô chỉ nghe nói đến mảnh đất này qua sách báo, qua phim ảnh mà chưa hề đặt chân đến. Ôi! bản nhạc diễn tả nỗi khắc khoải của lớp trẻ muốn tìm về cội nguồn để thấy lại màu da, để ngửi mùi của đất, của núi rừng và biển mặn, và từ đó hiểu được nỗi cơ cực của cha ông đã từng giữ nước bằng máu và mồ hôi …”

Và sau khi “cám ơn dòng nhạc, giọng hát đã chuyên chở cả một trời Việt Nam đến cho mọi người Việt” ông viết:

"Tôi thương nhất hai tiếng "Việt nam" Quỳnh Anh buông nhẹ ở cuối bài hát … nghe như hương thơm ngày cũ phả nhẹ vào lòng tôi …" "Bonjour Vietnam" …

Thy Nga đã tường trình câu chuyện này cùng quý thính giả trong một kỳ trước. Tuần qua thì Thy Nga điện thoại sang Mons, hỏi thăm xem việc phát hành bài "Bonjour Vietnam" ra sao thì mẹ của Quỳnh Anh, bà Trần thị Minh Huệ, cho biết tiếp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhiều nhóm ở Hoa Kỳ, Anh, và châu Á mời Phạm Quỳnh Anh sang hát bài “Bonjour Vietnam” tuy nhiên, cô cùng với cha mẹ tiếp tục theo con đường đã dự tính, và không vì thế mà thay đổi nếp sống.

Trong âm thanh bài “Viễn khúc Việt Nam”, Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả và các bạn trong mục này kỳ tới.