Việt Hà phỏng vấn bà Melody Mociulcki, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của tổ chức Clear Path International (CPI), một trong các tổ chức đang tham gia rà phá bom mìn và giúp đỡ nhiều nạn nhân của bom mìn tại khu vực Đông Nam Á.
Hoạt động của CPI
Trước hết bà Mociulski giới thiệu về dự án của CPI trên thế giới như sau:
Cách đây khoảng 11 năm, chúng tôi bắt đầu dự án tại Việt Nam khi người sáng lập quỹ Ford, nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi tin rằng họ muốn giúp đỡ cho những người dân tại các nước bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những bom mìn còn sót lại sau chiến tranh có nhiều dạng, đó là mìn cài trên đất, đây là dạng khá phổ biến hiện nay còn tồn tại ở nhiều nước.
Ở Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc, bom mìn còn sót lại vẫn tiếp tục khiến nhiều người dân ở đây bị thương. Quỹ Ford muốn được làm điều gì đó giúp họ và chúng tôi bắt đầu dự án của mình ở Việt Nam vào năm 2000.
Sau đó chúng tôi mở rộng dự án của mình sang các nước Campuchia, Thái lan, Miến Điện, và trong năm nay chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án bên Lào. Và chúng tôi cũng có dự án khá lớn ở Afghanistan.
Việt Hà: Xin bà cho biết về các hoạt động cụ thể mà hiện tại CPI đang tiến hành tại Đông Nam Á là gì?
Melody Mociulski: Nó khác nhau tùy theo nước. Tại Lào, vì mới vào, chúng tôi bắt đầu dự án cho vay vốn nhỏ tại miền Bắc Lào, chúng tôi trao vốn vay cho phụ nữ là chủ gia đình, hay nạn nhân của bom mìn, vốn này có thể dùng cho kinh doanh nhỏ hay chăn nuôi để giúp họ kiếm tiền, vốn này nhỏ chỉ kéo dài khoảng 1 năm với lãi suất thấp để giúp họ có thu nhập, sau đó họ trả lại thì chúng tôi có tiền để giúp các gia đình khác.
Chúng tôi khác so với một số các tổ chức khác là chúng tôi tiếp tục liên hệ với nạn nhân và giúp họ cho đến khi họ hoàn toàn hồi phục sau tai nạn bao gồm cả vấn đề kinh tế, cho nên thời gian có thể lên đến 2 hay 3 năm
Bà Melody Mociulski
Tại Campuchia, chúng tôi có đối tác thực hiện nên chúng tôi không đăng ký văn phòng họat động. Tại đây năm 2006, chúng tôi mua đất và xây nhà máy xây xát gạo tại Batambang, chúng tôi giúp được 200 gia đình là những người bị ảnh hưởng bởi bom mìn.
Họ có thể sử dụng nhà máy này để xay xát gạo, họ có thể trữ gạo ở đó và chúng tôi giúp họ bán gạo. Chúng tôi cũng có cho vay vốn nhỏ. Chúng tôi cũng làm việc với tổ chức MAG của Anh tại đây để giúp các nạn nhân bom mìn tại các tỉnh khác. Tại Thái Lan và Miến điện thì tập trung nhiều hơn vào chân tay giả.
Việt Hà: Còn ở Việt Nam thì sao thưa bà?
Melody Mociulski: Chúng tôi bắt đầu các dự án đầu tiên ở Việt Nam là rà phá bom mìn, sau đó chúng tôi chuyển sang giúp đỡ nạn nhân vì có các tổ chức khác cũng tham gia nhiều vào rà phá như Mag hay Halo, cho nên hoạt động của chúng tôi hiện nay là tập trung vào giúp đỡ nạn nhân.
Từ năm 2000 đến giờ chúng tôi đã giúp được cho 12,000 người tại Việt Nam. Nếu chúng tôi nghe thấy có tai nạn thì chúng tôi phải tìm hiểu xem người bị nạn có thiệt mạng hay bị thương. Nếu thiệt mạng chúng tôi cung cấp một khoản tiền nhất định, nếu bị thương đi bệnh viện chúng tôi chi trả tiền điều trị, và chúng tôi theo dõi cho đến khi họ có thể về nhà.
Chúng tôi khác so với một số các tổ chức khác là chúng tôi tiếp tục liên hệ với nạn nhân và giúp họ cho đến khi họ hoàn toàn hồi phục sau tai nạn bao gồm cả vấn đề kinh tế, cho nên thời gian có thể lên đến 2 hay 3 năm. Chúng tôi cho họ vay vốn, rồi tiền học bổng cho con cái họ đi học, và những trợ giúp khác khi cần.
Vấn đề tài chánh
Việt Hà: Bà đánh giá thế nào về sự hợp tác của chính quyền địa phương với CPI nói riêng và các tổ chức phi chính phủ khác nói chung trong các hoạt động của dự án rà phá bom mìn?
Melody Mociulski: Tôi nghĩ là rất tốt, thực tế năm ngoái chúng tôi đã nhận được bằng khen từ chính quyền địa phương ở Quảng Trị vì họ đánh giá cao những gì mà chúng tôi đã làm.
Một ví dụ điển hình là trong trận bão năm ngoái, địa phương đã kêu gọi một đội chúng tôi tham gia giúp đỡ và mặc dù hoạt động đó không nằm trong phạm vi dự án và không có kế hoạch nhưng chúng tôi đã liên hệ với Bộ Ngoại giao để có thể chi tiền cho họat động này và họ đồng ý.
Chúng tôi đã có thể tham gia giúp đỡ cứu trợ. Tôi cho rằng hợp tác với chính phủ là khá tốt, ví dụ như khi chúng tôi thấy có nhu cầu cần giúp đỡ chúng tôi có thể nói chuyện với họ, họ sẵn sàng cung cấp nguồn lực giúp đỡ nếu họat động nằm ngòai phạm vi dự án của chúng tôi. Còn nếu họ thấy có nhu cầu thì họ cũng có thể liên hệ chúng tôi để chúng tôi có thể trợ giúp nạn nhân.
Việt Hà: Bà nghĩ thế nào về sự tham gia của chính phủ Mỹ trong việc giúp đỡ các nước ở Đông Nam Á trong việc rà phá bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân. Theo bà chính phủ Mỹ còn cần phải làm gì nữa để giúp đỡ các nước này?
Melody Mociulski: Cơ quan giải trừ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ được thành lập để hỗ trợ trong việc dọn sạch bom mìn còn sót lại và nạn nhân bom mìn, họ cam kết để hỗ trợ hết mức có thể. Chúng tôi hiện vẫn tiếp tục nhiều hơn các khoản tài trợ từ cơ quan này bởi vì chúng tôi đang thực hiện tốt các hoạt động của dự án và tiền tài trợ đã đưa trợ giúp được đến tận tay người cần.
Nếu chúng tôi tiếp tục có tài trợ, chúng tôi hy vọng tiếp tục ở lại Việt Nam trong nhiều năm tới và hy vọng có được những kỷ niệm 10 năm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, hay Afghanistan, và có thể mở rộng thêm nhiều nước khác.
Bà Melody Mociulski
Việt Hà: CPI có kế hoạch gì trong tương lai đối với các dự án rà phá bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân tại các nước Đông Nam Á?
Melody Mociulski: Chúng tôi hy vọng là vẫn có thể tiếp tục các dự án của mình trong khu vực vì rõ ràng là vẫn còn những nhu cầu, chúng tôi đang có những dự án khác như Afghanistan, Iraq hay nhìn sang các khu vực khác như Nam Mỹ nhưng tất cả còn phụ thuộc vào tiền tài trợ, mặc dù chính phủ Mỹ vẫn đang trợ giúp Clear Path rất nhiệt tình và chúng tôi có quan hệ tốt và chúng tôi tăng gấp đôi ngân sách cho Đông Nam Á vào năm nay, mức tăng từ 400,000 lên đến 1 triệu đô la.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng mất một số nhà tài trợ do vấn đề kinh tế khủng hoảng trên thế giới và tại Mỹ, vì thế chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm các nhà tài trợ để không chỉ phụ thuộc toàn bộ vào Bộ Ngoại Giao bởi vì chúng ta không thể biết được khi nào thì những ưu tiên của chính phủ sẽ thay đổi.
Tại nước Mỹ có thể là nếu tình hình kinh tế khó khăn, cũng có thể là Bộ ngoại giao không thể tài trợ được nhiều như họ muốn, có thể họ phải để lại tiền cho nhu cầu trong nước Mỹ mặc dù họ muốn trợ giúp cho các nước khác. Ngân sách năm 2011 vẫn chưa hoàn tất nên chúng ta không thể biết được.
Nếu chúng tôi tiếp tục có tài trợ, chúng tôi hy vọng tiếp tục ở lại Việt Nam trong nhiều năm tới và hy vọng có được những kỷ niệm 10 năm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, hay Afghanistan, và có thể mở rộng thêm nhiều nước khác. Chúng tôi sẽ cố gắng và sẽ xem kết quả ra sao.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Quảng Trị, An Lộc sau 35 năm
- Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện "Giải Phóng Miền Nam"
- Đổi mới lần 2 ở nông thôn
- Việt Nam sau 35 năm chiến tranh kết thúc
- 35 năm sau, những chiến binh cả 2 miền Nam-Bắc
- Ảnh hưởng của chất da cam, 35 năm sau chiến tranh
- Giới trẻ với ngày 30/4
- Mốc lịch sử 30-4-1975 và những kỳ vọng cho đất nước
- Chuyện chưa kể của người lái trực thăng di tản