Có thể xem đây là kết quả của hàng loạt thư phản đối từ Quỹ Nguyễn Thái Học, từ nhóm các ông Nguyễn Hùng - Ngô Khoa Bá - Lê Quang Long ở Úc và một thư khác của các giáo sư đại học Hoa Kỳ là Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long – Tiến sĩ Tạ Văn Tài – Tiến sĩ Vũ Quang Việt, với sự hưởng ứng của hàng chục người Việt đang cư trú ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã hứa sẽ sửa sai, song hình như, chưa thể đặt dấu chấm hết sự kiện từng khiến dư luận người Việt xôn xao suốt tuần vừa qua. Đó là lý do Trân Văn thực hiện cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, Giáo Sư Nghiên cứu Á Châu và Quan hệ Á – Mỹ của đại học Maine ở Hoa Kỳ.
Thái độ, chủ quyền
Trân Văn : Thưa anh, NGS vừa có thông cáo báo chí xác nhận rằng họ sai và họ cho biết sẽ sửa sai. Là một trong những người gửi thư phản đối, anh nghĩ thế nào về việc NGS sửa sai?
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long: Theo tôi, phản ứng của National Geographic Society đối với một số thư khuyến cáo, trong đó có thư của chúng tôi là một điều tốt. Nó cho thấy rằng họ nhận thức được là họ đã có sai lầm và họ không đứng về phe nào trong tranh chấp này.
Trân Văn : Anh đánh giá như thế nào về những phản ứng của người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam?
Phản ứng của người Việt Nam trong nước và ngoài nước cho thấy họ nhận ra vấn đề chủ quyền của Việt Nam, vấn đề an ninh trong khu vực là quan trọng.
TS. Ngô Vĩnh Long
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long: Phản ứng của người Việt Nam trong nước và ngoài nước cho thấy họ nhận ra vấn đề chủ quyền của Việt Nam, vấn đề an ninh trong khu vực là quan trọng. Lẽ dĩ nhiên là có ý kiến thế này, thế khác nhưng tôi thấy, phần đông nghĩ rằng, đây là vấn đề rất quan trọng không những cho an ninh trong tương lai của Việt Nam mà còn cho an ninh cả khu vực.
Tôi nghĩ là nếu chúng ta có sự đồng thuận thì chúng ta có thể cho những nước khác biết rằng, họ không thể dùng vũ lực, tiếp tục dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của nước khác. Tôi nghĩ đây là một điềm tốt. Tôi mong rằng mọi thành phần, dù có chính kiến khác nhau sẽ cùng hợp tác quanh sự kiện này.
Trân Văn: Với thực tế như hiện nay, theo anh, làm sao để có thể có được sự đồng thuận đó? Cần phải làm những gì, cần phải quan tâm đến những yếu tố gì, để có được sự đồng thuận đó?
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ rằng muốn có sự đồng thuận, trước hết, vai trò lớn nhất là phía chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam phải làm sao tạo sự đồng thuận đối với tất cả mọi người, không phân biệt chính kiến trong vấn đề này.
Lẽ dĩ nhiên là có người quá khích nhưng mà cũng có người rất điềm đạm và có những ý kiến tốt thành ra chính phủ Việt Nam phải tôn trọng tất cả mọi ý kiến và làm sao để kết hợp những ý kiến này, bởi vì dầu sao đi nữa, chính phủ Việt Nam cũng là đại diện cho tám mươi mấy triệu người Việt Nam trong nước.
Với các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tôi nghĩ phải tiếp tục tranh đấu. Việc tranh đấu này không phải vì chính thể nào mà vì tương lai của nước Việt Nam và vì an ninh trong khu vực.
Tôi nghĩ rằng là tiếp tục tranh đấu với bất cứ hình thức nào cũng sẽ gây áp lực cho một số nước để họ thấy rằng, vấn đề an ninh cho Việt Nam, cho khu vực Đông Nam Á cũng là an ninh cho toàn cầu.
Sự đồng thuận
Trân Văn: Thưa anh, sự kiện bản đồ của NGS có chú thích sai về chủ quyền đối với Hoàng Sa, rồi liền sau đó là sự kiện bản đồ của Google cho thấy biên giới Việt - Trung lấn rất sâu vào lãnh thổ của Việt Nam đã dẫn đến những nghi ngại về những thỏa thuận, những hiệp định mà chính quyền Việt Nam đã ký với Trung Quốc.
Theo anh, yếu tố thông tin có quan trọng trong việc tạo ra đồng thuận hay không? Và để có thể tạo ra được sự đồng thuận thì việc cung cấp thông tin liên quan đến chủ quyền của Việt Nam hiện nay có điểm gì bất thường không?
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long: Trước hết, xin lưu ý, cung cấp thông tin đúng đắn là một vấn đề rất quan trọng, bởi vì nếu không thì càng ngày càng nhiều người càng tưởng là những thông tin sai lầm, hay những bản đồ sai lầm là đúng.
Xin lấy một ví dụ mà đến bây giờ vẫn có quan hệ đến vấn đề biển Đông.
Đó là ngày xưa, thế kỷ thứ 16, những người Bồ Đào Nha không biết gì hết, thành ra họ gọi biển Đông là China Sea. Phải mất một thế kỷ, nhiều người mới nói là à, cái này không phải của Trung Quốc. Lầm như vậy bây giờ phải làm sao? Đáng lẽ họ phải sửa sai ngay từ đầu, họ đã không sửi, họ chỉ để một chữ “Nam” phía trước là South China Sea. Từ đó đến bây giờ, người ta cứ dùng chữ “South China Sea” và nó gây một ấn tượng rất là không tốt.
Chẳng hạn tháng 2 vừa rồi, lúc mười mấy học giả phúc trình trước Quốc hội Mỹ về vấn đề biển Đông, trong số này có 8 người nói là khu vực South China Sea từ xưa đến giờ vẫn là sân chơi sau nhà của Trung Quốc. Nếu họ nói như vậy tức là họ ủng hộ hai chính sách: Một chính sách là ngăn đê hay là ngăn ngừa Trung Quốc - nghĩ như vậy nghĩa là họ coi biển Đông là của Trung Quốc và họ muốn ngăn không cho Trung Quốc nới rộng.
Tôi nghĩ, trách nhiệm của chính phủ Việt Nam không những phải là thông tin tốt cho dân chúng mà còn phải để dân chúng tự nói lên những gì họ thấy sai trái. Như vậy mới thể có sự đồng thuận.
TS. Ngô Vĩnh Long
Còn chính sách kia là chính sách thỏa hiệp. Hai chính sách này đều bất lợi cho Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Vấn đề là Mỹ hay là các nước khác phải phải nghĩ lại vấn đề này cho thấu đáo.
Cũng vì thế, nếu ta dùng những từ sai, tạo những từ sai ngay từ bây giờ thì sau này, nó sẽ ảnh hưởng những vấn đề liên quan đến chính sách hay lối nhìn. Thành ra tôi nghĩ rằng vấn đề này rất quan trọng.
Về phía Việt Nam thì phải nói thật, xưa đến giờ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều chuyện giấu diếm, không cho dân chúng biết hay là để đến khi đổ vỡ rồi thì mọi người chưng hửng. Chẳng hạn vấn đề Trung Quốc ở bên Campuchia rồi nhiều vấn đề khác.
Tôi nghĩ, trách nhiệm của chính phủ Việt Nam không những phải là thông tin tốt cho dân chúng mà còn phải để dân chúng tự nói lên những gì họ thấy sai trái. Như vậy mới có sự tranh luận, sự tìm hiểu. Có sự tranh luận, tìm hiểu thì mới có thể có sự đồng thuận. Chứ anh nói rồi anh bắt người ta nghe anh thì đó là sự áp đặt, không phải là tranh luận, không phải là đồng thuận. Áp đặt thì không bao giờ đưa đến sự đồng thuận.
Dù muốn hay không thì trách nhiệm lớn là của chính phủ Việt Nam hiện nay.
Theo dòng thời sự:
- Hội Địa lý Việt Nam phản đối việc in sai bản đồ Hoàng Sa
- Hoàng Sa và Trường Sa có còn là của Việt Nam?
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)
- Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)
- Vì sao Trung Quốc chỉ thích đàm phán song phương?