Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Vào ngày 2 tháng 11 năm ngoái, năm 2004, trong khuôn khổ chương trình K X - 10, một chương trình chuẩn bị cho Đại Hội 10 Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong một cuộc họp kín, lãnh đạo Trung Ương đã có một bản báo cáo hay nói đúng hơn là một bài thuyết trình dài 32 trang nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam do chính tác giả Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trình bày.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của chính phủ Việt Nam, từng giữ vai trò cố vấn cho cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Duy Trinh, và các cựu Tổng Bí Thư như ông Nguyễn Văn Linh và ông Đỗ Mười. Chức vụ cuối cùng trước khi về nghỉ hưu là cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư.
Để tìm hiểu thêm về tài liệu mà Bộ Chính Trị coi là "tối mật" này, Việt Hùng đã hỏi chuyện Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và được ông cho biết nội dung chính của bản báo cáo như sau:
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Sở dĩ có buổi nói chuyện đó là do ông Trần Ðình Hoan, Ủy viên BCT Ban chấp hành TW Ðảng, Trưởng ban Tổ chức TW có viết thư đề nghị ông Lê Ðăng Doanh trình bày để cho những người chuẩn bị cho các văn kiện ÐH 10 sắp tới nghe. Bài nói chuyện của ông Lê Ðăng Doanh gồm có 3 phần:
- Tóm tắt tình hình về thực trạng của Việt Nam - Một số vấn đề về kinh tế Việt Nam và tiến trình hội nhập của VN - Những yêu cầu cần thiết phải cải cách hệ thống chính trị ở VN để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới
Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ, bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh cho đến nay dư luận cả ở trong và ngoài nước có thể nói là chưa biết đến. Trong phần nhận định về tình hình và thực trạng của VN, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đã đề cập đến những vấn đề gì?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Khi nhìn nhận về nền kinh tế VN, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh ghi nhận rằng, đã có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong những năm "đổi mới" kể từ sau ÐH VI. Từ chỗ nhập khẩu từ chiếc xe máy cho đến bánh xà phòng, rồi cho đến vươn lên được 5 năm xuất khẩu được 2 tỷ đô-la. Sau chỉ vài năm tăng lên 5 lần, tức là được 2 tỷ đô-la, rồi năm qua 2004 được 25 tỷ đô-la. Tuy nhiên cho đến nay, đất nước VN vẫn là một đất nước quá nghèo và vẫn còn tụt hậu còn xa so với thế giới.
Việt Hùng: Với đà phát triển của VN trong năm ngoái 2004 mà VN trình làng với thế giới là trên 7%, vậy nguyên do nào mà trong bài nói chuyện Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh lại nói đến vấn đề tụt hậu của nền kinh tế VN?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Nói xuất khẩu trong năm qua đạt 25 tỷ đô-la thì thấy rõ bằng 5 bằng 10 năm trước thật, nhưng thực tế nếu so với mấy nước trong khu vực như Thái Lan, như mấy nước Trung Á đã không là cái đinh gì rồi. Những quốc gia này đã xuất khẩu hơn trăm tỷ, vài trăn tỷ đô-la.
Nói mức tăng trưởng cao thì mấy nước Trung Á tăng trưởng cao hơn nhiều. Trong 15 năm qua thì Kazactan mỗi năm tăng 10%. Nền kinh tế Singapo so với VN tăng ở mức chót vót, mà đã tăng trưởng cao thì nhích thêm 0,5% cũng chật vật lắm. Vậy mà trong năm qua Singapor cũng đã tăng 11%. Thế rồi nói GDP đạt trên 40 tỷ đô-la đã thấy vĩ đại so với ngày xưa, nhưng với con số ấy thì nền kinh tế VN cũng mới chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi.
Nói rằng tuy GDP bình quân chỉ 500 USD nhưng do giá cả hàng hoá rẻ, giá nhân công rẻ nên tính theo sức mua tương đương PPP ở VN khá cao cũng khụng đúng. Tính theo sức mua tương đương thì ta xép thứ 130/175 nước. Nếu xếp theo tỷ giá nữa thì ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Sau ngàn ấy năm "Đổi mới" oanh liệt lắm ta chỉ mới lẹt đẹt được đến như vậy. Chỉ số phát triển con người có thể cao hơn chỉ số kinh tế nhưng cũng chỉ đạt trung bình. Năm 2003 xếp thứ 109/175, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước.
Vì trì trệ quá lâu rồi, tăm tối quá lâu rồi nên khi mở cửa ra cho ánh sáng bừng lên một chút đã thấy như đổi đời. Thực ra ta tiến còn chậm lắm. Chậm so với nhu cầu bản thân đất nước, chậm so với thiên hạ cho nên thực tế cho thấy là mình vẫn ngày càng tụt hậu. Chưa dám so với các nước tiên tiến, hay chỉ so với mấy nước Châu Á: Thái Lan năm 1950, thu nhập bình quân đầu người năm 1950 ta bằng 80,5% ; năm 1999 = 20%. Hàn Quốc 1950 = 85,5%; 1999 = 11%; Trung Quốc, năm 1950 ta giàu có hơn họ, ta gấp rưỡi họ nay = 20%.
Việt Hùng: Mới đây ông Phan Văn Khải có tuyên bố, trong năm 2005 VN sẽ phấn đấu trở thành thành viên của WTO trong năm nay, năm 2005 và quyết tâm trở thành thành viên của OECD, trong bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh có đề cập đến?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Việt Nam là một nước nhỏ nhưng diện tích cũng đến 330.990 cây số vuông, dân số 81,3 triệu người. Về qui mô quốc gia ta xếp vào hàng thứ 13, 14 gì đó trên thế giới. theo ông Lê Ðăng Doanh, để trở thành thành viên của OECD mức thu nhập đầu người phải đạt 10 000 đô-la/năm. Nay ta mới đạt 530 đô-la/đầu người/năm, cứ đà này 10 năm nữa sẽ được 1060 đô-la/năm. 20 năm nữa được 2120 đô-la/năm. Nếu không có cách mạng, không có phương sách nào khác thì lộ trình ra nhập OECD phải tính bằng thế kỷ.
Việt Hùng: Qua sự trình bày của Tiến sĩ về bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh thì kinh tế VN tụt hậu, tiến rất chậm ...., nhưng có ý kiến lại nói rằng, kinh tế VN phát triển chậm nhưng chậm chắc?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Nó tồn tại được là do những nguồn sau đây: bán tài nguyên đất nước, bán khoáng sản, bán dầu khí, bán thủy hải sản, bán sức lao động của công nhân & nông dân ra nước ngoài, rồi đi vay, đi xin và trông chờ vào khoản tiền hơn 3 tỷ của người Việt ở nước ngoài gửi về.
Bán tống bán tháo tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô là coi như đổ của đi, làm cạn kiệt tài sản quốc gia của con cháu sau này. Con người VN thông minh, cần cù, tài hoa, khéo tay đến mức cày thầy cô giáo, các chuyên gia nước ngoài nào cũng phải khen, nhưng xuất khẩu từ các nước thì lao động VN lại chỉ được giá rẻ mạt vì trong tất cả lao động xuất khẩu, lao động VN thuộc loại ít được đào tạo nhất.
Ðánh giá về độ ổn định tài chính và khả năng tin cậy về tín dụng thì ta được xếp vào loại B+, hơn Bắc Triều Tiên. Ðộ sâu tài chính, tức là tổng số tiết kiệm của ngân hàng trên GDP của ta khoảng 44%, tổng sản lượng tính dụng trên GDP khoảng 48% trong khi Trung Quốc (TQ) là 162%.
Thị trường chứng khoán ra đời đã 3 năm nhưng nay chưa đứng lên đi được mà chỉ bò lê bò lết đến con số 1,6%.
Do quyền lực bị đảng thao túng tuyệt đối để cho các đảng viên có chức có quyền nên tham nhũng và lãng phí diễn ra tràn lan, hết sức thậm tệ dẫn đến phân hóa giầu nghèo rất cách biệt, dẫn đến bất công một cách tàn bạo nên xã hội chất chứa nhiều bức bối có nguy cơ bùng nổ một cách "đồng khởi", hàng loạt những vụ như Thái Bình, Tây Nguyên hay Kim Nỗ ....
Việt Hùng: Trong bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh, khi đề cập đến những cải cách thay đổi hệ thống chính trị của VN thì Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đã nói những vấn đề gì, thưa Tiến sĩ?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Sau khi đưa ra con số của Tổ chức Minh Bạch Thế Giới xếp hạng tham nhũng ở VN đứng thứ 23 trên 145 nước, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đưa ra một dẫn chứng: Trong tòa tháp Hà Nội dựng lên trên đất Hỏa Lò có một nhà trẻ thượng đẳng, giá gửi một cháu là 2800 đô-la/ tháng, tính trong giờ qui định, hết giờ qui định mà còn ở lại nhà trẻ thì bố mẹ phải trả thêm 4 đô-la/giờ. Một người nước ngoài phàn nàn với Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh rằng, muốn đăng ký gửi mà hết chỗ rồi, trong số đó có 20 người VN gửi con ở đó.
Nhìn nhận hệ thống chính trị VN hiện nay, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh nói, nguyên văn câu nói của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh: "Hệ thống chính trị của ta hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả nặng, ta tự tạo nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái kinh tế thị trường sẽ dẫn dến chệch hướng rất lớn". Nhược điểm lớn nhất thể chế chíh trị của chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Ðè nén dân quá làm cho nó tích tụ lại, đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó giống như ở Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Ðức hay như ở đâu đấy .... Theo ông Doanh thì ở Trung Quốc cũng có nguy cơ giống hệt như ở ta ......
Việt Hùng: Vừa rồi là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội với bản báo cáo "tối mật" về tình hình kinh tế hiện tại Việt Nam do Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là tác giả đã trình bày trong một cuộc họp kín của chương trình K X - 10 nhằm chuẩn bị đường hướng cho Đại Hội 10. Trong buổi phát tới chúng tôi xin tiếp tục câu chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về những phản ứng và các lời bình xung quanh vụ việc này, mời quí vị nhớ đón nghe. Việt Hùng - Đài Á Châu Tự Do.