Công nhân Việt tại các chi nhánh Nike ở Malaysia bị chủ nhân bóc lột

Hytex ở Malaysia là một trong mấy chục hãng xưởng chuyên sản xuất hàng cho Nike, đại công ty giày và quần áo thể thao nổi tiếng của Hoa Kỳ. Khoảng hai chục ngàn công nhân ngoại quốc làm việc trong Hytex cũng như những cơ xưởng khác ở Kuala Lumpur, trong đó có hàng nghìn công nhân từ Việt Nam sang.

0:00 / 0:00

NikeBranchesInMalaysiaCompensateVnWorker_Truc-08172008001104.html/vnvkn081508.mp3

Đây là chủ đề của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay, liên quan đến sự kiện là ngày 21 tháng Bảy, khi Đài Truyền Hình Số 7 của Australia trình chiếu phóng sự điều tra chuyện công nhân Việt Nam ở Hytex có thể là nạn nhân của hành động buôn người.

Lý do là vì công nhân bị môi giới bên Việt Nam chèn ép tiền bạc khi giúp họ làm làm giấy tờ đi Malaysia, và khi sang đến nơi rồi thì người lao động lại bị chủ nhân bản xứ bóc lột tiếp tục.

Bị hà hiếp, bóc lột

Những chi tiết này được Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam và Công Đoàn May Mặc Australia cung cấp cho Đài Truyền Hình Số 7.

Qua đến ngày 22 , tức một ngày sau, Đài Truyền Hình Số 7 loan tin công ty Nike ở Hoa Kỳ đang tìm hiểu về những cáo buộc liên quan đến Hytex ở Malaysia.

Từ Melbourne, ông Đoàn Việt Trung của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Australia kể lại:

Ông Đoàn Việt Trung : Từ đầu năm đến giờ thì các anh chị em chúng tôi trong Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam đã đi qua bên Mã Lai (Malaysia) mấy lần, và qua những chuyến đi đó thì đã tìm hiểu được hoàn cảnh của người lao động Việt Nam mình ở bên đó bị lừa đảo và rất nhiều người bị cư xử không tốt.

Trong chuyến đi gần đây chúng tôi qua Mã Lai cùng với một phóng viên của Đài Truyền Hình Số 7 là một trong những đài truyền hình lớn nhất tại Úc này. Phóng viên đó tên là Michael Duffy. Người của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam đi qua bên đó cùng với ông Michaek Duffy là anh Nguyễn Đình Hùng.

Anh Nguyễn Đình Hùng vừa là thành viên của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam mà cũng là một viên chức của một công đoàn may mặc ở Úc là Công Đoàn May Mặc ở Sydney. Qua bên đó anh Hùng đã giúp cho ông Michael Duffy phỏng vấn một số công nhân người Việt cũng như người Bangladesh, và sau đó ông Michael Duffy có dùng camera bí mật đi vào bên trong nơi ăn ở của người công nhân để quay chỗ ở của họ. Đó là chuyện hồi đầu Tháng Bảy.

Đến Ngày 21-7 thì Đài Truyền Hình Số 7 trong chương trình tin tức buổi tối của họ có bản tin về chuyện này và ngày hôm sau thì họ có một bản tin nữa nói là Nike đã phản ứng bởi vì cái bản tin đó là nói về một công ty tên là Hytex ở Mã Lai và công ty đó là một trong cả thảy 37 công ty ở Mã Lai sản xuất hàng cho Nike. Trong bản tin Ngày 22-7, Đài Sô 7 nói là Nike đã phản ứng với bản tin Ngày 21-7 và đã gửi người qua bên Mã Lai để điều tra.

Hợp đồng ký trước

Hẳn quí vị còn nhớ trong những bài trên mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi trước đây, Thanh Trúc từng trình bày cùng quí vị rằng Malaysia là thị trường nhập khẩu lao động hứa hẹn đối với Việt Nam.

Việc đưa công nhân qua Malaysia hay những nước khác để lao động kiềm tiền nằm trong chính sách xuất khẩu lao động và giải quyềt công ăn việc làm tại thị trường nội địa mà Việt Nam chủ trương.

Thế nhưng khi thực hiện những chính sách này thì đối tượng, tức công nhân Việt Nam mà phần lớn là dân quê ít học, bị thiệt thòi nhất vì phải vay mượn cầm cố để có tiền nộp cho môi giới. Họ không được chuẩn bị tinh thần và kiến thức tối thiểu cho cuộc sống ở một nơi lạ nước lạ cái.

Hợp đồng ký trước khi đi không được chủ nhân bản xứ tôn trọng, không được trả tiền lương đúng mức qui định trên giấy trắng mực đen. Có người sang tới nơi thì không có việc, rồi thì nhiều công nhân bị chủ Malaysia bán từ hãng này qua xưởng khác.

Thanh Trúc cũng đã kể cho quí vị nghe về đời sống cơ cực, giờ giấc làm việc quá sức lao động và đồng lương thất thường, nơi ăn chốn ở xập xệ thiếu an ninh của công nhân Việt Nam ở Malaysia. Mặt khác, điều thường xảy ra là công nhân Việt Nam khi mới đến Malaysia thì hay bị chủ nhân giữ hộ chiếu như một cách cầm chân họ.

Chị Hồng, quê ở Ninh Bình, đến Malaysia từ Năm 2006, kể về chuyện bị chủ giữ hộ chiều như sau:

Chị Hồng : Tới sân bay Kuala Lumpur thì có một ông đại diện cho công ty, ông đến ông lấy tất cả hộ chiếu của tất cả bọn em và nói là ông ấy là người của công ty thì ông cầm giữ tất cả hộ chiếu của bọn em từ đợt đó cho đến bây giờ ạ. Cho đến khi hết hợp đồng người ta sẽ trả cho bọn em.

Bọn em đâu có đi đâu được đâu ạ. Người ta chỉ cấp cho bọn em một tờ giấy photo tức là cái hộ chiếu của bọn em họ photo ra rồi họ cho bọn em. Bọn em chỉ đi quanh quẩn chỗ bọn em ở thôi chứ không được đi xa. Người ta nói cấp cho bọn em cái cạc xanh đó chị là để có thể đi đây đó, nhưng mà người ta cũng không cấp cho bọn em luôn.

Nike chịu bồi thường

Trở lại với xưởng Hytex sản xuất hàng cho công ty Nike của Mỹ, theo như ông Đàon Việt Trung cho biết, sau bài phóng sự trên Đi Tuyền Hnh S 7, Nike đã thông báo xác nhận Hytex và 37 hãng xưởng khác đang sản xuất hàng cho Nike ở Malaysia đã vi phạm luật lao động.

Công ty Nike chịu bồi thường thiệt hại cũng như buộc Hytex cải thiện điều kiện làm việc và nơi ăn chốn ở cho khoảng hai chục ngàn công nhân, trong đó có mấy ngàn công nhân Việt Nam.

Ông Đoàn Việt Trung : Ngày 1 Tháng Tám thì Nike ra thông cáo trên website của họ nói là cuộc điều tra của họ cho thấy là những cáo buộc của chúng tôi trên Đài Số 7 đã đúng sự thật và họ sẽ ra lệnh cho tất cả 37 xưởng máy ở Mã Lai phải làm những điều sau đây và những việc này thì sẽ giúp cho khoảng 20 ngàn công nhân ngoại quốc đến làm việc cho 37 công ty này, trong đó có vài ngàn người của mình.

Lần đầu tiên một vụ vi phạm lao động ở Malaysia được giới chủ nhân giải quyết nhanh như vậy. Tưởng cần biết ngoài người Việt thì những sắc dân khác trong Hytex gồm có Bangladesh, Indonesia, Nepal, Sri Lanka. Tất cả được hưởng chung quyền lợi mà Nike vừa cam kết.

Nội dung bản thông cáo của Nike, được công bố trên Đài Truyền Hình Số 7, cho thấy Nike buộc các hãng xưởng sản xuất hàng cho họ ở Malaysia phải lập tức thực hiện một cách vô điều kiện những việc sau đây:

Thứ nhất, hoàn lại mọi lệ phí mà các công nhân ngoại quốc phải trả, kể cả lệ phí cho công ty môi giới và lệ phí giấy phép làm việc.

Thứ hai, kể từ nay trở đi xưởng máy phải trang trải mọi lệ phí kể trên chứ không được bắt công nhân trả.

Thứ ba, bất cứ công nhân nào muốn trở về nước thì công ty phải trả tiền vé khứ hồi dù hợp đồng không đề cập tới điều kiện này.

Thứ tư, về nơi ăn chốn ở của công nhân, mà phần lớn trong tình trạng tồi tệ, dưới mức tiêu chuẩn, thì trong vòng 30 ngày phải chuyển qua chổ tốt hơn. Hiện việc này bắt đầu xúc tiến.

Thứ năm, mọi công nhân được quyền đòi hộ chiếu lại ngay lập tức. Chủ nhân không được đặt ra bất cứ điều kiện nào về việc này.

Thứ sáu, Nike đã thiết lập đường điện thoại nóng 24/24 để công nhân gọi khiếu nại nếu không được trả lại hộ chiếu. Trong trường hợp hãng xưởng cáo buộc điều gì thì chuyện ấy phải được điều tra.

Thông cáo của Nike còn nhấn mạnh là hãng xưởng phải báo cho công nhân biết về quyền lợi của họ, hoặc nói miệng hoặc dán yết thị, sử dụng mọi ngôn ngữ cần dùng.

Sau cùng, một đoạn quan trọng khác của thông cáo là bắt đầu Ngày 1 Tháng Tám, Nike sẽ cho rà soát lại các xưởng máy của Hytex cũng như các hãng xưởng khác tại Malaysia để bảo đảm phải theo đúng chính sách đã nêu ra ở trên.

Bảo vệ công nhân Việt Nam

WorkerMalaysia-250.jpg
Công nhân nước ngoài trong giờ ăn trưa tại Malaysia. AFP PHOTO. (AFP PHOTO)

Vẫn lời ông Đoàn Việt Trung, Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Australia:

Ông Đoàn Việt Trung : Cái đó mới chỉ là lời hứa của Nike và chúng tôi tin là họ thực lòng muốn làm như vậy, nhưng mà 37 công ty đó tại Mã Lai, 37 xưởng máy tại Mã Lai sản xuất hàng cho họ có làm theo lời của Nike hay không thì cái đó là điều mà chúng tôi vẫn cần phải theo dõi.

Theo dõi bằng cách là nói chuyện với một số công nhân người Việt mà chúng tôi quen biết đang làm việc cho các hãng sản xuất cho Nike, cũng như là chúng tôi quen biết với một số công đoàn ở Mã Lai, Tổng Công Đoàn Mã Lai cũng như Công Đoàn May Mặc Mã Lai. Qua sự quen biết đó chúng tôi hy vọng có thể theo dõi được để xem họ có thực hiện chương trình đó hay không. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ nhì là dù cho công việc suôn sẻ thì trong số 20 ngàn người này cũng chỉ có vài ngàn người là người Việt, mà còn hơn một trăm ngàn người là người Việt làm cho những công ty khác thuộc kỹ nghệ may mặc, hoặc là những công ty thuộc kỹ nghệ điện tử, kỹ nghệ đồ gỗ hay kỹ nghệ xây cất, v.v. thì những người đó đại đa số họ vẫn đều bị chủ giữ hộ chiếu của họ, khá nhiều người bị cư xử không tốt, thế thì cần phải làm sao để cho họ biết về kết quả này để họ có thể đòi lại hộ chiếu của họ. Một khi họ đòi lại được hộ chiếu của họ thì họ có sức mạnh không còn bị chủ ăn hiếp nữa.

Những vụ vi phạm hợp đồng, hà hiếp công nhân Việt Nam mà chủ bản xứ gây ra có được sự giúp đỡ can thiệp của những hội đoàn người Việt ở hải ngoại như Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Ba Lan, ở Hoa Kỳ hay ở Australia.

Thí dụ trường hợp vi phạm luật lao động tại công ty Esquel Malaysia trước đây của tập đoàn kinh doanh Esquel có trụ sở tại Hongkong, đã được Liên Minh Chống Nạn Nô Lệ Thời Đại Mới (CAMSA) vận động can thiệp, dẫn đến việc ký kết văn bản thỏa thuận qua đó một ngàn ba trăm công nhân Việt Nam được bồi thường thiệt hại hồi Tháng Tư - 2008.

Trong vụ vi phạm tại Polar Twin Advance ở Penang (Malaysia) chuyên sản xuất trang thiết bị điện cho công ty Polar Electro của Phần Lan, mà Thanh Trúc đã tường trình đến quí vị kỳ trước, thì Liên Minh Chống Nạn Nô Lệ Thời Đại Mới (CAMSA) cũng đã liên hệ với giới chủ nhân Malaysia cũng như phía chính phủ Phần Lan để đòi công bình cho lao động Việt trong công ty Polar Twin Advance ở Malaysia.

Và vụ việc Nike ở Malaysia, được giải quyết thỏa đáng, quyền lợi công nhân được đền bù, một phần cũng là do công sức vận động của Đài Truyền Hình Số 7 (Australia), của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Melbourn , và của Công Đoàn May Mặc ở Sydney (Australia).

Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối Thứ Năm tuần tới.