Làm gì để thế giới không có vũ khí hạt nhân?

Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1945 sẽ diễn ra tại Washington trong hai ngày đầu tuần này. Hội nghị sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

0:00 / 0:00

Mời quý vị cùng Ngọc Trân tìm hiểu các thông tin liên quan đến hội nghị này cũng như các vấn đề hạt nhân có liên quan.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Obama đã cam kết rằng, nhiệm kỳ đầu tiên sẽ bảo đảm tất cả các vật liệu hạt nhân không được quản lý trên khắp thế giới sẽ được giữ an toàn. Và Tổng thống Obama đã cố gắng thực hiện điều đó từ khi nhậm chức đến nay.

Qua các nỗ lực nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân, Tổng thống Obama tin rằng cách duy nhất để bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa tấn công hạt nhân, đó là loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Và ông cũng cho rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ một quốc gia có trách nhiệm sẽ giảm đáng kể.

Chúng ta đang tiến hành những bước dứt khoát và cụ thể để cắt giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong khi vẫn duy trì những ưu tiên cho quân đội.

TT Barack Obama

Thế nhưng tổng thống Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng, vật liệu và công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân không an toàn, được sử dụng sai mục đích hoặc có thể rơi vào tay của một nhóm khủng bố, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho loài người trong thời gian tới.

Một trong những cố gắng giúp thế giới chúng ta đang sống được an toàn hơn, Hoa Kỳ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân vào ngày 12 và 13 tháng 4 tại Washington. Đây là hội nghị lớn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, hội nghị này quy tụ các nhà lãnh đạo cao cấp đến từ 47 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một trong những lý do quan trọng của hội nghị này, đó là cố gắng giữ cho vật liệu hạt nhân không bị rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Trước đó, ngày 8 tháng 4 vừa qua, tại thủ đô Praha (Prague), Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Medvedev, ký một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) đã hết hiệu lực đầu tháng 12 năm ngoái. Đây là một nỗ lực tiến tới thế giới không có vũ khí hạt nhân, sau nhiều lần đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga trong năm qua.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân 2010. Ảnh chụp tại Washington DC 12-04-2010. AFP Photo.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân 2010. Ảnh chụp tại Washington DC 12-04-2010. AFP Photo.

Hoa Kỳ và Nga hiện đang sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới, và theo hiệp ước mới này, hai nước đồng ý cắt giảm 1/3 kho vũ khí hạt nhân, dự kiến số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước sẽ giảm còn 1.550 đầu đạn.

Đây là một thông điệp mà Tổng thống Obama muốn gửi tới thế giới rằng, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu đang nêu gương trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, để qua đó có thể yêu cầu các nước khác bỏ qua sự khác biệt chính trị, tiến tới việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thu hẹp chiến lược hạt nhân

Liên quan tới việc cắt giảm vũ khí hạt nhân trong chương trình hạt nhân mới của Mỹ, trong một bài diễn văn Tổng thống Obama có nói tới mục đích của việc làm này giúp ngăn chặn khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng sẽ giữ lại số lượng vũ khí hạt nhân, phòng khi bị các nước tấn công.

Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thống Obama đã nói: "Chúng ta đang tiến hành những bước dứt khoát và cụ thể để cắt giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong khi vẫn duy trì những ưu tiên cho quân đội, ngăn chặn hành động gây hấn và bảo vệ an ninh cho người dân Mỹ".

Nếu có một thông điệp cho Iran và Bắc Hàn thì đó sẽ là: Nếu bạn chơi đúng luật, nếu bạn gia nhập cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẽ cam kết các nghĩa vụ nhất định cho bạn.

Ông Robert Gates

Ngoài việc hứa sẽ cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân đáng kể, Hoa Kỳ còn cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các nước không sỡ hữu vũ khí hạt nhân, cho dù có bị các nước đó có tấn công Hoa Kỳ.

Trong bản báo cáo “Đánh giá Tình hình Hạt nhân” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra hôm 6 tháng 4 vừa qua, đã đề cập đến vấn đề này. Báo cáo này viết rằng Hoa Kỳ có thể thu hẹp việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ngay cả trong trường hợp tự vệ.

Tuy nhiên, điều kiện để được Hoa Kỳ không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công, phải đi kèm với một điều kiện quan trọng khác đó là: các nước này phải tuân theo Hiệp ước Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Với điều kiện này, Iran và Bắc Hàn không nằm trong danh sách các nước này.

Trong một buổi họp báo mới đây, ông Robert Gates, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Iran và Bắc Hàn. Ông Gates nói: "Về căn bản chúng tôi đã để qua một bên các nước như Iran và Bắc Hàn, những nước không tuân theo Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí Hạt nhân, và về bản chất tất cả các sự lựa chọn đều nằm trên bàn khi nói đến các nước cùng loại, cùng với những nhóm không thuộc các quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân".

Trong một phát biểu khác, ông Gates tiếp tục khẳng định: "Nếu có một thông điệp cho Iran và Bắc Hàn ở đây, thì đó sẽ đó là: 'Nếu bạn chơi đúng luật, nếu bạn gia nhập cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẽ cam kết các nghĩa vụ nhất định cho bạn, và điều đó có nhắc tới trong bản Đánh giá Tình hình Hạt nhân'. Nhưng nếu bạn không chơi đúng luật, nếu bạn muốn trở thành một nước phổ biến hạt nhân, tất cả mọi sự lựa chọn đều nằm trên bàn, trong quan điểm chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề như thế nào."

An ninh được tăng cường tại nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân 2010. Ảnh chụp tại Washington DC 10-04-2010. AFP Photo.
An ninh được tăng cường tại nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân 2010. Ảnh chụp tại Washington DC 10-04-2010. AFP Photo.

Vấn đề hạt nhânTrung Quốc

Bản báo cáo “Đánh giá Tình hình Hạt nhân” cũng nhắc đến việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong vấn đề hạt nhân.

Bản báo cáo viết rằng, “Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ trách nhiệm của mình để giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, chẳng hạn như vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và khủng bố. Thế nhưng, Hoa Kỳ và các nước láng giềng của Trung Quốc cũng lo ngại về các nỗ lực của Trung Quốc đang hiện đại hóa quân sự, bao gồm cả hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi”.

Về căn bản chúng tôi đã để qua một bên các nước như Iran và Bắc Hàn, những nước không tuân theo Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

Ông Robert Gates

Bản báo cáo cho biết, “mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí của Nga và Hoa Kỳ, nhưng việc thiếu minh bạch trong chương trình hạt nhân của nước này đã đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc đang thực hiện ý định chiến lược nào cho tương lai”.

Khi được hỏi về việc thiếu minh bạch của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân, ông Jim Miller, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rằng, Hoa Kỳ không muốn hiểu sai về chiến lược hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, nhưng không rõ mục đích các chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc là gì, và cũng không rõ Trung Quốc có nhận được sự đe dọa nào từ các nước láng giềng hay có lý do nào khác. Trung Quốc đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, vậy Trung Quốc sẽ làm gì với các loại vũ khí này khi có xung đột với các nước khác?

Ngoài cuộc gặp gỡ song phương giữa Hoa Kỳ và các nước khác như Ấn Độ, Đức, Nam Phi, Hoa Kỳ cũng sẽ có các cuộc đàm phán song phương với lãnh đạo Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào trong hội nghị thượng đỉnh đầu tuần này.

Thế nhưng, không rõ liệu Hoa Kỳ có dự định tìm hiểu ý định của Trung Quốc đằng sau việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trong cuộc đàm phán lần này hay không, và liệu Hoa Kỳ sẽ làm gì khi Mỹ và Nga đang cố gắng cắt giảm số vũ khí hạt nhân mà họ đang có, trong khi Trung Quốc đang ngày càng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ?

Theo dòng thời sự: