Tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về bản hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân lịch sử mới. Quyết định được hai nhà lãnh đạo thông qua sau cuộc điện đàm kéo dài 15 phút đồng hồ.
Niềm tin và sự hợp tác
Nói với báo chí, Tổng Thống Obama cho biết hiệp ước không chỉ nhằm thay thế cho bản hiệp ước SALT 2 đã hết hạn hồi cuối năm ngoái, mà còn đánh dấu sự kết thúc của thời chiến tranh lạnh ở thế kỷ 20 và mở ra một kỷ nguyên mới cho thế kỷ 21.
Vẫn theo lời Tổng Thống Mỹ, kỷ nguyên mới này được xây dựng trong niềm tin và sự hợp tác cần có giữa hai quốc gia, và một nền hòa bình cho các thế hệ mai sau.
Hiệp ước không chỉ nhằm thay thế cho bản hiệp ước SALT 2 đã hết hạn hồi cuối năm ngoái, mà còn đánh dấu sự kết thúc của thời chiến tranh lạnh ở thế kỷ 20.
TT Barack Obama
Theo tinh thần của hiệp ước, hai nước sẽ cắt giảm khoảng 1/3 số đầu đạn hạt nhân hiện có, đồng thời cũng giới hạn số lượng tầu ngầm và máy bay được trang bị phi đạn hạt nhân.
Tại Maxcơva, Tổng Thống Nga Medvedev nói rằng ông vui mừng khi đạt được thỏa hiệp cắt giảm võ khí hạt nhân với Hoa Kỳ, nhưng các viên chức cao cấp của Điện Kremlin cũng nói rằng Maxcơva dành quyền từ chối thi hành hiệp ước nếu Washington vẫn giữ ý định dựng các hệ thống lá chắn phi đạn ở các nước Đông Âu nằm gần Nga.
Ý định dựng các hệ thống này được đưa ra từ thời Tổng Thống George W. Bush và đã từng gây ảnh hưởng bất lợi cho mối quan hệ đôi bên. Mặc dù Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng nói hệ thống phóng thủ nhằm bảo vệ cho các nước đồng minh của Mỹ trong trường hợp bị Iran tấn công, nhưng lời giải thích này không được Nga chấp nhận, cho rằng Hoa Kỳ có ý đồ muốn đe dọa an ninh của họ.
Hồi năm ngoái, có tin nói rằng Tổng Thống Obama đã gửi thư riêng cho Tổng Thống Medvedev, hứa không dựng hệ thống lá chắn để đánh đổi lấy sự ủng hộ của Nga trong kế hoạch gây áp lực buộc nhà cầm quyền Iran phải ngưng ngay các hoạt động liên quan tới hạt nhân.
Rất nhiều nhà lãnh đạo các nước đã lên tiếng hoan nghênh việc làm của Mỹ và Nga. Ngoại Trưởng Anh David Miliband còn kêu gọi thế giới nên bắt nắm lấy cơ hội này, để khởi đầu cho những cuộc thảo luận đi đến việc toàn cầu thảo bỏ võ khí hạt nhân.
Theo luật lệ của Hoa Kỳ và Nga, bản hiệp ước phải được thông qua bởi Quốc Hội. Dự đoán đầu tiên cho rằng phía Nga sẽ không có khó khăn, nhưng các vị dân cử Cộng Hòa ở Mỹ có thể tìm cách ngăn chận, vì trong quá khứ họ đã từng nói sẽ không ủng hộ bất kỳ hiệp ước nào ký với Nga mà gây cản trở cho kế hoạch dựng hệ thống phòng thủ phi đạn ở Đông Âu.
Tôi là Nguyễn Khanh, tường trình từ Nhà Trắng.
Theo dòng thời sự:
- Nga-Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán hiệp ước nguyên tử vào 2010
- Thành công bước đầu của Mỹ và Nga về bản hiệp ước mới
- Hiệp ước nguyên tử Nga - Mỹ gặp trở ngại
- Cuộc họp Nga Mỹ về cắt giảm vũ khí nguyên tử có dấu hiệu lạc quan
- Nga cảnh báo sẽ phản ứng bằng vũ khí hạt nhân khi bị tấn công
- Ông Obama và những ngày bận rộn tại Mátxcơva