Khi ông Mỹ, ông Tàu ngồi uống nước trà hàn huyên

“Rất nhiều vấn đề sẽ được hai nhà lãnh đạo thảo luận”, phát ngôn viên Robert Gibbs của Tòa Bạch Ốc lên tiếng trình bày khi loan tin Tổng Thống Barack Obama sang thăm Trung Quốc trong chuyến đi đầu tiên của ông với tư cách người đang điều khiển nước Mỹ.

Trong 2 ngày ở Bắc Kinh, Tổng Thống Hoa Kỳ và Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào “sẽ bàn thảo về vấn đề môi trường, khí hậu mặt dất ấm dàn, chuyện Iran, chuyện Bắc Hàn, và chuyện kinh tế”.

Điều ông Gibbs quên –hay cố ý quên- không nói tới: Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ dành không ít thì giờ để bàn thảo về quan hệ quân sự.

Không thể không quan tâm

Với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, Trung Quốc là nước “bắt buộc” phải quan tâm tới. Chỉ vài ngày sau khi tân chính quyền được thành lập, Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton chọn ngay Bắc Kinh làm trạm dừng chân; trong chuyến công du Châu Á sắp đến đương nhiên ông Obama không thể bỏ qua Hoa Lục.

Từng có lúc quan hệ với Bắc Kinh bị Washington coi “nhẹ” so với Liên Sô “nặng ký” hơn nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi, “không thể nói chuyện thế giới mà không có sự hiện diện của Trung Quốc”, theo trình bày của một viên chức cao cấp thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ trong buổi gặp riêng để nói chuyện với báo chí ở Washington trước ngày ông Obama lên đường công du.

Vị thế “nặng ký” của Trung Quốc thể hiện ở nhiều mặt, từ thế lực ngoại giao cho đến những khoản vốn khổng lồ Bắc Kinh bỏ ra để đầu tư khắp nơi, hoặc kế hoạch hiện đại hóa quân sự được thực hiện trong một thập kỷ qua.

Dưới thời George W. Bush, các viên chức cao cấp quốc phòng lẫn ngoại giao Mỹ đều lên tiếng bảo Trung Quốc là “hiểm họa” mà Washington phải đương đầu, Quốc Hội Liên Bang Mỹ cũng liên tục tổ chức điều trần để nghe các quan chức hành pháp trình bày, giải thích xem “hiểm họa” đó to lớn đến mức nào và làm sao ngăn chận.

Obama-BeijingAirport-11162009-250.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt chân xuống phi trường Bắc Kinh hôm 16-11-2009. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Đánh thức lúc nửa đêm

Từ ngày ông Obama làm chủ Tòa Bạch Ốc đến giờ, cảnh báo về “hiểm họa đến từ Trung Quốc” không còn được công khai nhắc tới nhiều như thời ông Bush, nhưng bên trong các viên chức Mỹ vẫn làm việc không ngừng “để chuyện bất ngờ hay không may đừng xảy ra”.

Mới tuyên thệ làm Tổng Thống được 2 tháng, ông Obama bị nhân viên dưới quyền gọi giậy lúc 3 giờ sáng báo cáo chuyện tàu dò thám Impeccable bị hải quân Trung Quốc bao vây ở biển Đông, một tháng sau đó chuyện tương tự cũng xảy ra ở Hoàng Hải.

Cả hai vụ đều kết thúc tốt đẹp “sau khi tàu Mỹ rời địa điểm”, nhưng theo một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ “những chuyện như thế làm điên đầu mọi người”, ông Cố Vấn David Axelrod cũng từng than “mỗi lần phải đánh thức Tổng Thống vào lúc nửa đêm là mỗi lần chẳng riêng chúng tôi mà cả thế giới mất ăn mất ngủ”.

Chính vì thế, cả hai phía đều nghĩ đã đến lúc các lãnh đạo nên nói chuyện thẳng với nhau, và làm thế nào để có được “chiến lược tái đảm bảo” va chạm quân sự không xảy ra.

Chữ “chiến lược tái đảm bảo” (strategic reassurance) là chữ lần đầu tiên giới săn tin ở Hoa Kỳ nghe được từ miệng ông Phụ Tá Ngoại Trưởng James Steinberg.

“Trung Quốc đang chuyển mình thành một cường quốc”, ông Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Michael Schiffer chia sẻ. “Quân đội Mỹ đang mở rộng địa bàn hoạt động và có thể va chạm cũng thường xảy ra nhiều hơn, nếu hai nước không có một giải pháp để giải quyết tình huống, hiểu lầm này dồn vào hiểu lầm khác chỉ tạo bất lợi”.

Cách giải quyết duy nhất để không phải đánh thức Tổng Thống lúc nửa đêm: hai nhà lãnh đạo ngồi nói chuyện trực tiếp với nhau, thẳng thắn trao đổi điều cả hai đều quan tâm, sau đó chỉ thị cho nhân viên hai nước bàn thảo những “thủ tục cần thiết phải làm mỗi khi đối đầu”.

Tiềm năng quân sự

Không rõ “chiến lược đàm phán” do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia vạch ra cho Tổng Thống Obama bao gồm những điểm gì và hai nhà lãnh đạo sẽ chấp thuận thực hiện những biện pháp nào khi không may có va chạm quân sự, nhưng tin từ nhiều nguồn đều bắn tiếng cho báo chí thấy Washington rất quan tâm đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Theo dự báo của Bộ Quốc Phòng Mỹ, cuối năm tới Trung Quốc sẽ hạ thủy 5 chiếc tầu ngầm loại tối tân nhất (Jin class), mỗi chiếc chở theo từ 8 đến 12 đầu đạn nguyên tử hoạt động tầm xa “trong khi họ đã có ít nhất chừng 80 phi đạn nguyên tử tầm trung”.

Dưới thời Tổng Thống Bush, Washington đã cử một phái đoàn sang Bắc Kinh nói chuyện về võ khí nguyên tử nhưng cuộc họp kéo dài 2 ngày “không đem lại kết quả nào” vì Trung Quốc nhất định không chia sẻ tin tức về chương trình của họ.

Trước khi từ chức, ông Tổng Trưởng Donald Rumsfeld đã gửi thư mời viên chức đứng đầu chương trình nguyên tử của Hoa Lục sang Mỹ nói chuyện nhưng đến giờ vẫn chưa được trả lời.

Có tin nói ông Tổng Trưởng đương thời Robert Gates cũng đã gửi thư nhắc lại lời mời và phía Bắc Kinh cũng không đếm xỉa tới.

Không rõ hư thực chuyện ông Gates mời phía Bắc Kinh sang Washington nói chuyện nguyên tử đúng sai như thế nào, nhưng chỉ 2 tuần trước đây ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Đông Á Kurt Campbell từng ngao ngán nói “tôi có thể nói điều bực bội nhất là qua nhiều chính quyền liên tiếp, Hoa Kỳ đã bao nhiêu lần muốn đào sâu cuộc thảo luận với Hoa Lục, muốn họ trình bày mục tiêu của chương trình hiện đại hóa quân sự và hướng đi của chương trình này như thế nào, nhưng chẳng thành công”.

Vẫn ông Campbell, “không ai phủ nhận Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đương nhiên họ phải có cả một sách lược lẫn tham vọng về quân sự.

Không chỉ Hoa Kỳ và đồng minh đòi hỏi họ công khai hóa những gì họ làm, mà ngay cả những quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng muốn biết mục tiêu và tham vọng quân sự của Hoa Lục”.

Không chỉ gia tăng hoạt động trên biển, phúc trình tình báo hành pháp Mỹ gửi Quốc Hội cho biết quân đội Trung Quốc đang chế tạo “một thế hệ chiến đấu cơ mới”, khả năng hoạt động “không kém gì những chiến đấu cơ Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang sử dụng”.

Phúc trình cũng nhắc lại cách đây 2 năm Bắc Kinh đã biểu dương khả năng bằng cách phá hủy một vệ tinh và vài tháng gần đây đã phóng một vệ tinh khác nằm cách trạm không gian quốc tế chừng 150km.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ nói điều khiến họ ngạc nhiên nhất là chương trình vệ tinh không gian này “được điều khiển bởi bộ binh chứ không phải không quân Trung Quốc”, và tới nay Bắc Kinh vẫn từ chối mọi yêu cầu thảo luận xử lý “rác không gian” với Hoa Kỳ, Nga và Châu Âu.

Khúc xương Đài Loan

Hoạt động của bộ binh Trung Quốc không ngừng ở đó. Hai tháng trước đây, tổ chức chuyên nghiên cứu quốc phòng Rand Corp. cho phổ biến kết quả cuộc nghiên cứu mới nhất, cho thấy hệ thống phi đạn của Hoa Lục “có khả năng phá hủy tất cả các căn cứ không quân của Đài Loan”, sau đó “không quân Hoa Lục sẽ làm chủ bầu trời Đài Loan” khi Bắc Kinh đem giải pháp quân sự để thống nhất đất nước ra sử dụng.

Đài Loan cũng là đề tài sẽ được hai nhà lãnh đạo Mỹ- Hoa nói tới. Tháng Sáu vừa rồi khi sang thăm Bắc Kinh, phái đoàn Hoa Kỳ do bà Phụ tá Tổng trưởng Quốc Phòng Michele Flournoy hướng dẫn được phía đối tác đưa ra một danh sách những điều Washington phải làm “nếu muốn quan hệ quân sự song phương tiến triển tốt”.

Một viên chức trong đoàn kể lại danh sách “đương nhiên” có cả đòi hỏi tầu thám thính của hải quân Mỹ “không được xâm nhập khu đặc quyền kinh tế 200 dặm của Hoa Lục”, nhưng “đòi hỏi Hoa Kỳ không được bán võ khí cho Đài Loan đứng đầu”.

Gần hơn nữa là ngay sau khi Tòa Bạch Ốc báo tin ông Obama sẽ ghé Bắc Kinh, một viên chức của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Washington bảo ngay với báo chí “Mỹ chỉ cần buông Đài Loan là quan hệ sẽ tốt đẹp tức khắc”.

Trong 3 năm qua, chính phủ Đài Bắc 3 lần gửi thư yêu cầu được mua 66 chiếc F-16 của Mỹ cùng với hỏa tiễn Patriot và trực thăng Black Hawk, nhưng cả 3 lần Washington đều “gật đầu về hình thức” nhưng “làm ngơ không thực hiện nội dung” vì e ngại ảnh hưởng tới quan hệ đang có với Bắc Kinh.

Nghe đâu sau khi từ Bắc Kinh trở về, đã tới lúc ông Obama phải quyết định có chấp thuận lời yêu cầu của Đài Bắc hay không?